Vốn đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam: Duy trì sự tích cực nhưng thận trọng

0:00 / 0:00
0:00
Các nhà đầu tư Nhật Bản duy trì thái độ tích cực, tuy nhiên có phần thận trọng trước quyết định đầu tư tại Việt Nam.

Thông tin được ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản tại Hà Nội (JETRO Hà Nội) chia sẻ cùng phóng viên Báo Đầu tư bên lề một sự kiện gần đây.

Theo số liệu của JETRO, 7 tháng đầu năm nay, Nhật Bản vẫn duy trì trong top 5 nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên nếu năm ngoái, nguồn vốn FDI từ Nhật Bản chiếm vị trí thứ 2 trong tổng số vốn đầu tư Việt Nam nhận được, thì nửa đầu năm nay đã chuyển xuống vị trí thứ tư.

“Nhà đầu tư Nhật Bản duy trì thái độ tích cực, nhưng chậm hơn và thận trọng hơn, vì những biến động từ môi trường kinh tế. Một vài sự chậm trễ về thủ tục hành chính cũng cản trở quyết định đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam”, ông Nakajima Takeo đánh giá.

Năm nay, các dự án đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản trải dài trên nhiều quy mô, nhưng số dự án lớn không nhiều. Ví dụ trong năm ngoái, dự án đầu tư lớn nhất là dự án nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình có giá trị 2 tỷ USD là, thì năm nay các dự án lớn mới dừng ở mức trên 100 triệu USD.

Đại diện JETRO Hà Nội cho biết điểm tích cực là dù số lượng dự án mới giảm 20%, nhưng ngược lại, các dự án cũ đang có xu hướng mở rộng quy mô gấp đôi. Trong đó, nhiều lĩnh vực tiếp tục được doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm như năng lượng, giáo dục, lắp ráp, chăm sóc sức khỏe,…

Hiện tại dòng vốn FDI Nhật Bản vào Việt Nam có thể chia thành 2 mảng. Thứ nhất, các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư nhà máy, nhập khẩu linh kiện từ nước ngoài về Việt Nam lắp ráp, sau đó mang đi xuất khẩu. Thứ hai, các doanh nghiệp như Uniqlo, Muji, Aeon,…mở rộng đầu tư tại Việt Nam để nắm bắt nhu cầu tiêu dùng gia tăng từ tầng lớp trung lưu.

Tại sự kiện “Japan Business Pitch Vol.2”, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cũng bày tỏ mong muốn được mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Theo khảo sát của JETRO, gần 70% doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam mong muốn mở rộng hoạt động hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, hơn 60% doanh nghiệp kỳ vọng hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp FDI khác như là Hàn Quốc, Singapore…

Ông Yoshikuni Taniguchi, Chủ tịch UMC Electronics Việt Nam - doanh nghiệp chuyên sản xuất, lắp ráp các linh kiện điện tử công nghệ cao, cho biết: "Năm tới, chúng tôi dự định sẽ mở rộng quy mô nhà máy, ứng dụng thêm các công nghệ tự động hóa trong sản xuất. Hiện nay khách hàng của chúng tôi chủ yếu là các doanh nghiệp Nhật Bản, chúng tôi đang bắt đầu tìm kiếm những doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu sử dụng các sản phẩm của chúng tôi".

Trong khi đó, Công ty Yamamoto Metal Precision chuyên về gia công cơ khí cho hay, nửa cuối năm, công ty đang muốn đầu tư thêm cho lĩnh vực cung cấp giải pháp cơ khí cho các doanh nghiệp tiềm năng. Đây là lĩnh vực còn mới ở Việt Nam, đã được doanh nghiệp đầu tư khoản vốn 1 triệu USD.

Nhung Bùi
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục