Với Sài Gòn!

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chiều qua, khi ghé quán cắt tóc, như một thói quen câu chuyện của tôi, anh thợ và cả mấy khách chờ lại về Covid-19.
Sài Gòn vắng lặng mùa dịch. Ảnh: Lê Toàn. Sài Gòn vắng lặng mùa dịch. Ảnh: Lê Toàn.

Nhắc đến Sài Gòn, tự dưng anh thợ cạo nói: “Trong đó giờ mới kinh nhỉ. Khó chống lắm vì đông người, dân Sài Gòn lại ăn chơi khét tiếng…”.

Lời nói dường như có chút lạnh nhạt, đổ lỗi. Mấy vị khách cũng tiếp lời với những cái nhìn thiếu thiện cảm…

Tôi biết anh chưa một lần đến Sài Gòn, tỉnh anh đi xa nhất về phía Nam mới là Hà Tĩnh. Mấy anh khách kia thì không rõ, vì tôi không quen, nhưng tự dưng thấy cũng kỳ kỳ. Sao người ta có thể dễ dàng phán xét về một thành phố, về cả chục triệu con người mình chưa từng tiếp xúc đến vậy.

Do đặc thù công việc, tôi có không ít bạn bè, đồng nghiệp và người quen ở thành phố này. Và điều tôi cảm nhận khá rõ, đó là dù ở cương vị nào, họ cũng đang gồng mình chống dịch, cố giữ an toàn cho mình, cho người thân và cộng đồng.

Anh bạn cùng cơ quan có mấy dãy trọ, cái cửa hàng cho thuê làm quán ăn, hồi chiều chat bảo: Nhà trọ thì mọi người về quê 2 tháng rồi, còn một số thì ở lại không có tiền trả, vì không có việc làm. Riêng quán cơm, gần 2 tháng bán cầm hơi, tháng này cấm bán mang về giờ cũng phải đóng cửa. Anh đã bớt cả 2 tháng cho khách thuê mà không biết tình hình bao giờ mới được cải thiện.

Đấy, “người có của” còn khó, còn khổ, chứ Sài Gòn nhiều lắm người nhập cư, lao động phổ thông, họ còn khổ nhiều hơn thế. Tóm lại, dường như dù là ai, làm gì, ở Sài Gòn giờ này đều đang chịu những áp lực rất riêng trong cái khó khăn chung mùa dịch.

Tôi biết bà chị là lãnh đạo doanh nghiệp, giờ lo công ăn, việc làm, lương lậu cho cả trăm nhân viên, chị bảo căng mình từ đợt dịch đầu tiên rồi, doanh nghiệp của chị vẫn đang cố hết sức để không ai phải nghỉ, không phải giảm lương, nhưng tình hình trước mắt thật sự căng như dây đàn.

Cách đây chừng 1 tháng, chị bảo giờ chỉ trông vào những tháng cuối năm, bớt dịch cái là tập trung vào sản xuất, thi công để bù vào những lúc giãn cách. Kế hoạch năm thì cũng đã phải điều chỉnh nhiều để bớt áp lực cho hệ thống.

Vậy mà mấy ngày nay Sài Gòn giãn cách, không biết doanh nghiệp chị sẽ xoay xở thế nào. Tôi cũng không dám hỏi, giờ là lúc tập trung chống dịch, lo tiền cho nhân viên, đâu có thời giờ mà à ơi han hỏi.

Có chị bạn làm công ty quản lý, vận hành tòa nhà. Chị bảo, những ngày này, xúc động nhất là càng khó khăn, nhân viên của chị càng biết thương nhau hơn. Ai cũng sẵn sàng vali, hành lý, thuốc men để chuẩn bị giãn cách, cách ly, trực chiến tại các tòa nhà lỡ chẳng may có F.

Có bữa 23 giờ đêm nhận tin có cá nhiễm Covid-19, tất cả cả lên kế hoạch “trực chiến”. Rồi có bữa toàn nhóm lăn ra sốt, mà đây toàn là nhân sự tiếp xúc trực tiếp với F, thế là cả nhóm ôm nhau khóc. Cuối cùng kết quả test nhanh là âm tính, các nhân sự lăn ra ốm làm việc quá độ, phòng làm việc nóng vì không dám bật điều hòa.

“Mọi người thay nhau bám trụ, chia nhau từng viên C, ca ngủ, trong khi họ hoàn toàn được quyền từ chối làm việc để đảm bảo an toàn cho bản thân. Những người trẻ tuổi này khiến tôi thực sự xúc động”, chị bạn kể.

Sài Gòn giãn cách, nhưng lòng người lại chẳng xa. Một buổi chiều cuối tháng 6, chị bạn trong Sài Gòn còn làm tôi xúc động vô cùng khi nhờ người gửi tặng tôi cả một hộp Chocolate sau buổi phỏng vấn trực tuyến, với lời nhắn: “Thưởng thức nhé em, chút ngọt ngào cho mùa dịch”.

Đấy, ngay trong tâm dịch, người Sài Gòn vẫn chu đáo, dễ thương như thế.

Những người bạn, người anh, người chị tôi quen, dẫu chẳng đại diện cho tất cả Sài Gòn, nhưng có lẽ, họ cũng là phản chiếu thân thiện nhất cho một Sài Gòn trong thời gian khó. Và có lẽ hơn lúc nào hết, đây là lúc mỗi người cần chung sức, đồng cảm hơn với Sài Gòn thay vì sự bàng quan, hay lạnh nhạt nếu có.

Thành Nguyễn ,

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục