ĐTCK đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thu Hiền, Trưởng nhóm Dự án QTCT Việt Nam của IFC và Diễn đàn QTCT toàn cầu về mức độ cấp thiết của việc nâng cao chất lượng QTCT tại các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo Báo cáo Thẻ điểm QTCT Việt Nam năm 2010 thì mức điểm trung bình chung là 44,7%, thấp khá xa so với mức 80% của một công ty đáp ứng các thông lệ QTCT quốc tế. Con số này đã nói lên vấn đề gì thưa bà?
Báo cáo Thẻ điểm QTCT Việt Nam được khảo sát ở 100 công ty lớn nhất niêm yết trên 2 Sở GDCK, đại diện cho 83% giá trị thị trường, nên ít nhiều, mức điểm 44,7% là điểm chung cho toàn bộ bức tranh về quản trị ở Việt Nam.
100 công ty lớn nhất của TTCK mà chỉ đạt mức điểm dưới trung bình thì thử hỏi, tình hình quản trị của những đơn vị còn lại trên sàn cũng như của các công ty đại chúng khác sẽ còn thấp đến thế nào.
Kết quả này là lời cảnh báo về ý thức của doanh nghiệp trong việc QTCT cũng như đặt ra vấn đề bảo vệ quyền lợi cổ đông.
Có lẽ, doanh nghiệp chưa nhận thức được rằng, trong giai đoạn khó khăn như hiện tại, cạnh tranh về vốn mới là quan trọng nhất. Nhưng làm sao để cạnh tranh về vốn? Chính QTCT hiện là yếu tố để doanh nghiệp thu hút nhà đầu tư.
Doanh nghiệp không phải không nhận ra vai trò tích cực khi QTCT tốt. Tuy nhiên, khi cân đong thiệt hơn, hình như doanh nghiệp thiếu động lực để nâng chất lượng quản trị?
Bà Nguyễn Thu Hiền |
Sở dĩ tình hình QTCT vẫn chưa có chuyển biến gì, một phần vì doanh nghiệp chưa rõ cách thức thực hiện. Dù quy định có yêu cầu thành viên HĐQT phải tham gia các khóa đào tạo về QTCT, nhưng giữa kiến thức và áp dụng kiến thức vẫn còn một khoảng cách.
Để thực sự nâng chất lượng quản trị ở các công ty, doanh nghiệp cần nhận thức rõ hơn, tìm hiểu kỹ hơn các kiến thức liên quan đến QTCT. Ví dụ, họ có thể tham khảo bảng câu hỏi từ trong báo cáo để biết mình mạnh yếu ở điểm nào, muốn đạt đến chuẩn mực QTCT thì phải làm những gì. Phía IFC - đơn vị tài trợ cho dự án cũng cam kết sẽ cung cấp thông tin đánh giá, bảng tiêu chí QTCT trên cơ sở doanh nghiệp yêu cầu.
Ngoài ra, doanh nghiệp phải nhìn thấy những lợi ích sát sườn của việc thực thi tốt QTCT. Lợi ích này không phải là lợi nhuận, cũng không dễ nhìn thấy ngay. Nhưng nếu QTCT tốt, doanh nghiệp sẽ tạo được những giá trị bền vững, tạo động lực để cổ đông gắn bó trung thành với công ty. Nhờ đó, giá cổ phiếu vẫn giữ được sự ổn định dù TTCK biến động. Và doanh nghiệp có thể triển khai được các kế hoạch gọi vốn, kể cả khi kinh tế rơi vào khủng hoảng.
Nhiều doanh nghiệp vẫn băn khoăn, vì để làm tốt công tác quản trị, cần phải chi thêm một khoản tốn kém, trong khi giờ là lúc phải "thắt lưng buộc bụng"?
Để có được hệ thống QTCT, đòi hỏi ở doanh nghiệp thời gian và chi phí. Tuy nhiên, từ Thẻ điểm QTCT cho thấy, có 2 điểm yếu khá phổ biến là vấn đề minh bạch thông tin và vai trò của HĐQT.
Đây là những khía cạnh mà muốn cải thiện, doanh nghiệp hoàn toàn có thể làm được mà không hề tốn kém. Vấn đề là ở ý thức của công ty như thế nào. Nếu doanh nghiệp hiểu rằng, cổ đông cần thông tin và đưa tin kịp thời, chính xác, đầy đủ thì đó là minh bạch.
Về phía HĐQT, cần ý thức, họ mới chính là người chịu trách nhiệm trước cổ đông. Họ phải thể hiện được vai trò giám sát, định hướng cho hoạt động công ty, thông qua các báo cáo chi tiết và khác biệt.
Cổ đông, nhất là cổ đông nhỏ lẻ sẽ phải làm gì để gây sức ép lên HĐQT khi tỷ lệ sở hữu và tiếng nói của họ tại công ty quá khiêm tốn?
Tinh thần dân chủ của cổ đông rất quan trọng. Cổ đông phải thấy, dù nắm giữ ở tỷ lệ nào thì họ vẫn có những quyền và vị thế nhất định. Họ cần đọc kỹ và hiểu rõ hơn các văn bản luật, điều lệ công ty có liên quan đến quyền cổ đông trước khi quyết định đầu tư. Từ đây, cổ đông sẽ tự tin trong việc thực thi các quyền của mình.
Ví dụ, cổ đông nhỏ có thể dồn phiếu để tạo sức mạnh cho các ý kiến trình bày trong ĐHCĐ. Cổ đông nhỏ có thể nêu ý kiến để tranh thủ thêm sự ủng hộ của các cổ đông khác.
Đặc biệt, nếu cổ đông chỉ ra được sai phạm hay hợp đồng kinh tế có dính líu tới cổ đông lớn thì cổ đông lớn không được quyền bỏ phiếu biểu quyết. Trong trường hợp này, cổ đông nhỏ có thể vô hiệu quyền lực của cổ đông lớn một cách dễ dàng.
UBCK đang thúc đẩy khuôn khổ pháp lý về quản trị công ty
Bà Vũ Thị Kim Liên, Phó chủ tịch UBCK
Đúng là chất lượng QTCT ở doanh nghiệp Việt Nam còn khiêm tốn so với chuẩn mực quốc tế. Doanh nghiệp thực hiện QTCT vẫn chủ yếu tuân theo quy định, theo sự thúc đẩy từ cơ quan quản lý nhà nước chứ chưa thực sự tự giác, tự nguyện hay xuất phát từ sự cần thiết của bản thân doanh nghiệp.
Để cải thiện tình hình, UBCK đã và đang tích cực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến QTCT theo hướng chặt chẽ và mở rộng. Chặt chẽ ở chỗ, những doanh nghiệp có quy mô khác nhau sẽ tuân thủ những quy định khác nhau. Chúng tôi sẽ quy định chi tiết hơn về thế nào là thành viên HĐQT độc lập, về mối quan hệ giữa doanh nghiệp và đại diện vốn nhà nước.
Việc triển khai cũng sẽ không dừng ở doanh nghiệp niêm yết mà sẽ áp dụng cho cả công ty đại chúng. Hiện tại, trong chương trình quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ đảm trách công việc ban hành thông lệ về QTCT. Hiệp hội kế toán và Bộ Tài chính đang tiến hành rà soát để hướng chuẩn mực kế toán Việt Nam theo chuẩn mực kế toán quốc tế.
Trong thông tư mới về công bố thông tin, UBCK cũng sẽ nhấn mạnh sự tăng cường quản trị từ dưới lên, tức doanh nghiệp phải chủ động và cổ đông phải thấy quyền lợi của mình để tạo sức ép nhiều hơn. Xa hơn, chúng tôi dự kiến thành lập học viện QTCT để thể chế hóa, đào tạo và có những đánh giá thường kỳ về QTCT của doanh nghiệp.
Còn nhiều lo ngại
Ông Juan Carlos Fernandez Zara, Giám đốc Dự án, Chương trình Quản trị công ty Việt Nam, trực thuộc Công ty Tài chính Quốc tế (IFC)
Kinh tế - tài chính của thế giới hiện khó khăn và biến động. Một số nước ở Bắc Mỹ, châu Âu đang đối mặt với nhiều thách thức. Vì thế, dòng tiền quốc tế đang có xu hướng tìm đến những địa chỉ đầu tư an toàn. Một trong những tiêu chí để nhà đầu tư lựa chọn là QTCT.
QTCT phải thật tốt thì doanh nghiệp mới có thể thu hút được dòng vốn quốc tế. Nhưng tôi có phần lo ngại, khi trong mảng tài chính - lĩnh vực cần phải thực hiện QTCT cao hơn - vẫn có đơn vị đạt mức điểm QTCT rất thấp.
Vẫn còn chênh lệch lớn giữa doanh nghiệp đạt mức độ quản trị cao nhất (68%) với doanh nghiệp đạt điểm thấp nhất (0%). Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam mới dừng ở mức tuân thủ các quy định quản trị tối thiểu chứ chưa tìm cách hướng đến quản trị theo chuẩn mực quốc tế. |