Vời vợi Sài Khao

(ĐTCK) Một ngày tháng 5 nắng như đổ lửa, chúng tôi vác ba lô vượt “cổng trời”, lên thượng nguồn sông Mã, theo những bước chân đoàn quân Tây Tiến năm xưa giờ chỉ còn trong hoài niệm để tìm về bản Sài Khao. Bản làng hôm nay như đang mang trên mình một màu áo mới của ấm no, hạnh phúc.
Vời vợi Sài Khao

Tây Tiến người đi không hẹn ước

Mường Lát, Sài Khao là 2 địa danh nằm ở phía Tây tỉnh Thanh Hóa, giáp Lào, từng xuất hiện trong bài Tây Tiến (1948) của nhà thơ Quang Dũng. Hơn 10 năm trước, tuy đã học tác phẩm này, nhưng khi được theo bước chân của người anh hùng kháng chiến, câu thơ giờ đây sao tôi nghe chơi vơi.

Từ Quốc lộ 47, theo đường Hồ Chí Minh, qua Quốc lộ 15A chừng 250 km, đường sá cheo leo trầy trật và qua không biết bao nhiêu bản người Thái, người Mông nghe tên rất xa lạ, chúng tôi mới đặt chân tới thị trấn Mường Lát.

Mường Lát “heo hút cồn mây” nằm bên dòng sông Mã anh hùng, nổi tiếng bởi câu thơ “Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Hôm nay, sông Mã mang dáng vẻ buồn da diết nhưng vẫn anh hùng như cách Quang Dũng đã tả năm nào, vẫn âm thầm đợi chờ các anh trở về, vẫn âm thầm vun bồi phù sa cho đồng bằng Thanh Hóa lớn thứ ba cả nước.

Nơi ấy, một xóm chài với vài con thuyền nan không làm cho cảnh vật sinh động hơn, mà còn gợi lên sự chòng chành sông nước của những kiếp người phiêu bạt.

Vời vợi Sài Khao ảnh 1

Chúng tôi dừng chân bên một ngôi nhà sàn nhỏ hẹp của gia đình người Mông cải tạo làm quán ăn. Ngôi nhà đơn sơ tầng 1 xây vài phòng để tiếp khách và ăn uống, còn tầng 2 là chỗ sinh hoạt của gia đình. Bữa cơm chiều muộn được thết đãi các món đồng rừng nổi tiếng xứ Thanh là sâu măng xào giá, đắt ngang thịt bò loại 1 và canh lá đắng.

Khi cây măng đã cao quá đầu người, cũng là lúc những con sâu vào độ béo nhất, người dân ở đây bắt chúng. Sâu măng rửa sạch, ướp gia vị rồi cho vào chảo có hành phi thơm. Khi sâu đổi màu vàng nhạt, cho lá chanh vào đảo đều như món nhộng tằm vùng đồng bằng. Gia chủ còn mời chúng tôi thưởng thức thêm thứ rượu “ông uống bà khen” được ngâm từ sâu măng ấy.

Còn với món canh đắng, lần đầu thưởng thức, tôi phải uống cỡ 1 lít nước thì vị đắng ngắt ấy mới qua đi. Nhưng khi đã “quen miệng”, dám chắc bạn sẽ còn muốn ăn thêm nhiều lần nữa.

Vời vợi Sài Khao ảnh 2

Đường lên thăm thẳm một chia phôi

Ở lại nghỉ đêm, sáng hôm sau chúng tôi mới khởi hành đi tiếp 30 km còn lại vào Sài Khao. Đường tuy ngắn nhưng địa hình hiểm trở với nhiều con dốc quanh co theo triền núi chênh vênh và vực sâu, núi cao, nên được mệnh danh là vùng rừng thiêng, nước độc. Xa lắm mới thấy lác đác có vài mái nhà sàn.

Đó cũng là lần đầu tiên trong đời, tôi hiểu thế nào là liều mạng. Anh bạn lớn tuổi nhất từng có thời ăn mì tôm, uống nước suối ở Sài Khao hơn 1 tuần, vừa đi vừa khoe rằng, đi sâu vào hơn nữa thì sẽ gặp toàn đoạn đường “cách bàn thờ 2 cm đấy”, chỉ có thể đi xe máy, mà nhiều khi còn phải xuống dắt bộ.

Vời vợi Sài Khao ảnh 3 

Quả không sai, càng vào sâu thì càng nhiều con dốc cao ngút tầm mắt nối nhau điệp trùng chào đón chúng tôi. Trong đó, dài nhất và cao nhất phải kể tới con đèo Pù Hin Hại - con đèo vươn lên cao mãi rồi nhỏ xíu trong đám mây tơ trắng bềnh bồng đã khiến nhiều xe máy trong đoàn chết máy giữa chừng vì quá dài và dốc.

Xe tôi chạy qua đâu, đất đá ven vực sâu lạo xạo rồi lại biến mất tới đó. Đường vừa đi qua, ngoái lại đã thấy mỏng teo, ngoằn ngoèo như sợi chỉ giữa chập trùng núi non và mờ ảo trong sương. Sơ sẩy là xuống vực. Sông Mã phía dưới đục ngầu phù sa, quặn xiết, gầm rú bởi những con nước mùa mưa.

Nhưng sắp tới, khi Thủy điện Trung Sơn được khởi công xây dựng, một con đường bê tông mở ra, cung đường lịch sử theo bước chân đoàn quân Tây Tiến năm nào sẽ chỉ còn là những hoài niệm.

Vì cơn mưa bất chợt mà đường vào Sài Khao bây giờ là sự kết hợp của đá dăm, đá tảng và bùn nhầy nhão nhoét cheo leo bên bờ vực thẳm. Mỗi con dốc chỉ rộng vừa một bánh xe đi, tiềm ẩn nhiều sự nguy hiểm. Có thể hiểu vì sao ngày xưa đoàn quân Tây Tiến lại chọn một vùng đất vẫn còn hoang sơ và ít người biết đến vậy để đóng quân.

Vời vợi Sài Khao ảnh 4

Sau cơn mưa, từng đàn mây trắng ngàn năm chơi vơi trong u tịch của đất trời lộ diện. Ngoài tiếng xe gầm rú, thảng đôi chỗ có tiếng chảy róc rách từ khe suối như những tiếng đàn dìu dặt mơ hồ, hoặc những tiếng chim rót vào lòng núi trong veo, rồi vỡ vụn thành vô vàn mảnh âm thanh khác khi dội vào vách đá. Rồi tiếng sáo gọi bạn ở bản người Mông nào đó xa vắng đến lạ.

Chúng tôi vội vã đi nhanh qua con đường mòn trơn tuột để tới được bản làng trước khi trời tối. Mặt trời đã lẫn trong mây và nhuộm đỏ một góc trời Tây. Nhưng dù có đi nhanh đến mấy, chúng tôi vẫn không kịp chạy đua với Mặt Trời. Từ trên cao nhìn xuống vẫn chưa gặp những ánh lửa chiều muộn, sông Mã đã ánh lên màu bạc, trăng tròn đầy thấp thoáng ẩn hiện trong mây.

Gần 9h tối, chúng tôi mới thấy được đốm lửa nhỏ xíu hắt lại từ phía bản Sài Khao. Nhiều đốm lửa đã tắt. Lỗ chỗ, lác đác vài đốm lửa còn thức. Chúng hệt như những ngôi sao nhỏ đứng chờ ai trên ngọn núi xa nhấp nhánh. Họ đang làm gì?

Ở độ cao hơn 1.500 m, bản Sài Khao gần như cô lập với thế giới bên ngoài bởi không điện, không sóng điện thoại, không đường ôtô. Tại bản Sài Khao nhìn rõ đỉnh núi Pha Luông mưa xa khơi hiện ra lờ mờ trong sương núi. Nơi ấy, những chàng trai Tây Tiến đã từng “gục trên súng mũ bỏ quên đời”.

Ấm no đã về với bản Sài Khao

Hôm nay, không còn “sương lấp”, không còn “đoàn quân mỏi” nữa, nhưng với địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, thì sự phát triển ở Sài Khao dễ làm người ta mủi lòng. Một Sài Khao trầm hùng trong câu thơ của Quang Dũng giờ đây vẫn khó khăn và nghèo nàn.

Những năm 1980, khi đất đai bạc màu chẳng thể trồng cây ngô, cây lúa, nhiều hộ dân đồng bào dân tộc Mông cùng nhau di cư đến Sài Khao để dựng nhà, cùng nhau khai phá đất đai sinh sống. Khi đó, họ khai hoang trên những ngọn đồi cao, trồng cây ngô, cây sắn mà chẳng đủ ăn, nhà nào cũng đói liên miên, trẻ em chẳng được biết đến con chữ giữa heo hút đại ngàn.

Nhưng đó đã là chuyện của mấy năm về trước. Còn nay, một Sài Khao của hiện tại đang dần hình thành. Từ khi có cán bộ huyện và biên phòng chỉ cách làm ăn, cuộc sống của đồng bào đã no đủ và ổn định hơn.

Cây ngô cây lúa tốt tươi, người dân đã biết chăn nuôi gia súc, gia cầm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đường ô tô mới mở cho Thủy điện Thanh Trung cũng giúp người dân vận chuyển ngô, lúa, gia súc ra thị trấn bán lấy tiền dễ dàng hơn. Nhiều ngôi nhà cheo leo giữa đỉnh đèo trên đường chúng tôi qua đã sắm được cả tủ lạnh và ngăn nước suối để tạo ra điện. Trẻ em trong bản đa phần đã được đến trường học chữ, không phải theo cha mẹ lên nương như trước, dẫu rằng cuộc sống còn rất nhiều khó khăn.

Trong cái âm u, tĩnh mịch của núi rừng, bên bếp lửa và chén rượu ngô thơm nồng, chúng tôi cảm nhận rõ nhịp sống mới và những đổi thay nơi mảnh đất này.

Đường trở về Hà Nội, đâu đó vọng lại tiếng khèn người Mông giữa núi rừng xen lẫn tiếng vọng như bước chân của đoàn quân Tây Tiến.

Ai lên Tây Tiến mùa Xuân ấy

Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Linh Dương
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục