Kiều hối tăng giúp ổn định tỷ giá hối đoái

0:00 / 0:00
0:00
Lượng kiều hối đổ về Việt Nam vẫn dồi dào và sẽ hỗ trợ tích cực trong việc ổn định tỷ giá.
Kiều hối tăng giúp ổn định tỷ giá hối đoái

Tỷ giá khó biến động

Các chuyên gia dự báo, tỷ giá sẽ không có nhiều biến động từ nay đến hết năm 2021. Trong báo cáo thị trường tiền tệ mới đưa ra, SSI Research đề cập các dữ liệu kinh tế tích cực củng cố đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ và gia tăng kỳ vọng rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể thu hẹp quy mô mua tài sản sớm hơn.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 8/2021 đã hạ nhiệt, khi chỉ tăng 5,3% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, doanh số bán lẻ tại Mỹ tăng 0,8% so với tháng trước, trái ngược hoàn toàn với dự báo giảm đưa ra trước đó. Điều này thúc đẩy USD và lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ tăng, trong khi giá vàng thế giới trong xu hướng điều chỉnh giảm.

Tại Việt Nam, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.158 VND/USD trong ngày 6/10. Còn giá USD tại một số ngân hàng thương mại duy trì đi ngang. Vietcombank mua vào ở mức 22.630 VND/USD và bán ra 22.860 VND/USD. Cán cân thương mại trong tháng 8/2021 nhập siêu hơn 100 triệu USD, nhưng tích cực hơn so với ước tính của Tổng cục thống kê (-1,3 tỷ USD). Điều này cho thấy, hoạt động sản xuất đã phần nào được phục hồi trong nửa cuối tháng 8 và tháng 9 vừa qua.

Chính phủ đang từng bước mở cửa lại nền kinh tế từ tháng 10, nên kỳ vọng cán cân thương mại sẽ được cải thiện vào giai đoạn cuối năm và đây cũng là thời điểm dòng kiều hối chảy mạnh về Việt Nam. Nguồn cung - cầu ngoại tệ trên thị trường sẽ tương đối cân bằng và giúp tỷ giá USD/VND duy trì trạng thái ổn định.

Theo phân tích của các chuyên gia Ngân hàng UOB, VND tăng nhẹ so với USD trong quý III/2021, từ mức 23.000 VND/USD vào đầu tháng 7/2021 lên 22.760 VND/USD vào thời điểm 21/9, mức cao nhất kể từ giữa năm 2018. Nhưng UOB cũng nhận thấy, mức hỗ trợ cao tại 22.700 VND/USD sẽ khó có khả năng tiếp tục được duy trì. Nhìn chung, UOB dự báo, tỷ giá USD/VND sẽ tăng nhẹ, ở mức 22.900 VND/USD trong quý IV/2021; 23.000 VND/USD trong quý I/2022; 23.100 VND/USD trong quý II/2022 và 23.200 VND/USD trong quý III/2022.

Kiều hối tăng

Theo báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam duy trì được vị thế tích cực với dự trữ ngoại hối tăng lên trong nửa đầu năm và lượng kiều hối của Việt Nam trong năm nay sẽ không suy giảm so với năm 2020.

Năm 2020, lượng kiều hối về Việt Nam đạt 17,2 tỷ USD, vượt dự đoán trước đó của WB là 15,7 tỷ USD.

Trong khi đó, thông thường, kiều hối ở các tháng cuối năm tăng mạnh hơn nửa đầu năm do người lao động có khoản tích lũy cả năm để gửi về quê nhà vào dịp Tết. Cùng với đó, khó khăn của nhiều địa phương trong làn sóng Covid-19 thứ tư còn kéo dài, nên người lao động ở xa sẽ có xu hướng gửi tiền hỗ trợ gia đình, người thân nhiều hơn.

Thực tế, bất chấp ảnh hưởng của Covid-19 đến nền kinh tế tại nhiều quốc gia trên thế giới, lượng kiều hối đổ về Việt Nam và TP.HCM nói riêng vẫn tăng mạnh trong 7 tháng đầu năm nay. Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, trong 7 tháng đầu năm nay, lượng kiều hối đổ về TP.HCM đạt 3,7 tỷ USD, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Minh dự báo, trong năm nay, lượng kiều hối về TP.HCM sẽ đạt khoảng 6,5 tỷ USD.

Đáng chú ý, mới đây, Bộ Tài chính Mỹ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đạt được thỏa thuận để giải quyết những quan ngại của Bộ Tài chính về thực tiễn tiền tệ của Việt Nam, tạo thuận lợi cho Việt Nam trong mục tiêu bảo đảm sự vận hành tốt của thị trường tiền tệ và ngoại hối, thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tiếp tục cải thiện tính linh hoạt của tỷ giá hối đoái. Lượng kiều hối tiếp tục dồi dào sẽ là yếu tố hỗ trợ hiệu quả cho Việt Nam trong điều chỉnh cán cân thanh toán hiệu quả.

Vì thế, tỷ giá thời gian tới được kỳ vọng đi ngang và biến động trong biên độ hẹp, khi nguồn cung USD duy trì ổn định nhờ dòng kiều hối, giải ngân vốn FDI đủ bù đắp cho các tháng thâm hụt cán cân thương mại.

Vân Linh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục