Vốn Đức đang chảy vào Việt Nam

Hơn 1 tuần trước, Công ty Bosch Việt Nam đã chính thức kỷ niệm 5 năm Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghệ phần mềm (R&D) tại Việt Nam, đánh dấu một bước phát triển mới của Bosch tại Việt Nam. Sau 5 năm hoạt động, theo ông Võ Quang Huệ, Tổng giám đốc Bosch Việt Nam, Trung tâm R&D của Bosch đã có 870 kỹ sư và sẽ tăng lên 1.100 người vào cuối năm 2016.

Có thể kể rất nhiều tên tuổi Đức đã đầu tư và kinh doanh thành công tại Việt Nam, như Bosch, Mercedes-Benz, Siemens, B.Braun, ThyssenKrupp, hay Knauf, Allianz Có thể kể rất nhiều tên tuổi Đức đã đầu tư và kinh doanh thành công tại Việt Nam, như Bosch, Mercedes-Benz, Siemens, B.Braun, ThyssenKrupp, hay Knauf, Allianz

Trong khi đó, số liệu được Bosch công bố giữa năm cho biết, kết thúc năm tài chính 2014, tập đoàn hàng đầu thế giới chuyên cung ứng công nghệ và dịch vụ này có doanh thu hợp nhất tại Việt Nam đạt 50 triệu USD (38 triệu euro), tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng doanh thu ròng, bao gồm doanh thu từ các công ty con chưa hạch toán hợp nhất và các đơn hàng giao trong nội bộ các công ty trực thuộc, đạt 340 triệu USD (256 triệu euro), tăng khoảng 20% so với năm ngoái.

Những kết quả trên càng ngày càng khiến ông Võ Quang Huệ hài lòng, bởi điều đó chứng tỏ quyết định mở rộng đầu tư nhà máy chuyên sản xuất dây đai truyền lực biến đổi cho ô tô của Bosch tại Việt Nam là hoàn toàn chính xác. Ban đầu, Bosch chỉ đầu tư tại Việt Nam 50 triệu euro, nhưng rất nhanh sau đó đã tăng lên 100 triệu euro và hiện tại là 282 triệu euro. Bosch thậm chí đã trở thành một trong những nhà đầu tư hàng đầu của Đức tại Việt Nam.

“Tôi rất mừng là Bosch hiện được biết đến như một doanh nghiệp châu Âu đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp. Hơn thế, Bosch còn hoạt động trong cả 3 lĩnh vực: sản xuất, thương mại và R&D”, ông Huệ nói.

Tất nhiên, Bosch không phải là doanh nghiệp Đức duy nhất thành công tại Việt Nam. Có thể kể rất nhiều tên tuổi Đức đã đầu tư và kinh doanh thành công tại Việt Nam, như Mercedes-Benz, Siemens, B.Braun, ThyssenKrupp, hay Knauf, Allianz...

Knauf Việt Nam - công ty con của Tập đoàn sản xuất thạch cao Knauft Group của Đức vào tháng 7 năm ngoái đã khởi công xây dựng nhà máy sản xuất đầu tiên tại Khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng), nhằm mở rộng thị trường tại Việt Nam. Nhà máy này có tổng vốn đầu tư 41 triệu USD, công suất 10 triệu m2 thạch cao/năm.

Trong khi đó, Tập đoàn B. Braun (Đức) vẫn đang trong quá trình hiện thực hóa kế hoạch đầu tư khoảng 270 triệu USD vào Việt Nam trong những năm tới. Hiện tại, tập đoàn này đã có nhà máy chuyên sản xuất các loại dịch truyền; dung dịch lọc thận, lọc máu; các thiết bị y tế bằng nhựa… tại Hà Nội, với tổng vốn đầu tư trên 94 triệu USD.

Ngoài những cái tên trên, trong báo cáo về tình hình đầu tư của Đức vào Việt Nam, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) còn nhắc tới các dự ánSchaffler Việt Nam, tổng vốn đầu tư 116,7 triệu USD, với mục tiêu sản xuất ổ bi tròn, ổ bi đũa và các linh kiện liên quan, lắp đặt, bảo trì ổ bi tại Đà Nẵng; hay dự án Amata Power, xây dựng nhà máy điện cho Khu công nghiệp Amata (Đồng Nai), với tổng vốn đầu tư 110 triệu USD; rồi Dự án 83 triệu USD của Công ty TNHH Đầu tư phát triển điện tại Ninh Thuận...

Xu hướng này sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới, khi một không gian kinh tế mới của Việt Nam được mở ra sau khi hàng loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được ký kết, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU…, cũng như việc Việt Nam tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).

Nhằm đón đầu cơ hội, giữa tháng 10 vừa qua, một đoàn gồm hơn 10 doanh nghiệp Đức đã tới Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Trong đó, nhiều nhà đầu tư tiềm năng như Selectrona GmbH, WMB Werkzeugmaschinenbau Halle GmbH hay Koenig Design... cho biết, đang nghiên cứu môi trường và các địa điểm đầu tư tại Việt Nam.

Cơ hội càng rộng mở khi trong cuộc hội đàm ngày 25/11/2015 nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Đức, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Đức J.Gauck đã khẳng định, hai nước đang có môi trường và điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh hợp tác thương mại và đầu tư. Hai nhà lãnh đạo thậm chí đã nhắc tới mục tiêu đầu tư của Đức tại Việt Nam phấn đấu đạt 5 tỷ USD trong thời gian sớm nhất, nhằm duy trì việc Đức là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam tại EU.

Năm ngoái, khi tới thăm Đức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã khẳng định Việt Nam luôn “hoan nghênh luồng vốn đầu tư từ Đức, với nhiều dự án đầu tư có chất lượng cao, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, trong đó có nhiều tập đoàn, công ty danh tiếng của Đức như Siemens, Mercedes-Benz, B.Braun, Allianz, Bosch”.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục