Điểm rơi vào tháng 9
Hầu hết các nhà kinh tế được hãng tin Reuters khảo sát cho rằng, Fed sẽ cắt giảm lãi suất chỉ 2 lần trong năm nay, vào tháng 9 và tháng 12, do nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ hỗ trợ cách tiếp cận thận trọng của Fed.
Áp lực giá giảm trong vài tháng qua và những dấu hiệu gần đây cho thấy thị trường lao động yếu đi, khiến một số thành viên của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ của Fed “tự tin hơn” rằng lạm phát sẽ trở lại mục tiêu 2%, nhưng không gây ra suy thoái kinh tế đáng kể, tức là đưa nền kinh tế “hạ cánh mềm”.
Phố Wall đã chớp cơ hội đó để định giá cổ phiếu theo kịch bản Fed thực hiện 2 đến 3 đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay, dự phóng giá cổ phiếu tăng lên khoảng 2% và kéo lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm hơn 25 điểm cơ bản trong tháng này.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế lại nghiêng về phương án 2 đợt cắt giảm lãi suất trong nửa cuối năm 2024 và niềm tin này càng được củng cố sau thông tin nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ trong quý II/2024.
Tất cả 100 nhà kinh tế được Reuters khảo sát từ ngày 17-23/7 đều chung dự đoán rằng, Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp chính sách kết thúc vào ngày 31/7. Hơn 80% (82/100 nhà kinh tế) cho rằng, Fed sẽ thực hiện đợt cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản đầu tiên vào tháng 9, đưa lãi suất cơ bản về ngưỡng 5 - 5,25%. 70% các nhà kinh tế đồng tình rằng, sẽ có thêm đợt cắt giảm lãi suất vào tháng 12.
Tương tự, theo nền tảng theo dõi chính sách FedWatch của CME Group, các nhà giao dịch Phố Wall đặt cược 93,3% khả năng Fed sẽ hạ lãi suất 25 điểm cơ bản xuống còn 5 - 5,25% vào tháng 9 và có 6,7% khả năng lãi suất cơ bản của Mỹ sẽ giảm 50 điểm phần trăm trong tháng 9.
“Chúng tôi dự đoán sẽ có các đợt cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản tại các cuộc họp FOMC vào tháng 9 và tháng 12, trừ khi có biến động tăng bất ngờ trong dữ liệu lạm phát”, ông Jonathan Pingle, kinh tế trưởng ngân hàng đầu tư UBS (Thụy Sỹ) cho biết.
“Chúng tôi nghi ngờ rằng, dữ liệu việc làm bất ngờ khá yếu là điều kiện cần để đặt ra tính cấp bách phải hạ lãi suất nhiều hơn trong năm nay”, ông Pingle nói thêm.
Sở dĩ các nhà kinh tế nhanh chóng điều chỉnh kỳ vọng Fed tiến hành tới 2 đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay là do tín hiệu tích cực về tăng trưởng bứt tốc của kinh tế Mỹ trong quý II và Chỉ số Giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa dùng của Fed - hạ nhiệt trong tháng 6.
Theo đó, chỉ số PCE tháng 6 được dự đoán sẽ tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, so với mức tăng 2,6% vào tháng 5, một cuộc khảo sát riêng của Reuters. Còn theo ước tính đồng thuận của FactSet, các nhà kinh tế dự báo chỉ số PCE tháng 6 sẽ tăng 0,08% so với tháng 5 và tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước.
Các nhà kinh tế cũng lưu ý rằng, cho đến ít nhất là năm 2026, các chỉ số lạm phát, gồm chỉ số PCI, PCI lõi, PCE và PCE cốt lõi, mới lùi về mục tiêu 2% mà Fed đề ra.
“Lạm phát rất khó dự báo trong năm nay và đã có biến động không thể đoán trước. Ví dụ, tiền thuê nhà đã tăng dai dẳng hơn nhiều so với bất kỳ mong đợi nào”, ông Chris Low, nhà kinh tế trưởng tại công ty môi giới tài chính FHN Financial (Mỹ), cho biết.
Nền kinh tế Mỹ được dự báo đạt tăng trưởng 2,3% trong năm nay, nhanh hơn mức 1,8% - tốc độ tăng trưởng được các quan chức Fed cho là không gây ra lạm phát. Nền kinh tế lớn nhất thế giới ước tính sẽ tăng trưởng lần lượt 1,7% và 2% trong năm 2025 và năm 2026.
Với kịch bản tăng trưởng này, Fed được kỳ vọng sẽ cắt giảm lãi suất một lần trong mỗi quý cho đến năm 2025, đưa lãi suất cơ bản xuống ngưỡng 3,75 - 4% vào cuối năm 2025.
Vốn đầu tư vào châu Á hưởng lợi
Fed được biết đến nhiều nhất với vai trò là “nhạc trưởng” điều phối nền kinh tế lớn nhất thế giới, bởi cơ quan này có nhiệm vụ ổn định giá cả và tạo ra việc làm tối đa. Để kiềm chế lạm phát đạt đỉnh ở mức 9,1% vào hai năm trước, từ tháng 3/2022 đến tháng 7/2023, Fed đã tiến hành 11 đợt tăng lãi suất cơ bản lên mức cao nhất trong 2 thập kỷ.
Kỳ vọng Fed hạ lãi suất đã thúc đẩy xu hướng tăng chung của thị trường chứng khoán và bằng chứng là chỉ số S&P 500 đã phá vỡ nhiều kỷ lục kể từ đầu năm đến nay.
Tại châu Á, kỳ vọng lãi suất Mỹ giảm đã giúp vốn ngoại chảy vào thị trường trái phiếu châu lục tăng ròng tháng 6, đồng thời đánh dấu tháng thứ hai liên tiếp, nhà đầu tư mua ròng.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng trái phiếu trị giá 3,05 tỷ USD tại Indonesia, Ấn Độ, Malaysia, Hàn Quốc và Thái Lan trong tháng 6, sau khi mua ròng khoảng 9,5 tỷ USD vào tháng 5, theo dữ liệu được Reuters tổng hợp từ các cơ quan quản lý và hiệp hội thị trường trái phiếu khu vực.
Nhà đầu tư ngoại mua ròng 1,79 tỷ USD trái phiếu Ấn Độ trong tháng 6, đánh dấu dòng vốn nước ngoài hàng tháng lớn nhất trong 4 tháng qua. Thị trường trái phiếu Ấn Độ dự kiến đón tổng dòng vốn ngoại chảy vào khoảng 20 tỷ USD trong 10 tháng tới.
Trong khi đó, thị trường trái phiếu Indonesia đã đón 2,5 tỷ USD vốn ngoại vào tháng 6, chủ yếu là do nhà đầu tư ngoại tập trung mua trái phiếu SRBI của Ngân hàng Trung ương Indonesia.
Ông Khoon Goh, Trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á tại Ngân hàng ANZ nhận định: “Dữ liệu lạm phát gần đây của Mỹ và các dấu hiệu cho thấy hoạt động kinh tế suy giảm đã duy trì kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất cuối năm nay”.
Dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp của nước này đã tăng lên mức cao nhất trong 2 năm rưỡi, khi đạt 4,1% vào tháng 6, trong khi Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) giảm 0,1%, một tín hiệu xuôi chiều cho quyết định giảm lãi suất của Fed.
“Điều này giúp duy trì tâm lý rủi ro tích cực và mang lại lợi ích cho dòng tiền chảy vào châu Á”, ông Goh đánh giá.
Mặc dù dự đoán Fed sẽ bắt đầu hạ lãi suất trong nửa cuối năm nay, giới phân tích vẫn không chắc liệu các ngân hàng trung ương ở châu Á có bắt kịp số lượng và thời điểm cắt giảm của Fed hay không.
Bà Frances Cheung, nhà phân tích của ngân hàng OCBC cảnh báo rằng, lãi suất và lợi suất của châu Á có khả năng giảm chậm hơn lãi suất và lợi suất của USD. “Việc nới lỏng lãi suất USD với lãi suất châu Á vốn ổn định hơn sẽ bình thường hóa một phần chênh lệch lãi suất và lợi suất, khiến trái phiếu chính phủ bằng đồng nội tệ của châu Á trở nên hấp dẫn hơn”, bà Cheung nói thêm.