Vốn điều lệ của Vietbank (VBB) sẽ đạt 5.780 tỷ đồng sau đợt chào bán hơn 100 triệu cổ phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Mới đây, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank - mã chứng khoán VBB) đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng nhằm tăng vốn điều lệ.
Vốn điều lệ của Vietbank (VBB) sẽ đạt 5.780 tỷ đồng sau đợt chào bán hơn 100 triệu cổ phiếu

Theo đó, Vietbank sẽ chào bán 100,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ với tỷ lệ 21%. Đồng nghĩa với việc mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được mua thêm 21 cổ phiếu mới.

Giá cổ phiếu bán ra trong đợt này sẽ bằng với mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phiếu. Trong vòng 90 ngày kể từ khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy phép chào bán, Vietbank phải thực hiện phân phối số cổ phiếu đã đăng ký. Tổ chức tư vấn phát hành là Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt.

Sau đợt phát hành này, Vietbank sẽ tiếp tục hoàn thiện các thủ tục cần thiết để thực hiện đúng lộ trình tăng vốn đã được Đại hội đồng cổ đông và Ngân hàng Nhà nước thông qua. Việc tăng vốn điều lệ này sẽ giúp Vietbank nâng cao năng lực tài chính, củng cố các tỷ lệ an toàn trong hoạt động trong đó có hệ số an toàn vốn (CAR), đặc biệt khi Vietbank đã hoàn thiện và áp dụng cả 3 trụ cột theo chuẩn Basel II.

Ngoài ra, việc tăng vốn sẽ giúp gia tăng được nguồn vốn trung dài hạn, tạo điều kiện để ngân hàng đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng mạng lưới hoạt động và đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng ở những năm tiếp theo.

Trước đó vào ngày 25/7/2023, Ngân hàng Nhà nước cũng chấp thuận cho Vietbank tăng vốn điều lệ từ 4.777 tỷ đồng lên 5.780 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Toàn bộ số vốn 1.003 tỷ đồng thu về dự kiến được sử dụng cho việc kinh doanh, đầu tư trái phiếu, bảo đảm tuân thủ các tỷ lệ an toàn trong hoạt động kinh doanh và sinh lời cho Vietbank.

Để được chấp thuận, Vietbank đã luôn chấp hành tốt các quy định của pháp luật và Ngân hàng Nhà nước về tỷ lệ bảo đảm an toàn, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, quản trị rủi ro, kiểm soát tốt danh mục nợ và nợ xấu. Bên cạnh đó, ngân hàng này đã thực hiện tăng cường các biện pháp kiểm soát rủi ro tín dụng, thực hiện thẩm định khách hàng trước cho vay, tăng cường kiểm tra giám sát khi cho vay và sau cho vay để đảm bảo chất lượng tín dụng, hạn chế phát sinh nợ xấu.

Vietbank cũng đã hướng tín dụng vào các khoản vay nhỏ lẻ, hiệu quả và kỳ hạn ngắn, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục