Vốn chảy mạnh vào thị trường Fintech Đông Nam Á

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi doanh nghiệp công nghệ khắp thế giới đối mặt với “mùa đông” gọi vốn, các công ty công nghệ tài chính (Fintech) tại Đông Nam Á vẫn tiếp tục huy động được nguồn vốn lớn.
Vốn chảy mạnh vào thị trường Fintech Đông Nam Á

Tổng số vốn các công ty Fintech trong khu vực huy động được trong 9 tháng đầu năm 2022 lên tới 4,3 tỷ USD, thông qua 163 thương vụ. Số thương vụ đầu tư vào các startup giai đoạn muộn chiếm tỷ trọng 54%, tăng 11 điểm phần trăm so với năm ngoái, cho thấy các nhà đầu tư chọn lọc kỹ càng hơn và ưu tiên các startup có định hướng lợi nhuận rõ ràng.

Theo Statista Research, tổng giá trị giao dịch của phân khúc thanh toán số ở Đông Nam Á đạt khoảng 195,8 tỷ USD trong năm 2022. Sự bùng phát của đại dịch đẩy nhanh quá trình số hóa, các giải pháp Fintech đã trở nên quan trọng đối với người tiêu dùng để thanh toán cho hàng hóa và dịch vụ, từ đó khuyến khích người dân giao dịch trực tuyến và tận hưởng các tính năng cũng như khả năng khác từ các nền tảng Fintech mới.

Hiện nay, các ngân hàng cũng đã chuyển đổi khỏi các hệ thống cũ để kết hợp Fintech vào các dịch vụ của họ. Tuy nhiên, hơn 70% dân số Đông Nam Á khó tiếp cận hoặc chưa được tiếp cận với dịch vụ ngân hàng và các giải pháp Fintech sẽ giúp thu hẹp khoảng cách đó.

Thêm vào đó, sự phát triển của ví điện tử trong khu vực đã mang lại lợi ích cho những người chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng bằng cách cung cấp các tùy chọn thanh toán số. Khối lượng giao dịch ví điện tử trong khu vực đạt 62,59 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến sẽ tăng hơn 4 lần, lên 268,07 tỷ USD vào năm 2025. Công nghệ 5G đang đảm bảo xử lý thanh toán nhanh hơn và an toàn hơn.

Singapore và Indonesia tiếp tục dẫn đầu về giá trị gọi vốn cho mảng Fintech trong khu vực. Trong 9 tháng đầu năm 2022, hai quốc gia này chiếm tổng cộng tới 76% tổng vốn đầu tư. Trong khi đó, Việt Nam và Philippines ghi nhận tỷ trọng vốn đầu tư giảm mạnh so với năm 2021.

Thanh toán vẫn là mảng nhận vốn đầu tư nhiều nhất tại ASEAN khi thu hút được 1,9 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2022. Cho vay là mảng thu hút đầu tư số 2, với 506 triệu USD, theo sau là tiền mã hoá với 461 triệu USD. Năm nay, tiền mã hoá vượt công nghệ đầu tư để trở thành lĩnh vực đầu tư hấp dẫn số 3.

Tài chính nhúng (Embedded Finance) đề cập đến sự tích hợp liền mạch của các dịch vụ tài chính được các công ty phi tài chính áp dụng. Người tiêu dùng Đông Nam Á ngày càng trở nên quen thuộc và thoải mái với việc sử dụng dịch vụ tài chính được nhúng vào các sàn thương mại điện tử, các ứng dụng du lịch và một số nền tảng phần mềm khác. Xu hướng này đặc biệt có thể thấy rõ ở Việt Nam, Thái Lan và Indonesia.

Tại Đông Nam Á, mức độ sử dụng dịch vụ tài chính nhúng cũng rất cao, đặc biệt là ở Thái Lan và Việt Nam khi 83% số người được hỏi cho biết họ dùng các ứng dụng tài chính nhúng. Mức trung bình của việc dùng các ứng dụng này trong khu vực là 70%.

Trung bình, cứ 4 người sử dụng các ứng dụng có dịch vụ tài chính nhúng thì gần như có 3 người (74%) dùng chúng ít nhất một lần mỗi tuần. Điều này cho thấy tiềm năng của các ứng dụng này trong việc tăng tương tác với người dùng. Bên cạnh đó, người dùng cũng cảm thấy hấp dẫn nhờ sự trơn tru, liền mạch và tiện lợi của chúng.

Nghiên cứu cho thấy, các dịch vụ tài chính nhúng ở Việt Nam được dùng nhiều nhất trong lĩnh vực đầu tư quy mô nhỏ (28%), theo sau là bảo hiểm tích hợp trong các dịch vụ du lịch, di chuyển (23%). Trong khi đó, ở Indonesia, ứng dụng tài chính nhúng phổ biến nhất là đối với sàn thương mại điện tử (74%) và dịch vụ mua trước, trả sau (42%).

Các xu hướng Fintech hiện tại ở ASEAN cho thấy không có giới hạn nào đối với sự phát triển của Fintech khi công nghệ phát triển. Mặc dù còn rất nhiều thách thức trong khu vực về chính trị, kinh tế và xã hội nhưng ASEAN đã vượt qua suy thoái kinh tế toàn cầu và lĩnh vực Fintech giờ đây có thể mong đợi phát triển mạnh vào năm 2023.

Diệp Anh
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục