Thưa ông, trong quý I/2014 sẽ có những thay đổi chính sách nào mà ông đánh giá là sẽ có tác động lớn tới hoạt động đầu tư - kinh doanh?
Theo tôi, có hai nội dung lớn. Một là, việc thúc đẩy giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho thị trường bất động sản. Hai là, tiến độ cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó, là việc thúc đẩy giải quyết nợ xấu.
Tôi muốn đặt những thay đổi chính sách này trong xu thế hội nhập rất mạnh mẽ vào năm nay để hy vọng rằng, tiến độ và chất lượng cải cách chính sách sẽ rất tích cực.
Tuy nhiên, khó có thể nói về kết quả ngay trong quý I/2014, vì mọi công việc cần có thời gian. Cũng phải nói thêm, sự hỗ trợ của Chính phủ đối với doanh nghiệp trong năm nay không có nhiều dư địa, kể cả lãi suất, cũng như tác động từ đầu tư bằng nguồn trái phiếu chính phủ. Vì vậy, sự thay đổi chính sách đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu kích thích thị trường bên cạnh yêu cầu ổn định kinh tế vĩ mô.
Vậy các kết quả cụ thể của sự vận động trên chỉ có thể nhìn thấy vào lúc nào, thưa ông?
Khoảng quý IV/2014. Đơn giản là cần phải có thời gian để xử lý các vấn đề đã được đặt ra.
Kế hoạch thúc đẩy giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, cũng như thúc đẩy thị trường bất động sản phụ thuộc rất lớn vào tiến độ sửa đổi Luật Nhà ở, trong đó có chính sách cho đối tượng người nước ngoài.
Kế hoạch xử lý nợ xấu cũng vậy. Nếu muốn làm được, phải phát triển thị trường mua bán nợ và cần có “tiền tươi”.
Kỳ vọng vào cơ hội từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU cũng chưa thể bắt đầu ngay khi khả năng ký kết đang được dự báo vào khoảng quý III/2014.
Ngay cả tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn cũng cần phải có thời gian. Thực tế cho thấy, các hoạt động này thường rầm rộ hơn trong 2 quý cuối năm.
Tuy nhiên, hy vọng đẩy nhanh tiến độ các kế hoạch này là rất lớn, khi Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định sự mạnh mẽ hơn trong hành động.
Với doanh nghiệp, cơ hội kinh doanh có thể được bắt đầu thế nào trong năm nay?
Cải cách mạnh mẽ trong khu vực doanh nghiệp nhà nước trong năm nay sẽ tạo nên sự chuyển dịch lớn nguồn tiền từ khu vực này sang khu vực kinh tế tư nhân, bao gồm cả tư nhân trong nước và nước ngoài, nhờ các hoạt động thoái vốn, cổ phần hóa.
Nếu các kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn được xúc tiến mạnh ngay thời điểm đầu năm, tôi tin là sẽ xuất hiện nhiều chuyển dịch lớn mang tính kích thích thị trường.
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm nay sẽ tiếp tục đà của năm trước và cộng thêm cơ hội mà thị trường Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ TPP, Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU. Doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ có lợi từ sự sôi động của khu vực này.
Đặc biệt, nếu chính sách liên quan đến các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là trong lĩnh vực bất động sản - nhà ở được sửa đổi và thông qua ngay trong kỳ họp Quốc hội đầu năm, thì một số phân khúc của thị trường bất động sản sẽ có thay đổi lớn. Nhìn thấy trước là phân khúc cho thuê.
Cụ thể, các ngành nghề nào có thể có nhiều cơ hội hơn cả trong xu thế này?
Thứ nhất là các ngành liên quan đến phát triển xanh, phát triển bền vững.
Thứ hai là các ngành nông nghiệp kết nối với thị trường, theo mạng - chuỗi sản xuất - dịch vụ.
Thứ ba là các hiệp định thương mại tự do với việc gỡ bỏ hàng rào thuế quan, nhằm tạo thuận lợi hóa thương mại và đầu tư đang mở rộng cơ hội trong các lĩnh vực giao thông, kho bãi, logistics.
Thứ tư là các ngành hàng tiêu dùng của Việt Nam ngày càng bị chi phối bởi tầng lớp trung lưu đang lớn lên của Việt Nam. Ngoài ra, cùng với sự hồi phục của thị trường thế giới, sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu sẽ tiếp tục khả quan.
Nhưng như tôi đã nói, sự trở lại của dòng vốn tư nhân sẽ phụ thuộc rất nhiều vào tiến độ cụ thể của các kế hoạch cải cách.