
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PC1
CTCK Tiên Phong (TPS)
Đồ thị cổ phiếu CTCP Tập đoàn PC1 (PC1 – sàn HOSE) xuất hiện tín hiệu tích cực khi giá tăng break-out khỏi mô hình tam giác cân (Bullish Symmetrical Triangle) với khối lượng giao dịch cải thiện, giá mục tiêu lý thuyết của mô hình là 29.300 đồng/CP.
Bên cạnh đó, giá cổ phiếu cũng đồng thời vượt lên trên trendline giảm dài hạn giúp củng cố luận điểm tăng giá do có sự thay đổi trong tính chất chuyển động của xu hướng (từ giảm dài hạn chuyển sang khởi đầu xu hướng tăng).
Hệ thống các đường trung bình động (MA) đang có dấu hiệu hội tụ cho thấy giá có tiềm năng khởi tạo xu hướng mạnh trong thời gian tới, trong đó tín hiệu tăng giá ngắn hạn đã được thể hiện qua sự giao cắt của MA10 ngày và MA20 ngày; tín hiệu tăng giá trung hạn được thể hiện qua sự giao cắt của MA20 ngày và MA50 ngày.
Các chỉ báo kỹ thuật cũng củng cố triển vọng tích cực: MACD>0 và nằm trên đường tín hiệu, histogram mở rộng dương: động lực tăng giá ổn định; RSI ~ 65.x: sức mạnh giá đạt trạng thái tích cực cho thấy động lực tăng giá rõ nét; MFI ~81.x: dòng tiền vào cổ phiếu mạnh mẽ. Để kịch bản tăng giá diễn ra đúng kỳ vọng, điều kiện cần thiết là cổ phiếu duy trì được trạng thái ổn định trong 1–3 phiên sau phiên breakout, cụ thể là không xuất hiện lực bán mạnh khiến giá đóng cửa dưới ngưỡng 22.600 đồng/CP khiến động lực tăng giá bị phân tán.
Chiến lược giao dịch: NĐT có thể thiết lập chiến lược giải ngân từng phần với cổ phiếu PC1 tại vùng giá 22.800 – 23.500 đồng/CP. Đồng thời thiết lập mức cutloss khi giá giảm về dưới 22.600 đồng/CP với khối lượng lớn.
Khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu PNJ
CTCK Phú Hưng (PHS)
Trong quý I/2025, CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ – sàn HOSE) ghi nhận kết quả kinh doanh khá ảm đạm với tổng doanh thu giảm 23,2% so với cùng kỳ, đạt 9.759 tỷ đồng và lợi nhuận ròng giảm 8,1%, đạt 678 tỷ đồng, lần lượt hoàn thành 31% và 35% kế hoạch năm 2025.
Việc sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP mở ra kỳ vọng về chính sách quản lý thị trường vàng linh hoạt, hiệu quả và minh bạch hơn: NHNN đang hoàn thiện Nghị định sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và dự kiến sẽ được trình Chính phủ trước ngày 15/07/2025.
Một trong những điểm đáng chú ý là đề xuất xóa bỏ độc quyền của Nhà nước trong sản xuất vàng miếng, cho phép doanh nghiệp, ngân hàng đủ điều kiện được nhập khẩu vàng nguyên liệu, sản xuất vàng miếng, chế tác vàng trang sức mỹ nghệ.
Chúng tôi kỳ vọng rằng thay đổi này sẽ giúp cho doanh nghiệp đầu ngành như PNJ giải quyết nhu cầu về nguồn nguyên liệu dùng trong chế tác, vốn bị thiếu hụt trong thời gian qua. Từ đó chủ động hơn trong kế hoạch sản xuất, cải tiến sản phẩm và mở rộng biên lợi nhuận.
Năm 2025F, chúng tôi dự phóng doanh thu giảm 10,2% khi nguồn cung vàng tiếp tục bị hạn chế. Cho năm 2026F, dựa trên kỳ vọng nút thắt về thiếu hụt nguồn cung vàng được gỡ bỏ sau khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP được sửa đổi, chúng tôi dự phóng doanh thu vàng 24K tăng 50% đạt 6.990 tỷ đồng, qua đó doanh thu năm 2026F cải thiện lên mức 38.890 tỷ đồng (tăng 14,5%).
PNJ hiện đang giao dịch tại P/E Forward 25F ở mức 14.5x – thấp hơn so với P/E bình quân 5 năm là 16.5x. Sử dụng phương pháp định giá DCF và P/E, chúng tôi đưa ra khuyến nghị nắm giữ dành cho PNJ với giá hợp lý là 96.800 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng giá tiềm năng là 10%.
Lựa chọn cổ phiếu MWG và PNJ, tích lũy dần VNM
CTCK MB (MBS)
Trong 6 tháng đầu năm 2025, tăng trưởng bán lẻ và tiêu dùng hàng hóa tăng 9,3%, cao hơn mức trung bình năm 2024 nhưng vẫn thấp hơn mức tăng trước đại dịch, cho thấy cầu tiêu dùng trong nước đã có sự phục hồi svck nhưng vẫn duy trì ở mức thấp do điều kiện kinh tế không thuận lợi.
Nhìn sang nửa cuối năm 2025, nhờ vào những hỗ trợ của chính sách mới nhằm tăng niềm tin của người tiêu dùng và hỗ trợ thu nhập sẽ giúp cho tăng trưởng bán lẻ và tiêu dùng hàng hóa tiếp đà phục hồi, tuy nhiên chúng tôi nhận thấy khó có sự đột phá do điều kiện kinh tế đang không thuận lợi (CPI duy trì cao và PMI bị ảnh hưởng bởi tác động tiêu cực của thuế quan)
Chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp sở hữu chuỗi bán lẻ tạp hóa hiện đại và sản xuất tiêu dùng chính thống được hưởng lợi nhờ những thay đổi cấu trúc trong chính sách minh bạch hóa hóa đơn đầu vào và siết chặt hàng giả, hàng kém chất lượng. Bên cạnh đấy, dự thảo về thay đổi nghị định vàng 24/2012/NĐ-CP về việc cho phép nhập khẩu nguyên liệu vàng trang sức để sản xuất sẽ tạo tiền đề tăng trưởng cho các doanh nghiệp trang sức lớn trong trung – dài hạn.
Trong chiến lược đầu tư bán lẻ lần này, chúng tôi lựa chọn các doanh nghiệp có định giá hấp dẫn và tốc độ tăng trưởng lợi nhuận vượt trội so với các doanh nghiệp cùng ngành. Bên cạnh đấy, chúng tôi nhận thấy việc thay đổi nghị định 24/2012/NĐ-CP sẽ mở đường cho sự phát triển về quy mô bán lẻ và khả năng sản xuất của doanh nghiệp trang sức trong trung – dài hạn. Do vậy, chúng tôi lựa chọn MWG, PNJ, tích lũy dần VNM để đón đầu sự phục hồi mạnh mẽ trong năm 2026-2027.