Song, theo ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trước hiện tượng bất thường này, cần phải có sự giải thích và đừng bao giờ nghĩ doanh nghiệp cố tình gian lận.
Nhìn vào số liệu thống kê tình hình đăng ký doanh nghiệp trong tháng 1 và tháng 7, ông có thấy sự bất thường?
Trong tháng 1 năm nay, số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm 18%, nhưng tổng vốn đăng ký tăng gần 77% so với cùng kỳ năm 2019, với số tiền lên tới 267.200 tỷ đồng. Tương tự, trong tháng 7, so với tháng 6, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 3,8%, nhưng vốn đăng ký tăng 72% (239.300 tỷ đồng) và đây cũng là tháng có khối lượng vốn đăng ký tăng đột biến.
Khi cập nhật, biên soạn và công bố số liệu không chỉ là đơn thuần ghi chép lại số liệu, mà cần phải có giải thích về sự bất thường và loại trừ trường hợp bất thường. Ví dụ, trong tháng 1/2020 có sự gia tăng vốn đăng ký đột biến là do Công ty cổ phần USC Interco đăng ký vốn điều lệ 144.000 tỷ đồng, còn lớn hơn cả vốn của Viettel. Đây là con số “không tưởng”, nên đứng trước sự bất thường này, ngành thống kê đã giải thích là nếu không tính doanh nghiệp này thì tổng vốn đăng ký chỉ có 123.200 tỷ đồng, bằng 81,5% cùng kỳ năm 2019.
Tương tự, trong 8 tháng của năm nay, số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm mạnh (chỉ thu hút được 1.797 dự án, giảm 25,3% so với cùng kỳ), nhưng tổng vốn đăng ký vẫn đạt 9,73 tỷ USD, tăng 6,6%, đã được giải thích là do Dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn 4 tỷ USD, chiếm hơn 41% tổng vốn đăng ký mới. Nếu không tính dự án này thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 8 tháng của năm nay giảm tương ứng với số dự án đầu tư mới.
Có nghĩa, khi phát hiện ra con số bất thường thì phải chủ động loại trừ hoặc đính chính, thưa ông?
Khi thống kê, điều tra, khảo sát mà thấy số liệu bất thường, hiện tượng bất thường thì phải giải thích rõ ràng để mọi người hiểu nguyên nhân. Còn nếu chỉ công bố số liệu khô khan, người dân không biết đằng sau, bên trong con số đó là cái gì và cái gì tạo ra sự đột biến đó, sẽ tạo ra sự hoài nghi.
Nếu loại trừ hay đính chính cũng đồng nghĩa với việc cơ quan quản lý nhà nước không tin số liệu mà doanh nghiệp kê khai. Tôi xin nhấn mạnh rằng, trước những sự kiện không bình thường, cơ quan quản lý nhà nước đừng bao giờ nghĩ doanh nghiệp cố tình gian lận. Chỉ có như vậy mới phát huy được tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo, động viên tổ chức, cá nhân bỏ vốn ra đầu tư, kinh doanh.
Tức là, khi phát hiện ra sự kiện không bình thường thì phải tiến hành thanh tra, kiểm tra?
Tại sao lại thanh tra, kiểm tra khi không có tài liệu, chứng cứ chắc chắn là doanh nghiệp cố tình vi phạm pháp luật, cố tình gian lận để trục lợi? Tại sao khi thấy doanh nghiệp nào đó đăng ký với số vốn rất lớn, kể cả vốn “khủng” mà cơ quan quản lý nhà nước lại võ đoán cho rằng, đó là vốn ảo vì chủ doanh nghiệp không thể có lượng tiền lớn như vậy? Tư duy này cần phải thay đổi vì không phù hợp với tinh thần của Luật Doanh nghiệp.
Khi thấy có sự bất thường, cán bộ, công chức có trách nhiệm phải xuống tận nơi doanh nghiệp đăng ký hoạt động để tìm hiểu kỹ xem thông tin doanh nghiệp đăng ký có chính xác không. Nếu đúng thì phải kịp thời đề nghị các cấp có thẩm quyền ghi nhận, động viên, khích lệ và khen thưởng họ. Ngược lại, thì phải tuyên truyền, giải thích cho doanh nghiệp hiểu là sau khi đăng ký vốn, bổ sung tăng vốn, sau 90 ngày phải góp đủ vốn, nếu không sẽ vi phạm pháp luật.
Tôi cho rằng, không ai dại gì “đùa” với pháp luật, vì thế, chuyện doanh nghiệp nào đó thành lập mới hoặc đăng bổ sung với số tiền rất lớn là do cổ đông, chủ đầu tư chưa hiểu hết, chưa nắm chắc luật pháp, thiếu nhận thức.
Với trường hợp người dân đăng ký thành lập doanh nghiệp với số vốn lên tới 144.000 tỷ đồng, công chức tiếp nhận hồ sơ giải thích rõ luật pháp, hỗ trợ, hướng dẫn thì chắc chắn chuyện này không xảy ra.
Không thanh tra, kiểm tra thì lấy công cụ gì để quản lý?
Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã bỏ quy định về quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp và rất mừng là Luật Doanh nghiệp năm 2020 tiếp tục bỏ tư duy “quản lý nhà nước” và thay vào quy định về “trách nhiệm các cơ quan quản lý nhà nước”.
Không có quy định quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp không có nghĩa là buông lỏng, mà trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp nếu vi phạm pháp luật trong lĩnh vực như thuế, hải quan, môi trường, lao động… thì cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra. Còn cơ quan đăng ký kinh doanh không thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp có bao nhiêu vốn, trụ sở ở đâu, diện tích làm việc có bảo đảm không.
Hạn chế tối đa thanh tra, kiểm tra, nhưng thưa ông, trên thực tế có không ít doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng để lừa đảo, huy động vốn đa cấp, bán hàng đa cấp…?
Đúng là tình trạng lừa đảo thông qua huy động vốn đa cấp, cho vay qua mạng với lãi suất “cắt cổ” theo hình thức xã hội đen và nhiều hình thức lừa đảo khác xuất hiện ngày càng nhiều, nhưng không phải do buông lỏng quản lý, không thể đổ lỗi do khâu quản lý nhà nước yếu kém.
Người dân có thể do thiếu thông tin, ít hiểu biết, nhưng chủ yếu là tham, muốn “đổi đời” nên đã tự nguyện tham gia và bị lừa đảo. Việc này thì người dân phải nâng cao cảnh giác, chứ không thể đổ lỗi do quản lý yếu kém. Tương tự, luật pháp nghiêm cấm đánh bạc, ai cũng biết đánh bạc là vi phạm pháp luật hình sự, nhưng vẫn có nhiều vụ đánh bạc, thì không thể đổ lỗi do Nhà nước quản lý kém.