Những nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu VNH của Công ty cổ phần Thủy hải sản Việt Nhật đang “đau đầu” trước tình hình hoạt động của Công ty, khi VNH mới đây đã công bố Báo cáo tài chính quý II/2015 và 6 tháng đầu năm cho thấy họ đã ngừng hoạt động trong quý II/2015.
Cụ thể, báo cáo tài chính cho biết, trong quý II/2015, VNH không ghi nhận doanh thu và lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, VNH vẫn phải tiếp tục gánh lãi vay và ghi nhận các chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp. Với khoản lỗ 1,22 tỷ đồng trong quý II, VNH đã lỗ lũy kế 2,14 tỷ đồng trong nửa đầu năm và kế hoạch lãi 4,5 tỷ đồng được Đại hội đồng cổ đông VNH thông qua hồi tháng 6 xem ra càng thêm xa vời.
Tuy nhiên, điều lo ngại tại báo cáo tài chính của VNH, đó là đã liệt kê tên các công ty, cá nhân trong danh sách mà VNH phải thu tiền nợ ngắn hạn. Ngoài các khoản cho vay mà VNH đã trích lập dự phòng một phần hoặc toàn bộ, đáng chú ý có khoản cho vay với Công ty TNHH Đồ hộp Phú Nhật - doanh nghiệp từng là công ty con của VNH trước khi có quyết định thoái vốn của VNH. Đây là nguyên nhân chính khiến phải thu khách hàng ngắn hạn của VNH tăng vọt từ 4,53 tỷ đồng (cuối năm 2014) lên 15,22 tỷ đồng (quý II/2015).
Theo đó, Phú Nhật được ghi nhận là đang vay ngắn hạn VNH 13,34 tỷ đồng, trong khi con số đầu năm là 2,43 tỷ đồng. Ngoài ra, Phú Nhật cũng có tên trong danh sách tại khoản phải thu khác của VNH, số tiền phải thu ngắn hạn với lý do tạm ứng vốn lưu động tính đến cuối quý II là 18,31 tỷ đồng.
Nhìn lại thời điểm trước đó, theo Nghị quyết 94/13/NQĐHCĐ/VSC ngày 1/11/2013 của VNH, HĐQT của VNH đã ra quyết định đầy “tình cảm” khi quyết định thoái vốn khỏi Phú Nhật với số tiền là 35,6 tỷ đồng, chia ra trả gốc đều trong 10 năm kể từ năm 2015 với “lãi suất ưu đãi năm của Ngân hàng Vietcombank - TP.HCM”.
Do đó, các khoản vay được ghi nhận trên có thể hiểu là nằm trong số tiền 35,6 tỷ đồng mà Phú Nhật phải trả VNH. Tuy nhiên, với việc phải trả nợ dần trong 10 năm, khoản nợ của Phú Nhật lại được VNH ghi nhận trong phải thu ngắn hạn.
Mặc dù tình hình làm ăn thua lỗ và bết bát, nhưng việc VNH có những ưu ái đặc biệt với Phú Nhật không phải là khó hiểu, bởi theo thông tin tại website của Phú Nhật, Giám đốc của công ty này là ông Nguyễn Văn Triển, con trai của Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CTCP Thủy hải sản Việt Nhật Nguyễn Văn Nhựt. Ngoài ra, bà Trần Thị Thúy (vợ ông Nguyễn Văn Nhựt) hiện cũng là cổ đông chi phối của Công ty TNHH Đồ hộp Phú Nhật khi nắm 52% cổ phần tại công ty này.
Giống như VNH, trên thị trường chứng khoán cũng không hiếm những trường hợp doanh nghiệp, cá nhân “hào phóng” với những khoản cho vay đầy “ân tình” như vậy.
Với trường hợp bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG - HOSE) cũng từng cho vay và lấy tài sản riêng để đảm bảo các khoản vay của QCG. Kết quả, các khoản vay của bà Loan và con gái Nguyễn Ngọc Huyền My dành cho QCG đã được chuyển đổi thành cổ phiếu - cấn trừ công nợ.
Tại thời điểm cuối quý III/2014 (trước khi chuyển đổi cổ phiếu), QCG có khoản phải trả đối với bà Loan và bà My lần lượt là 305 tỷ đồng và 390 tỷ đồng dưới hình thức nhận tạm ứng.
Sau khi nhận cổ phiếu cấn trừ công nợ, bà Loan nắm giữ 37,5% vốn điều lệ của QCG, vẫn là cổ đông lớn nhất của công ty. Bà My từ cổ đông nhỏ lẻ (nắm giữ 0,29% vốn điều lệ) đã trở thành cổ đông lớn của Quốc Cường Gia Lai với tỷ lệ sở hữu lên tới 14,32%, giúp tổng số cổ phần nắm giữ của mẹ con bà Loan sau khi cấn trừ công nợ chiếm 51,82% cổ phần của QCG.
Thế nhưng, “ân tình” nhất phải kể đến trường hợp bà Võ Thị Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thuận Thảo (GTT - HOSE). Trong nhiều năm qua, bà Thanh và các thành viên khác trong gia đình không chỉ cho GTT nợ cổ tức, cho vay tiền mà thậm chí cả… xóa nợ.
Những khoản vay “ân tình” với ưu đãi đặc biệt, thậm chí cấn trừ công nợ, xóa nợ, góp phần làm đẹp báo cáo tài chính cho những doanh nghiệp được vay. Chỉ có các nhà đầu tư trên sàn vẫn không hiểu tại sao những ông chủ này lại “hào phóng” đến thế và họ buộc phải đặt câu hỏi về tính minh bạch thông tin tại VNH.