Trong Văn bản số 284 ngày 13/2/2018 gửi tới các cơ quan tiến hành tố tụng, Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cho rằng, sự vỡ ống là do nguyên nhân khách quan.
Vinaconex khẳng định, Dự án cấp nước Sông Đà - Hà Nội là dự án “đáng tự hào” của Vinaconex. Các sự cố vỡ ống là sự cố kỹ thuật rất đáng tiếc, là rủi ro kỹ thuật không lường trước được trong quá trình ứng dụng vật liệu mới của dự án.
Dự án cấp nước sông Đà - Hà Nội có tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng do Vinaconex làm chủ đầu tư được thực hiện từ năm 2004 đến năm 2009 thì hoàn thành. Quá trình đưa vào khai thác vận hành, tuyến ống đã nhiều lần bị vỡ.
Sau khi tuyến ống bị vỡ lần thứ 9, cơ quan điều tra đã vào cuộc. Tính đến tháng 10/2016, tuyến ống đã 18 lần bị vỡ. Sau đó, tuyến ống tiếp tục bị vỡ, tính đến hết năm 2017, tuyến ống đã 21 lần xảy ra sự cố.
Quá trình điều tra, qua kết luận giám định, Viện kiểm sát xác định nguyên nhân gây vỡ ống là do ống composite cốt sợi thủy tinh không đảm bảo chất lượng. Được biết, thiết kế ban đầu sử dụng ống gang thép dẻo, nhưng sau đó Vinaconex đã trình xin thay đổi thiết kế sử dụng ống composite cốt sợi thủy tinh.
Theo cáo trạng, các bị cáo Hoàng THế Trung, Nguyễn Văn Khải – nguyên Giám đốc và Phó giám đốc Ban quản lý dự án; Trương Trần Hiển – nguyên Trưởng Phòng Vật tư, thiết bị thuộc Ban Quản lý Dự án là những người có trách nhiệm tổ chức thực hiện vai trò của chủ đầu tư. Tuy nhiên, các bị cáo đã không tuân thủ các quy định pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng công trình dẫn đến việc nghiệm thu các ống composite không đảm bảo chất lượng.
Các bị cáo Trần Cao Bằng, Vũ Thanh Hải là nhà thầu cung cấp ống composite cốt sợi thủy tinh cho dự án đã không tuân thủ các quy định về chất lượng hàng hóa dẫn đến sản xuất cung cấp các ống composite không đạt chất lượng.
Các bị cáo Đỗ Đình Trì, Nguyễn Biên Hùng là Trưởng, Phó đoàn giám sát; Hoàng Quốc Thống, Bùi Minh Quân đều là giám sát viên đã không kiểm soát được chất lượng vật tư, không lấy mẫu vật liệu thí nghiệm kiểm tra xác định chất lượng vật liệu, không yêu cầu thu hồi lô hàng khi phát hiện ống không đạt chất lượng.
Tuy nhiên, Vinaconex cho rằng, sự cố vỡ ống là do nguyên nhân khách quan. Cụ thể, Vinaconex nêu 3 nguyên nhân.
Thứ nhất, đường ống số 2 chưa thực hiện do không thu xếp được vốn. Theo Vinaconex, để đảm bảo an toàn cấp nước, khi triển khai giai đoạn 1, Vinaconex đã có văn bản đề nghị Thủ tướng hỗ trợ vốn để triển khai tuyến ống 2 song song tuyến ống 1. Việc này giúp đảm bảo cấp nước khi 1 trong 2 tuyến ống cần sửa chữa bảo dưỡng.
Nhưng do thiếu vốn, chủ đầu tư chưa thể triển khai tuyến ống 2. Đến năm 2015, CTCP Nước sạch Vinaconex (Viwasupco), đơn vị khai thác, kinh doanh dự án đã khởi công dự án. Vì lý do liên quan đến vật liệu và xuất xứ nhà cung cấp tuyến ống 2 nên dự án chưa thể triển khai.
Lý do thứ hai Vinaconex đưa ra là việc bể chứa của Trạm bơm tăng áp chưa được đầu tư xây dựng. Vinaconex cho biết, mặt bằng đến năm 2010 mới được giải phóng đền bù xong, trong khi tuyến ống đã hoàn thành năm 2008. Do yêu cầu cấp nước cho Hà Nội, Vinaconex đã tạm thời để lại hạng mục này và chuyển qua triển khai bán nước sạch cho các hộ dân.
Sau đó, hạng mục này chuyển về Viwasupco từ khi công ty được thành lập (năm 2009). Đến tận năm 2013, Viwasupco đã làm lễ khởi công xây dựng. Nhưng đến nay, hạng mục này vẫn chưa xong. Lý do, theo Vinaconex là do cổ đông lớn của Viwasupco là Công ty Aquatico không đồng ý thực hiện.
Vinaconex còn nêu nguyên nhân rủi ro do áp dụng vật liệu mới. Theo Vinaconex, Bộ Xây dựng đã xác nhận, tại thời điểm lập và triển khai dự án, đường ống truyền tải nước sử dụng ống cốt sợi thủy tinh đường kính lớn chưa từng được áp dụng. Vì thế, không tránh khỏi những rủi ro kỹ thuật do chưa có kinh nghiệm trong thiết kế đường ống, sản xuất chế tạo và thi công lắp đặt.
Từ đó, doanh nghiệp này đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng quan tâm xem xét toàn diện để đưa ra phán quyết thấu tình đạt lý.