Theo ông, có cơ hội nào cho nhóm cổ phiếu logistics trong những tháng cuối năm?
Theo yếu tố mùa vụ trên toàn cầu, thời điểm từ tháng 9 đến giữa tháng 12 hàng năm là giai đoạn cao điểm của hoạt động vận tải biển để vận chuyển nông sản, hàng hóa phục vụ cho mùa mua sắm cuối năm và nguyên liệu, nhiên liệu phục vụ cho sản xuất trước khi mùa Đông khắc nghiệt ở bắc bán cầu diễn ra.
Điều này khiến sản lượng vận tải biển cũng như giá cước vận tải biển toàn cầu sẽ có những diễn biến tích cực giúp triển vọng kinh doanh của nhóm cổ phiếu logistics (bao gồm cảng biển và vận tải biển) có thể phục hồi vào cuối năm nay và tạo nên những cơ hội đầu tư hấp dẫn vào các cổ phiếu trong lĩnh vực này.
Ông Nguyễn Tiến Dũng. |
Thật khó để không nói đến bối cảnh vĩ mô, theo ông, các yếu tố nào sẽ tác động đến cổ phiếu nhóm này?
Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, 8 tháng của năm 2023, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển đạt 565,1 triệu tấn, tăng nhẹ khoảng 3% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó hàng container đạt 18,2 triệu Teu, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước.
Biến động sản lượng hàng hóa qua cảng biển có liên quan chặt chẽ với xuất nhập khẩu của Việt Nam. Mặc dù lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn giảm 11% so với cùng kỳ, tuy nhiên sản lượng xuất nhập khẩu hàng hóa của chúng ta đã thoát khỏi xu hướng giảm và bắt đầu có những tín hiệu phục hồi.
Trong tháng 9 năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 60,53 tỷ USD, giảm 4,1% so với tháng trước do yếu tố mùa vụ, nhưng đã tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu việc kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam bắt đầu tăng trưởng trở lại so với cùng kỳ sau 6 tháng liền liên tục suy giảm.
Tôi cho rằng, xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi trong thời gian tới nhờ động lực chính đến từ thị trường Mỹ và châu Âu. Yếu tố tích cực ở các thị trường này tới từ nhu cầu bổ sung hàng tồn kho của các nhà bán lẻ phục vụ chu kỳ tiêu dùng mới vào cuối năm nay sau giai đoạn giải phóng gần hết lượng hàng tồn kho. Hoạt động xây dựng tại Mỹ phục hồi cũng là một yếu tố hỗ trợ xuất khẩu vào thị trường này. Tăng trưởng sản lượng xuất nhập khẩu sẽ đảm bảo cho tăng trưởng sản lượng của các doanh nghiệp cảng biển và vận tải biển của Việt Nam trong thời gian tới.
Ảnh: Shutterstock. |
Vậy còn vĩ mô trong nước thì sao?
Ở trong nước, ngành cảng biển cũng đang đón nhận thông tin tích cực từ việc Cục Hàng hải Việt Nam đang lấy ý kiến cho Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 54/2018, trong đó, đề xuất tăng giá sàn đối với một số dịch vụ trọng điểm tại cảng biển, bao gồm nâng hạ container quốc tế và hướng dẫn tàu thuyền, đề xuất có hiệu lực từ năm 2024. Cụ thể, đối với hầu hết các cảng, giá sàn xếp dỡ container được điều chỉnh tăng 10% so với giá cũ.
Chúng tôi cho rằng, các cảng biển nước sâu của Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhất nếu việc tăng giá sàn được thông qua do công suất phục vụ ở các cảng biển nước sâu của Việt Nam hiện đã gần đạt công suất tối đa trong khi nhu cầu của các hãng tàu nước ngoài trong việc làm hàng ở các cảng nước sâu của Việt Nam là rất lớn. Theo đó, biên lợi nhuận và lợi nhuận ròng của các cảng biển nước sâu có nhiều khả năng cải thiện mạnh trong thời gian tới.
Với các nhà đầu tư, chắc hẳn cũng có những điều cần lưu ý khi “bỏ vốn” vào cổ phiếu nhóm này chứ?
Khi lựa chọn cổ phiếu logistics, nhà đầu tư cần lưu ý đến 2 yếu tố.
Đầu tiên là yếu tố chu kỳ do nhu cầu sản lượng vận tải biển trên toàn cầu mang tính chu kỳ lớn, qua đó sẽ tác động đến sản lượng vận tải biển cũng như biến động giá cước vận tải biển trong từng giai đoạn. Cụ thể hơn, sau giai đoạn sản lượng tăng mạnh vào cuối năm, giai đoạn quý I thường là giai đoạn thấp điểm do mùa Đông ở Bắc Bán cầu, cùng với dịp nghỉ Tết Nguyên đán ở Trung Quốc. Hoạt động vận tải biển sẽ trở lại từ giữa tháng 4 khi vào mùa xây dựng ở Bắc Bán cầu, đi ngang trong quý III trước khi lại tăng trở lại trong quý IV và bắt đầu 1 chu kỳ mới.
Yếu tố thứ hai cần chú ý đó là biến động lãi suất cho vay bằng đồng USD do các doanh nghiệp cảng biển và vận tải biển Việt Nam thường vay USD để tài trợ cho việc mua sắm đội tàu cũng như các thiết bị vận hành cảng biển.
Cá nhân ông đánh giá cao cổ phiếu nào?
Đối với ngành logistics, tôi ưa thích 2 cổ phiếu là HAH và GMD.
HAH là doanh nghiệp sở hữu đội tàu container hàng đầu Việt Nam và vẫn đang liên tục mở rộng quy mô với dự kiến tiếp nhận 4 tàu container mới giai đoạn 2023 - 2024, tương đương khả năng có thể nâng tổng công suất vận tải biển lên thêm 40%. Hoạt động kinh doanh của HAH gắn liền với kỳ vọng phục hồi của ngành vận tải biển Việt Nam, dự báo sẽ có thể phục hồi bắt đầu từ nửa cuối 2023. Dự báo lợi nhuận của HAH có thể giảm 45% so với cùng kỳ trong năm 2023 do nửa đầu năm kém khả quan tuy nhiên lợi nhuận sẽ phục hồi và có thể tăng 15% so với cùng kỳ trong năm 2024.
GMD cũng là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực cảng biển với hệ thống cảng biển trải dài trên khắp Việt Nam. Trong năm 2023, GMD đã thoái vốn thành công tại cảng Nam Hải Đình Vũ và ghi nhận lợi nhuận ước tính 1400 tỷ (sau thuế) từ thương vụ này. Động lực tăng trưởng lợi nhuận của GMD trong thời gian tới là việc mở rộng các cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 2 và Gemalink giai đoạn 2, kết hợp với khả năng giá cước container được điều chỉnh tăng 10% trong 2024.
Ước tính lợi nhuận của GMD sẽ tăng 128% so với cùng kỳ trong 2023 do lợi nhuận đột biến từ thoái vốn và giảm 41% so với cùng kỳ trong năm 2024 do không còn lợi nhuận đột biến. Nếu loại bỏ khoản lợi nhuận đột biến, lợi nhuận của GMD có thể giảm 13% so với cùng kỳ trong năm 2023 và tăng mạnh 55% so với cùng kỳ trong năm 2024.