VND vượt qua nhiều yếu tố bất lợi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tỷ giá USD/VND giảm khoảng 1% trong quý III/2021, theo đó, VND là một trong những đồng tiền hiếm hoi duy trì sức mạnh trong bối cảnh hầu hết các đồng tiền trong khu vực đều giảm giá so với USD.
Ảnh: Dũng Minh Ảnh: Dũng Minh

Niềm tin vào đồng nội tệ được cải thiện

Ngày 15/10/2021, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam (VND) với USD ở mức 23.159 VND/USD, giảm 18 đồng so với ngày 14/10. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào ở mức 22.750 VND/USD (không đổi) và bán ra ở mức 23.804 VND/USD (giảm 18 đồng), nhưng giá USD tại đa số ngân hàng thương mại vẫn đứng yên. Chẳng hạn, Vietcombank mua 22.630 - 22.660 đồng/USD, bán 22.860 đồng/USD; Eximbank mua 22.660 - 22.680 đồng/USD, bán 22.840 đồng/USD…

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp BIDV cho biết: “Thị trường ngoại hối vẫn trong diễn biến ổn định, nối tiếp đà của quý III/2021”.

Theo lãnh đạo BIDV, yếu tố tác động lớn nhất vào đà giảm mạnh của tỷ giá trong nước bắt nguồn từ sự điều chỉnh chính sách mua ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước với các ngân hàng thương mại. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển từ mua ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng sang mua ngoại tệ giao ngay tại mức tỷ giá mới 22.750 (giảm khoảng 100 điểm so với mức tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng quy đổi). Động thái này đã tác động mạnh đến tâm lý thị trường và khiến tỷ giá liên ngân hàng điều chỉnh giảm sâu.

Bên cạnh đó, diễn biến cân đối cung cầu ngoại tệ trong nước tích cực trên tổng thể. Mặc dù các dòng ngoại tệ cơ bản xấu đi rõ nét trong quý III/2021 do tác động của dịch bệnh Covid-19 (cán cân thương mại thâm hụt khoảng 1 tỷ USD, giải ngân FDI chỉ đạt khoảng 4 tỷ USD - giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái), nhưng cân đối cung cầu vẫn được bù đắp bởi các ngoại tệ lớn khác như kiều hối (ước đạt 4 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ), giao dịch M&A, vay nợ nước ngoài của FE Credit, Novaland, SHB Finance... (ước tổng giá trị khoảng 1,5 - 1,7 tỷ USD). Qua đó, cung cầu ngoại tệ đạt giá trị thặng dư khoảng 1,2 - 1,4 tỷ USD trong quý III/2021.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho hay, bất chấp ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đến nền kinh tế tại nhiều quốc gia trên thế giới, lượng kiều hối đổ về TP.HCM trong 6 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng 22,34% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 3,2 tỷ USD.

Không chia sẻ con số cụ thể, nhưng một lãnh đạo cao cấp Vụ Quản lý Ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Lượng kiều hối của cả nước đến thời điểm hiện tại vẫn như các năm trước, không giảm”.

Bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của Văn phòng Ngân hàng Thế giới đánh giá, Việt Nam duy trì được vị thế tích cực với dự trữ ngoại hối tăng lên trong nửa đầu năm 2021 (riêng giai đoạn tháng 12/2020 đến tháng 4/2021, Việt Nam tích lũy được thêm 6 tỷ USD dự trữ ngoại hối), đồng thời nhận định, lượng kiều hối năm 2021 có thể sẽ không suy giảm so với năm 2020. Năm ngoái, Việt Nam nhận trên 17 tỷ USD kiều hối, tiếp tục nằm trong nhóm 10 nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới.

Trong cuộc trao đổi với báo chí, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Quỹ dự trữ ngoại hối của Việt Nam khoảng trên 100 tỷ USD”.

Đáng chú ý, môi trường quốc tế không tạo áp lực lớn lên VND khi chỉ số đồng USD (DXY) đi ngang trong khoảng 92 - 94, trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp cho đến cuối năm 2022 và kinh tế Mỹ duy trì đà hồi phục tích cực trên các hoạt động sản xuất, bán lẻ, bất chấp sự lây lan của biến thể Delta trong đại dịch Covid-19.

Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối kinh doanh tiền tệ, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, Ngân hàng HSBC Việt Nam nhìn nhận, năm 2021, VND đã vượt qua nhiều yếu tố bất lợi như những lo ngại về ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài khiến đà tăng trưởng chậm lại, cán cân thương mại thâm hụt và sự khác biệt chính sách tiền tệ với Fed.

Thực tế, niềm tin vào giá trị của đồng nội tệ được cải thiện sau giai đoạn tăng giá mạnh của VND kể từ đầu năm, tình trạng găm giữ ngoại tệ đang trên đà giảm. Theo tìm hiểu của phóng viên, kể từ đầu năm đến nay, giá trị huy động USD trong dân của các tổ chức tín dụng giảm khoảng 2 - 3%.

Kịch bản cho tỷ giá

Lãnh đạo BIDV nêu quan điểm, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng sẽ ổn định trong quý IV/2021, bởi cung cầu ngoại tệ dự kiến vẫn thuận lợi. Tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 được đẩy mạnh, một số thành phố lớn như TP. HCM, Hà Nội dần mở cửa kinh tế là yếu tố thuận lợi giúp cải thiện các dòng vốn cơ bản như xuất nhập khẩu, FDI.

Dự báo, trong quý IV/2021, giải ngân FDI có thể đạt 5 - 6 tỷ USD, trong khi cán cân thương mại ở mức nhập siêu nhẹ, khoảng 0,8 tỷ USD. Ngoài ra, dòng tiền kiều hối nhiều khả năng duy trì thuận lợi trong bối cảnh các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU đang trên đà hồi phục tích cực. Theo đó, nếu các nhu cầu ngoại tệ thường niên như chuyển lợi nhuận về nước, trả nợ vay không tăng đột biến, cân đối cung cầu ngoại tệ có thể đạt thặng dư khoảng 800 triệu USD.

Lãnh đạo BIDV cho rằng, tâm điểm của thị trường trong quý IV/2021 sẽ là công bố chương trình giảm mua vào tài sản của Fed, dự kiến tại kỳ họp tháng 11. Fed có thể giảm mức mua trái phiếu hàng tháng khoảng 20 tỷ USD/tháng và kết thúc chương trình vào giữa năm 2022. Việc Fed ra tín hiệu phân kỳ chính sách so với các ngân hàng trung ương lớn khác như ECB, BOJ sẽ là động lực tăng giá cho USD.

“Mặc dù vậy, tôi cho rằng, áp lực tăng của USD không quá lớn, khi các thông tin phần nào đã nằm trong kỳ vọng của thị trường. Chỉ số DXY dự kiến dao động trong khoảng 93 - 95 từ nay đến cuối năm”, lãnh đạo BIDV nói.

Trong khi đó, ông Khoa kỳ vọng, Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì chính sách điều hành tỷ giá như trong thời gian qua, với mục tiêu giảm tỷ giá mua USD thêm. Theo đó, USD/VND được dự báo sẽ giảm từ 22.750 vào cuối quý III xuống 22.525 vào cuối năm 2021.

Theo quan điểm của HSBC, bước sang năm 2022, tỷ giá USD/VND sẽ đảo chiều về mức 23.000 trong bối cảnh tài khoản vãng lai chuyển sang thâm hụt, FDI chảy vào chậm lại. VND có thể đứng trước áp lực đối diện với USD mạnh hơn trên thị trường quốc tế và đồng nhân dân tệ (CNY) suy yếu.

Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam phân tích, VND tăng nhẹ so với USD trong quý III/2021 từ mức 23.000/USD vào đầu tháng 7 lên 22.760/USD vào ngày 21/9, mức cao nhất kể từ giữa năm 2018. Diễn biến này khá phù hợp với những gì Việt Nam đã đạt được trong thỏa thuận với Bộ Tài chính Mỹ vào tháng 7 để không cố tình làm suy yếu VND nhằm tăng lợi thế xuất khẩu.

Điều hành chính sách tiền tệ cũng như dự trữ ngoại hối nhằm đảm bảo tỷ giá ổn định là một trong những điều kiện quan trọng với ổn định vĩ mô và nền kinh tế.

Thêm vào đó, sức mạnh vượt trội của VND cũng xuất hiện trong giai đoạn hầu hết các đồng tiền khác trong khu vực châu Á giảm giá so với USD dựa trên các kế hoạch sắp tới của Fed đã thúc đẩy sự phục hồi của USD. Quan trọng hơn, VND mạnh hơn đặt ra nhiều quan ngại với triển vọng kinh tế không chắc chắn và tăng trưởng chậm do sự bùng phát dịch Covid-19 gây ra.

“Chúng tôi nhận thấy mức tỷ giá 22.700 sẽ khó có khả năng được duy trì. Nhìn chung, chúng tôi đang có quan điểm tỷ giá USD/VND sẽ tăng nhẹ và trong cập nhật dự báo cho tỷ giá này là 22.900 trong quý IV/2021, 23.000 trong quý I/2022, 23.100 trong quý II/2022 và 23.200 trong quý III/2022”, UOB dự báo trong báo cáo nghiên cứu mới nhất.

Ông Đào Minh Tú cho rằng, tăng trưởng kinh tế có thể thấp, nhưng sự ổn định của tỷ giá sẽ giúp thị trường, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài, người nắm giữ USD yên tâm, giảm mạnh kỳ vọng hưởng chênh lệnh tỷ giá khi thay đổi.

“Giãn cách khiến công nhân có thể không đi làm được, kế hoạch sản xuất có thể bị ảnh hưởng, đó là khó khăn nhất thời, ngắn hạn, nhưng nếu tỷ giá bấp bênh sẽ khiến nhà đầu tư e ngại. Điều hành chính sách tiền tệ cũng như dự trữ ngoại hối nhằm đảm bảo tỷ giá ổn định là một trong những điều kiện vô cùng quan trọng với ổn định vĩ mô và nền kinh tế. Do đó, Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề này và với dự trữ ngoại hối trên 100 tỷ USD là một trong những nền tảng tạo cho thị trường ngoại hối ổn định”, ông Tú nói.

Về điều hành của Ngân hàng Nhà nước liên quan đến câu chuyện tỷ giá trong thời gian tới, ông Tú thừa nhận, tỷ giá sẽ chịu ảnh hưởng nhiều do Việt Nam là nền kinh tế mở. Nhưng với việc điều hành tỷ giá trên cơ sở tỷ giá trung tâm cho phép Ngân hàng Nhà nước chủ động theo tín hiệu của thị trường, vừa đảm bảo trạng thái ngoại tệ của nền kinh tế, các ngân hàng thương mại, cân đối lượng ngoại tệ vào - ra hài hòa, vừa tăng được dự trữ ngoại hối của nhà nước mà không làm ảnh hưởng đến VND.

“Thị trường ngoại tệ, tỷ giá tiếp tục diễn biến ổn định mà không cố định, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Đây là nghệ thuật điều hành của cơ quan quản lý”, ông Tú nhấn mạnh.

Hồng Dung

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục