Mường Lay - thị xã bên sông

(ĐTCK) Nơi ven trời Tây Bắc xa xôi, kỳ thú và đầy hấp dẫn, thị xã Mường Lay nằm bên con sông Đà cuộn chảy đã nhẹ nhàng đi vào thơ, vào nhạc, đi vào ký ức của biết bao văn nhân tài tử. 
Mường Lay - thị xã bên sông

Còn nay, thị xã nhỏ bé ấy đi vào thơ ca thời đại mới, với những nét hiện đại của vùng tái định cư sớm chiều soi bóng xuống con sông có nguồn thủy năng lớn nhất nhưng cũng dữ dội nhất...

Đổi thay vùng đất ven trời Tây Bắc

Thị xã Mường Lay là một thị xã nhỏ nằm nép mình trong lòng hồ thủy điện Sơn La, lưng tựa vào những dãy núi cao giữa đại ngàn Tây Bắc. Nhờ vị trí địa lý thuận lợi khi là nơi giao cắt của Quốc lộ 6, Quốc lộ 12 và của 3 con sông lớn mà Mường Lay thời nào cũng có cơ quan hành chính trọng yếu về quốc phòng an ninh.

Sau những trận lũ kinh hoàng năm 1990, cùng với việc quy hoạch khu tái định cư cho Thủy điện Sơn La công suất lớn nhất Đông Nam Á, năm 2005, Mường Lay bắt đầu được xây dựng thành đô thị loại 4. Hàng nghìn hộ dân đã chuyển sang khu đất mới ở Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, gia đình tôi cũng là một trong số đó. Sau gần 10 năm đi xa, Xuân này, có anh bạn phóng viên muốn dẫn lên tham quan lễ hội đua thuyền đuôi én, tôi mới có dịp trở về.

Đi giữa thị xã nhỏ bé ngày hôm nay, tôi có thể cảm nhận cuộc sống rạo rực đang diễn ra trong từng giây, từng phút. Điều dễ nhận thấy nhất là trên các vùng tái định cư - trước chỉ toàn người dân tộc Thái làm nông nghiệp, nay đã chuyển mình thành người phố thị tấp nập.

Ngày nào 4 bề núi non hiểm trở bao lấy thị xã, mỗi mùa mưa xuống là đường biến thành bùn nhão, đi lại rất khó khăn nên học sinh thường xuyên phải nghỉ học, thì nay đã được thay mới hoàn toàn bằng đường bê tông. Nhiều bản làng nằm cách xa trung tâm tới nửa ngày đường như Nậm Na cũng được mở đường mòn lên thẳng trường.

Rồi những năm tháng xây dựng thủy điện cũng khó khăn chẳng kém, phần bởi địa bàn xa xôi, phần vì giao thông chưa phát triển, khoảng vượt sông lớn không một nhịp cầu nối, vật tư qua sông chủ yếu nhờ thuyền, trở ngại và thua thiệt mọi bề.

Mường Lay - thị xã bên sông ảnh 1 

Đến nay, con sông Đà hung dữ đã yên tâm chảy qua những cây cầu bê tông kiên cố mới xây, hiền hòa như chính nhịp sống yên ả của vùng đất ven trời Tây Bắc này. Giao thương với miền xuôi cũng vô cùng thuận lợi vì chỉ mất một đêm nằm ô tô thẳng hướng Quốc lộ 32 là đến Hà Nội.

Với khí hậu mát mẻ và trong lành của núi rừng Tây Bắc, Mường Lay chính là nơi giao thoa của đất trời và sông núi, của quá khứ và hiện tại. Mực nước lòng hồ dâng cao khoảng 200 m đã tạo cho thị xã nhỏ một cảnh quan du lịch sinh thái cực hấp dẫn, trên là núi dưới là hồ sánh ngang với một Hạ Long trên cạn và trở thành điểm du lịch nhiều hấp dẫn.

Tôi tìm đến nhà Lùng, người dân tộc Thái trắng, bạn học cùng cấp 2. Nhà Lùng trước đây thuộc diện nghèo nhất tỉnh, quanh năm phải mòn mía bắp lúa trên nương ăn tạm. Lùng đi học đã có Nhà nước lo nhưng còn ông bà, cha mẹ Lùng thì chỉ sống dựa vào mảnh đất trồng rau cỡ vài chục mét. Nhà Lùng cũng có đất ruộng cấy cày 1 năm 2 vụ như miền xuôi, nhưng 2 năm mới có đất một lần vì phù sa sông Đà bên lở bên bồi, thay phiên qua từng năm.

Vậy mà từ 2008 trở về đây, khi việc tái định cư dần ổn định, rồi thủy điện nắn cho dòng sông chảy qua trước cửa, thì không chỉ Lùng mà cái Pán, thằng Mẩn bạn tôi đều thoát nghèo. Quả thực, với lợi thế trên là núi dưới là hồ rộng, nhiều người dân ở đây đã khai thác được sự trù phú của tự nhiên và phát triển mô hình nuôi cá lòng hồ, đem lại hiệu quả kinh tế cao và phát triển được du lịch.

Trời vừa sập tối, tôi lên một con thuyền nhỏ với Lùng và Mẩn. Chúng mang theo một vài dụng cụ nấu bếp đơn sơ, chèo ra giữa hồ tóm vài con cá chép, cá măng, cá nheo nấu cùng với ớt, mắc khén, thảo quả, gừng giềng… nướng chín trước đó thành một thứ hỗn hợp lẩu cá thơm phưng phức.

Miếng cá ngọt, thơm, thịt dai, mình dày hòa với các loại gia vị đậm đà tan đi nơi đầu lưỡi, hòa trong hương rượu ngô thơm ngọt để lại dư vị cay nồng, ngây ngất trong từng tế bào. Đến mùa nước lên, cá ăn không hết thì lại mang vào làm sạch ruột, tẩm ướp gia vị riêng theo công thức người Thái rồi để lên gác bếp.

Sau vài ngày lang thang lại đây, tôi thấy quê hương ngoài những món ăn đậm đà bản sắc như khẩu xén, măng đắng, nộm hoa ban, gỏi cá, lạp, pa pỉnh tộp..., còn phát triển thêm nhiều đặc sản tôm khô, thịt trâu sấy khô đặc biệt và thịt lợn bản cắp nách. Hỏi thăm thì nhà nào cũng bảo để dành chuyển về miền xuôi bán lấy tiền chứ không chỉ "làm để ăn" như trước.

Mường Lay - thị xã bên sông ảnh 2

Rộn ràng những lễ hội truyền thống

Sau khi thủy điện Sơn La dâng nước, thị xã Mường Lay bỗng trở thành một đô thị xinh đẹp, với những dãy phố nhà sàn nằm soi bóng xuống lòng hồ thủy điện. Chính quyền thị xã vì thế mà có điều kiện phục dựng Lễ hội đua thuyền đuôi én của dân tộc Thái trắng, đồng thời mời những đội thuyền ở nước bạn tham gia tranh tài, góp phần làm cho lễ hội ngày càng hào hứng, sôi nổi.

Theo ông cha kể lại, lễ hội đua thuyền tổ chức vào ngày đầu năm mới để khai thông sông rạch với ước muốn cầu mưa thuận, gió hòa. Bản nào dành chiến thắng thì năm đó sẽ gặp nhiều may mắn và làm ăn phát đạt. Chỉ những người thợ tay nghề tốt nhất mới được lựa chọn tham gia đóng thuyền đua. Hình thức, hoa văn trang trí mỗi con thuyền cũng được tác tạo theo nguyên mẫu của các già làng thuộc những gia đình có truyền thống chài lưới.

Mở đầu lễ hội đua thuyền, các trưởng bản làm lễ tế thần sông nước, cầu xin mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống bình yên. Trên bờ, một mâm lễ lớn với đầu lợn, xôi, hương hoa, trái cây, rượu gạo… thầy cúng, 2 người phụ tá và 6 thiếu nữ mặc trang phục truyền thống bắt đầu lễ bái.

Gió lộng. Trời trong. Sông Đà nước xanh ngằn ngặt đang hiền hòa bỗng sôi sục bởi hàng chục con thuyền được trang hoàng sặc sỡ trên dòng nước. Sau tiếng kêu to “Xuất phát” là 16 thuyền đua lập tức lao lên. Tôi đứng trên đỉnh đèo cao cùng chiếc máy ảnh du lịch phóng tầm mắt ra xa quan sát. Bên trái tôi, đoàn thuyền của Mường Lay đang vượt lên trước. Một chiếc thuyền khổng lồ, sơn màu đỏ vàng kèm theo một lá cờ lớn đầu mũi đang tiến nhanh hơn và gần đích hơn. Lùng vỗ đùi đen đét mỗi lần thuyền bản mình vượt lên dẫn đầu.

Rồi những chiếc thuyền đua khác chầm chậm vây xung quanh tạo thế gọng kìm để bất ngờ vượt lên. Không khí háo hức, căng thẳng, khán giả cũng hồi hộp như chính mình đang ngồi trên những con thuyền đua. Những cánh tay chắc nịch đầy cơ bắp sải nhanh mái chèo, mắt ngó nghiêng, miệng ngoác hò làm râm ran cả một vùng sông nước. 

Việc khôi phục văn hóa truyền thống thông qua các cuộc thi được chính quyền Mường Lay xem là hoạt động hiệu quả nhất để tuyên truyền cho người dân hiểu và tự nguyện bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời đại mới.

Xuân đã về với thị xã Mường Lay bên những điệu xòe vi vu! Có lẽ, chưa bao giờ Mường Lay đẹp đến vậy trong mùa xuân!

Chào xuân mới, chào Mường Lay - thị xã ven sông!

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Linh Dương
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục