Chờ sự đột phá của dòng vốn đầu tư Nhật Bản

0:00 / 0:00
0:00
Dù vẫn là nhà đầu tư hàng đầu, nhưng vốn đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam có xu hướng chậm lại. Bởi thế, đang có một sự kỳ vọng rằng dòng đầu tư từ Nhật sẽ đột phá trở lại.
Nhà đầu tư Nhật Bản rất quan tâm đến thị trường Việt Nam. Trong ảnh: Nhà máy Sankoh Việt Nam của Nhật Bản tại Hòa Bình. Nhà đầu tư Nhật Bản rất quan tâm đến thị trường Việt Nam. Trong ảnh: Nhà máy Sankoh Việt Nam của Nhật Bản tại Hòa Bình.

Mối quan tâm vẫn lớn, nhưng còn e dè chốt “deal”

Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC - Nhật Bản) mới đây đã nhận được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc mua cổ phiếu mới phát hành của VPBank. Dự kiến, SMBC sẽ chi 35.904 tỷ đồng mua 1,19 tỷ cổ phiếu mà VPBank chào bán, nhằm sở hữu 15% cổ phần VPBank.

Với giá trị thương vụ ước khoảng 1,5 tỷ USD, việc SMBC chi bộn tiền để mua cổ phần của VPBank đã góp phần quan trọng đưa tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký của Nhật Bản vào Việt Nam trong 8 tháng qua đạt hơn 2,58 tỷ USD, tăng 73% so với cùng kỳ năm trước.

“Mặc dù thế giới hiện nay đang có nhiều bất ổn, song chúng tôi tin tưởng vào sự phát triển của Việt Nam cũng như tin rằng, VPBank sẽ trở thành ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam trong tương lai. SMBC cam kết sẽ hỗ trợ toàn diện để VPBank đạt mục tiêu này”, ông Jun Ohta, Giám đốc điều hành SMBC nói.

Vốn đầu tư từ Nhật Bản đã tăng trở lại. Tuy vậy, thương vụ của SMBC gần như là khoản đầu tư lớn duy nhất của nhà đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam kể từ đầu năm tới nay. Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, ngoài gần 1,8 tỷ USD đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần, thì vốn đăng ký mới chỉ đạt trên 555 triệu USD. Trong khi đó, vốn điều chỉnh là 230 triệu USD. Con số là khá khiêm tốn so với tiềm lực của nhà đầu tư Nhật Bản.

Nhật Bản đã có một thời gian khá dài luôn giữ “ngôi vương” trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, gần đây, xu hướng đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam đang chậm lại. Năm 2020, con số chỉ là 2,37 tỷ USD. Sang năm 2021-2022, tình hình đã được cải thiện hơn, tương ứng đạt 3,9 tỷ USD và 4,78 tỷ USD. Dự án Nhiệt điện Ô Môn II, vốn đăng ký 1,31 tỷ USD; Dự án Điện khí LNG Quảng Ninh, vốn đăng ký gần 2 tỷ USD là những dự án quy mô lớn mà Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam trong 2 năm gần đây.

Trong 8 tháng đầu năm nay, con số là trên 2,58 tỷ USD. Nhật Bản đứng vị trí thứ ba trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Thậm chí, nếu tính lũy kế, Nhật Bản cũng đã để tuột mất vị trí thứ hai vào tay nhà đầu tư Singapore.

Vẫn là nhà đầu tư thuộc top đầu tại Việt Nam, song rõ ràng, các nhà đầu tư Nhật Bản dường như chậm chân hơn so với các nhà đầu tư khác.

“Đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam đang có xu hướng chậm lại, do các vấn đề nội tại của nền kinh tế”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhận xét.

Tác động của đại dịch Covid-19, sau đó là biến động chính trị toàn cầu, kinh tế Nhật Bản lâm vào khó khăn. Tuy vậy, tình hình đã dần khả quan hơn, khi tăng trưởng kinh tế của nước này đã vượt dự báo, đạt 6% trong quý II/2023.

Chờ đợi sự đột phá

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, phải làm sao để Việt Nam luôn là điểm đến được lựa chọn cho doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư ra nước ngoài. “Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng phải có sự chủ động, nhanh chóng hơn trong quyết định đầu tư vào Việt Nam”,

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Dù vốn đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam chậm lại, nhưng kỳ vọng về sự đột phá của dòng vốn này trong thời gian tới luôn được đặt ra.

Trong các cuộc khảo sát gần đây của Cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), các nhà đầu tư Nhật Bản đều khẳng định mối quan tâm rất lớn đối với thị trường Việt Nam. Thậm chí, ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện Văn phòng JETRO còn cho biết, Việt Nam chính là điểm đến đầu tư mà doanh nghiệp Nhật Bản “không thể bỏ qua”. Khoảng 60% doanh nghiệp Nhật Bản được JETRO hỏi đều cho biết sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.

Trong khi đó, theo chia sẻ của ông Matsumoto Nobuyuki, Trưởng văn phòng JETRO tại TP.HCM, thì văn phòng JETRO tại Hà Nội và TP.HCM thuộc top 3 văn phòng bận rộn nhất trong khoảng 70 văn phòng của tổ chức này trên toàn thế giới.

Cũng theo ông Matsumoto Nobuyuki, với kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 50 tỷ USD trong năm 2022, Nhật Bản đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 tại Việt Nam.

Khi dòng thương mại tăng tốc sẽ kéo dòng đầu tư chảy theo. “Khi chuỗi cung ứng toàn cầu đang được tái cấu trúc trong những năm gần đây, các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao từ Nhật Bản đã và đang mở rộng sang Việt Nam”, ông Matsumoto Nobuyuki nói và cho biết, Việt Nam đóng một vai trò rất quan trọng trong chuỗi cung ứng của các công ty Nhật Bản.

Dù chậm lại, nhưng dòng đầu tư từ Nhật Bản vẫn chảy vào Việt Nam. Có 209 dự án đăng ký mới và tăng vốn đầu tư vào Việt Nam trong 8 tháng qua. Công ty Nitto Denko Việt Nam cách đây chưa lâu đã đầu tư giai đoạn 6, với tổng vốn đầu tư hơn 113 triệu USD. Công ty Yuwa cũng đã quyết định đầu tư thêm 40 triệu USD cho dự án ở Đồng Nai…

Trong khi đó, AEON, nhà bán lẻ hàng đầu Nhật Bản, sau khi đã đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD tại Việt Nam, đang tiếp tục các kế hoạch mở rộng đầu tư. Hệ thống các trung tâm mua sắm, siêu thị của AEON tới đây sẽ có mặt ở Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa…

Cả UNIQLO và MUJI cũng đang không ngừng mở rộng quy mô hoạt động trên toàn quốc. Trong khi đó, thông tin cho biết, Tập đoàn Sumitomo đang tiếp tục đầu tư để mở rộng KCN Thăng Long II (giai đoạn III), sau đó sẽ tiếp tục mở rộng giai đoạn IV.

Hiện tại, các KCN quy mô lớn mà Sumitomo đầu tư tại Hưng Yên, Vĩnh Phúc đã thu hút được hàng tỷ USD từ các đại gia Nhật Bản như Kyocera, Hoya, Nippon, Daikin, Toto, Panasonic… Chắc chắn, không phải ngẫu nhiên mà Sumitomo liên tục mở rộng quy mô các dự án của mình. Đó là vì họ nhìn thấy sẽ có nhiều hơn nữa các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ tìm đến Việt Nam.

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục