TP.HCM: Vốn đăng ký doanh nghiệp ngưng hoạt động, giải thể gấp hơn 3 lần vốn thành lập mới

0:00 / 0:00
0:00
Dù lượng doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động và giải thể trên địa bàn TP.HCM thấp hơn lượng doanh nghiệp thành lập mới nhưng tổng vốn đăng ký của nhóm này lại gấp 3,3 lần của nhóm thành lập mới.
Mặt bằng tại số 290 Hai Bà Trưng, phường Tân Định, quận 1, TP.HCM được dán biển cho thuê trong nhiều tháng nay (Ảnh: Lê Toàn) Mặt bằng tại số 290 Hai Bà Trưng, phường Tân Định, quận 1, TP.HCM được dán biển cho thuê trong nhiều tháng nay (Ảnh: Lê Toàn)

Số liệu trên được ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM đề cập trong Hội nghị trực tuyến Sơ kết phong trào thi đua 200 ngày chào mừng Đại hội Đảng bộ các quận, huyện và Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, được tổ chức ngày 13/8 tại TP.HCM.  

Ông Phong cho biết, Thành phố hiện có 10 người đang điều trị Covid-19, trong đó, 8 ca nhiễm có yếu tố dịch tễ liên quan đến Đà Nẵng từ ngày 30/07 đến ngày 06/08 và 2 ca nhập cảnh được cách ly ngay khi đến Thành phố.

Việc Thành phố có thể duy trì không để trường hợp nào tử vong được đánh giá là hiệu quả cực kỳ quan trọng với công tác phòng chống dịch trên địa bàn hơn 10 triệu dân. 

Dù vậy, dịch bệnh đã tác động lớn đến kinh tế Thành phố khi tính đến 31/07, số doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn là 23.158, với số vốn đăng ký 3.816 tỷ đồng nhưng có 21.226 doanh nghiệp (với tổng vốn đăng ký 12.612 tỷ đồng) đã phải ngưng hoạt động và giải thể. 

“Con số này là hoàn toàn chính xác vì Cục thuế cung cấp cho chúng tôi”, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết. 

Lo ngại về khả năng phá sản của nhiều doanh nghiệp, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành uỷ TP.HCM đã đề nghị UBND Thành phố sơ kết việc áp dụng các biện pháp, gói hỗ trợ thời gian qua và báo cáo Thường vụ Thành uỷ trước 25/08. 

Tình hình sản xuất công nghiệp trong tháng 07/2020 trên địa bàn tuy có dấu hiệu phục hồi nhưng tính chung 7 tháng đầu năm vẫn chưa lấy lại đà tăng trưởng do tác động của Covid-19. 

Các nước là đối tác thương mại, đầu tư vào Việt Nam vẫn chưa mở quan hệ thương mại bình thường trở lại khiến thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, doanh nghiệp giảm quy mô sản xuất. 

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng không âm trong những tháng còn lại của năm 2020, cần có những giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh.

Bí thư Thành uỷ TP.HCM đưa ra dự đoán, đại dịch sẽ dần được kiểm soát chặt chẽ hơn cũng như "tương đối ổn vào cuối năm sau".

Nghĩa là nền kinh tế TP.HCM nói riêng và trên toàn cầu nói chung, về lâu dài sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong việc khắc phục các ảnh hưởng từ Covid-19.

"Phía Uỷ ban có thể thực hiện cuộc điều tra bỏ túi về các giải pháp vừa qua có giúp cho doanh nghiệp hiệu quả đến đâu, còn thiếu gì cần hỗ trợ? Thậm chí là phân cấp doanh nghiệp ở quận huyện nào thì nơi đó tổng hợp gửi về Thành phố. Doanh nghiệp không bán được hàng thì không có tiền nuôi công nhân nên nếu cần, phải kiến nghị có một gói hỗ trợ nữa trong tương lai”, ông Nguyễn Thiện Nhân nói về việc triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, hướng đến mục tiêu “không để phá sản nhiều”. 

Kéo theo đó là hệ luỵ hàng nghìn lao động mất việc khi theo Cục thống kê TP.HCM, tính từ đầu năm đến nay, đã có hơn 98.400 người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp và tư vấn các chế độ cho người lao động theo quy định.  

Trong 7 tháng đầu năm 2020, cả nước có 75.249 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2019, với vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong giai đoạn này đạt 12,4 tỷ đồng.

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đánh giá, doanh nghiệp tiếp tục xu hướng thu hẹp quy mô đầu tư trong thời điểm hiện tại.

Số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh là 32.722 doanh nghiệp, tăng 41,5% với cùng kỳ năm 2019.

Đây là một trong những mức tăng cao nhất về số lượng đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong các kỳ 7 tháng giai đoạn 2015-2020, thể hiện sự ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh Covid-19 đến việc tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp. 

Trong khi đó, có hơn 21.800 doanh nghiệp đang chờ giải thể và xấp xỉ 9.000 doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể trên cả nước trong 7 tháng vừa qua.

Hồng Phúc
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục