Vốn chảy mạnh và hiệu quả hơn trên thị trường trái phiếu

(ĐTCK) 9 tháng đầu năm 2016, Chính phủ huy động được 280.000 tỷ đồng vốn từ trái phiếu, là nguồn lực không nhỏ cho đầu tư phát triển đất nước. Trái phiếu có kỳ hạn ngày càng dài, lãi suất cạnh tranh qua đấu thầu công khai, minh bạch, là nền tảng cho tương lai xây dựng một thị trường vốn hội nhập với ASEAN. Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc phụ trách điều hành Sở GDCK Hà Nội chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán.
Trong 7 năm qua, Bộ Tài chính, UBCK, HNX và các thành viên thị trường đã nỗ lực không ngừng để đưa thị trường TPCP từ phát triển sơ khai đến tiệm cận với khu vực Trong 7 năm qua, Bộ Tài chính, UBCK, HNX và các thành viên thị trường đã nỗ lực không ngừng để đưa thị trường TPCP từ phát triển sơ khai đến tiệm cận với khu vực

Trong khi việc huy động vốn của khối doanh nghiệp niêm yết chưa thật thuận lợi thì từ đầu năm đến nay, vốn dường như đang chảy mạnh vào trái phiếu chính phủ. Xin bà chia sẻ những thông số cơ bản về thị trường này?

Tính đến ngày 15/9/2016, tổng khối lượng vốn huy động qua đấu thầu trên thị trường sơ cấp đã đạt đến 279.000 tỷ đồng, đạt 91,9% kế hoạch năm 2016, tương đương với 112% so với giá trị huy động cả năm 2015. Trên thị trường thứ cấp, tổng giá trị giao dịch trái phiếu chính phủ thứ cấp đạt mức 989.000 tỷ đồng, tương đương giá trị giao dịch bình quân phiên đạt gần 6.000 tỷ đồng/phiên, gấp 1,55 lần giá trị giao dịch bình quân phiên năm 2015.

Nếu năm 2015, nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng bán ròng, thì trong năm 2016, xu hướng mua ròng là chủ đạo, giá trị mua ròng tính đến 15/9/2016 đã đạt 21.200 tỷ đồng.

Vốn chảy mạnh và hiệu quả hơn trên thị trường trái phiếu ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan 

Đâu là những lý do khiến thị trường trái phiếu chính phủ sôi động và hiệu quả hơn các năm trước, thưa bà?

Theo tôi, trước hết phải nói đến niềm tin của nhà đầu tư. Đây chính là yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy các nhà đầu tư chuyển các dòng vốn nhàn rỗi vào kênh đầu tư trái phiếu chính phủ. Một yếu tố thuận lợi khác là dòng vốn từ các ngân hàng đang khá dồi dào và một lượng lớn trong đó chọn lựa kênh đầu tư trái phiếu.

Có hai yếu tố cốt lõi để đánh giá hiệu quả của thị trường trái phiếu chính phủ là kỳ hạn phát hành trung bình của trái phiếu và lãi suất huy động. Năm 2016, kỳ hạn phát hành bình quân của Kho bạc Nhà nước là 7,47 năm, của toàn thị trường là 7,16 năm. Con số này đã tăng lên hơn gấp đôi so với năm 2013, khi kỳ hạn bình quân của Kho bạc Nhà nước là 3,62 năm, của toàn thị trường là 3,43 năm.

Cùng với việc kỳ hạn trái phiếu ngày càng dài hơn, lãi suất huy động trên thị trường sơ cấp có xu hướng giảm. Một trong những nguyên nhân cơ bản là 3 năm trở lại đây hình thức đấu thầu trái phiếu đã trở thành kênh phát hành chủ đạo của các tổ chức phát hành, chiếm tỷ trọng gần như tuyệt đối so với các hình thức bảo lãnh phát hành hoặc đại lý phát hành trái phiếu. Do đấu thầu trở thành kênh phát hành chủ đạo, các thành viên tham gia vào thị trường sơ cấp ngày một tích cực và tập trung hơn, tạo nên một thị trường có tính cạnh tranh và hấp dẫn cao, nhờ đó, khối lượng trúng thầu trái phiếu luôn lớn và lãi suất phát hành giảm.

Ngoài ra, Kho bạc Nhà nước đã thành công trong việc phát hành các kỳ hạn dài 7, 10, 15, 20, 30 năm với mục tiêu là nhắm đến các quỹ bảo hiểm, hưu trí và các tổ chức khác ngoài ngân hàng nhằm đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư. Điều này đã khiến các tổ chức ngoài ngân hàng như quỹ bảo hiểm tham gia ngày càng tích cực hơn vào thị trường sơ cấp (tỷ lệ tham gia chiếm 40%). Nếu trước đây, 80% nhà đầu tư trái phiếu là các ngân hàng, thì nay, con số này đã giảm xuống mức 60%. Lượng nhà đầu tư mới từ các doanh nghiệp bảo hiểm, các nhà đầu tư nước ngoài, một số quỹ đầu tư, tổ chức trong nước khác đã góp phần không nhỏ vào việc tăng khối lượng vốn huy động được trên thị trường. Đặc biệt, khối doanh nghiệp bảo hiểm đang ngày càng tham gia nhiều hơn, hiện họ đã nắm giữ đến 20% khối lượng trái phiếu lưu hành.

Nhiều nhà đầu tư chia sẻ, một trong những nguyên nhân họ chọn trái phiếu chính phủ vì đưa vốn vào đây có thể dễ dàng chuyển nhượng được thành tiền, tức là vì thanh khoản của kênh đầu tư này đang có sự cải thiện, thưa bà?

Đúng vậy. Nếu theo sát thị trường bạn sẽ thấy, gần đây, trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10, 15, 20, 30 năm khi đưa ra chào bán, đều có người đăng ký mua. Nhà đầu tư sẽ không ngại mua trái phiếu kỳ hạn dài, nếu thị trường thứ cấp được tổ chức tốt, thanh khoản cao, để khi có nhu cầu, họ dễ dàng chuyển tài sản tài chính này sang tiền mặt. Tôi cho rằng, chính thanh khoản trên thị trường trái phiếu cải thiện mạnh mẽ từ đầu năm đến nay đã góp phần không nhỏ làm cho kênh huy động vốn sơ cấp thu hút được nhiều nhà đầu tư. Sở hữu trái phiếu chính phủ, nhà đầu tư có thể bán lại trên thị trường OMO hoặc thị trường thứ cấp.

Một điểm khác biệt của năm nay là giao dịch repo trái phiếu tăng mạnh, chiếm đến 40 - 50% giá trị giao dịch toàn thị trường (2015 - 2016), trong khi các năm trước (2009 - 2010), con số này chỉ vài phần trăm. Tại các nước trên thế giới và khu vực, tỷ trọng giao dịch repo là một trong những tiêu chí căn bản đo độ sâu của thị trường trái phiếu. Tại Việt Nam, giá trị giao dịch repo đã gần ngang bằng giá trị giao dịch outright, điều này cho thấy tính thanh khoản của thị trường đã có bước tiến vượt bậc và thị trường trái phiếu có sự phát triển lớn về chiều sâu.

Thị trường trái phiếu chính phủ chuyển động tích cực cũng đã giúp cho nhiều chính quyền, địa phương dễ dàng hơn trong huy động vốn bằng trái phiếu. Không chỉ Hà Nội, Đà Nẵng, gần đây, Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã huy động được 100% lượng trái phiếu chào bán (500 tỷ đồng, lãi suất 6,77%/năm) thông qua đấu thầu tại HNX.

Dù đạt được những thành quả nhất định, nhưng làm thế nào để xây dựng một thị trường trái phiếu phát triển bền vững, lành mạnh luôn là một áp lực rất lớn với chúng tôi, nhất là việc làm sao thu hút thêm các quỹ, các nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng khoảng 1 tỷ USD, nhưng thực tế, sở hữu của khối này mới chỉ chiếm khoảng 5% trên thị trường trái phiếu. Để gia tăng vốn ngoại, bên cạnh việc hoàn thiện pháp lý, hệ thống, kỹ thuật, sản phẩm, thường xuyên tương tác, hỗ trợ các thành viên…, chúng tôi sẽ đề xuất sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính để giảm bớt các thủ tục khi vốn ngoại tham gia thị trường này. 

Xin bà chia sẻ những nội dung chính khi sửa đổi pháp lý trên thị trường trái phiếu sắp tới và sự chuẩn bị của thị trường cho tương lai hội nhập với thị trường vốn ASEAN?

Trong 7 năm qua, Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, HNX cùng thành viên thị trường đã nỗ lực không ngừng để đưa thị trường trái phiếu chính phủ từ chỗ phát triển sơ khai đến ngày nay đã gần như tiệm cận ASEAN và khu vực. Theo đó, trên thị trường sơ cấp, về cơ bản khung pháp lý đã chuẩn hóa hoạt động phát hành theo thông lệ quốc tế. Trên thị trường thứ cấp, Thông tư sửa đổi Thông tư 234 cũng đang gấp rút hoàn thiện và ban hành.

Thông tư sửa đổi Thông tư 234 sẽ giải quyết được 3 vấn đề, đó là đa dạng hóa sản phẩm thứ cấp, quản trị và hạn chế rủi ro về thanh toán trên thị trường và vấn đề hội nhập ASEAN. Theo đó, sau khi Thông tư 234 được sửa đổi, sẽ có thêm 2 sản phẩm repo nữa được tung ra thị trường, góp phần làm tăng thanh khoản cho thị trường thứ cấp. Để hạn chế và quản trị rủi ro, Thông tư mới sẽ cung cấp thêm các công cụ liên quan đến hoán đổi giá trị trái phiếu tương đương, đây là thông lệ chung của quốc tế, nhằm đảm bảo cho khả năng thanh toán của trái phiếu. Điểm thứ 3 là Thông tư sửa đổi sẽ tạo ra các quy chuẩn mới của thị trường về thông tin, giao dịch, có tính tương đồng với các nước ASEAN, qua đó, kỳ vọng sẽ thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư ASEAN vào thị trường trái phiếu chính phủ Việt Nam.

Trên thực tế, với thị trường ASEAN, Sở đã từng bước tham gia vào thị trường trái phiếu khu vực này thông qua  một loạt các hoạt động như: cung cấp thông tin về thị trường trái phiếu Việt Nam để  minh bạch hóa và quảng bá thị trường tới các nhà đầu tư trái phiếu khu vực và quốc tế (cụ thể là đã cùng tham gia xây dựng sổ tay về thị trường trái phiếu ASEAN – Asean Bond Market Guide); chuẩn hóa các thông lệ giao dịch sao cho phù hợp với các chuẩn mực được quốc tế công nhận (ví dụ như đã liên kết hạ tầng giao dịch với hệ thống giao dịch trái phiếu của Bloomberg để thu hút nhà đầu tư chuyên nghiệp về thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời khẳng định tính chuẩn mực quốc tế trong các thông lệ giao dịch trái phiếu tại Việt Nam); rà soát các thủ tục, quy trình phát hành trái phiếu nhằm tiến tới tham gia vào việc thử nghiệm trong chương trình phát hành trái phiếu đa tiền tệ của khu vực.

Tường Vi thực hiện

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục