Qua 3 năm triển khai VN30, HOSE không ngừng xem xét, rà soát và tiến hành cải tiến để chỉ số VN30 ngày càng hoàn thiện hơn. Nếu như trong 2 năm đầu tiên, khi VN30 còn là chỉ số duy nhất bên cạnh VNIndex, việc sàng lọc được thực hiện theo trình tự về tư cách tham gia, giá trị vốn hóa, tỷ lệ freefloat và giá trị giao dịch để xác định được 30 cổ phiếu có giá trị vốn hóa và thanh khoản cao nhất toàn thị trường thì đến năm 2014, khi HOSE triển khai thêm các chỉ số mới như VNMidcap, VNSmallcap, VN100, VNAllshare để hoàn thiện cấu trúc bộ chỉ số theo quy mô vốn hóa, quy tắc chỉ số VN30 đã được HOSE tích hợp vào một quy tắc chung thống nhất các bước sàng lọc và áp dụng xuyên suốt cho tất cả các chỉ số trong bộ chỉ số HOSE-Index.
Để tham gia vào bộ chỉ số của HOSE, các cổ phiếu phải đáp ứng được 3 điều kiện sàng lọc chung về tư cách tham gia vào chỉ số, tỷ lệ free-float và thanh khoản. Các tiêu chí sàng lọc đã được cải tiến theo hướng chặt chẽ và nâng cao hơn, đặc biệt là điều kiện cổ phiếu tự do chuyển nhượng và thanh khoản. Cụ thể, tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng (free float) được nâng từ 5% lên 10%, gần hơn với chuẩn quốc tế, đồng thời bổ sung thêm bước sàng lọc thanh khoản thông qua tỷ suất quay vòng chứng khoán (turnover ratio) nhằm loại trừ được những cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhưng không đảm bảo thanh khoản tương ứng. Bộ quy tắc cũng loại các cổ phiếu bị cảnh báo do vi phạm công bố thông tin ra khỏi rổ chỉ số để nâng cao tính minh bạch và tuân thủ. Riêng với VN30, điều kiện này còn nghiêm ngặt hơn, khi tất cả cổ phiếu thuộc diện cảnh báo đều không được đưa vào.
Như vậy, sau 3 bước sàng lọc này, cổ phiếu thành phần của chỉ số VNAllshare đã được chọn. Rổ VNMidcap và VNSmallcap sẽ tiếp tục được sắp xếp dựa trên quy mô vốn hóa, riêng với rổ VN30, ngoài tiêu chí dẫn đầu về vốn hóa vẫn duy trì điều kiện về giá trị giao dịch. Trong điều kiện đặc thù của thị trường chứng khoán Việt Nam, khi yếu tố thanh khoản còn chưa đồng đều và ổn định, việc duy trì điều kiện thanh khoản cho VN30 là cần thiết. Đó cũng là lý do trong kỳ 1/2015, 2 mã cổ phiếu CTG, EIB đã bị loại khỏi rổ VN30, mặc dù có giá trị vốn hóa thuộc Top15 toàn thị trường. Khi thanh khoản thị trường được cải thiện, HOSE sẽ thực hiện điều chỉnh quy tắc chỉ số hướng đến thông lệ chung của quốc tế, khi đó, việc sắp xếp các cổ phiếu vào các rổ sẽ hoàn toàn dựa trên quy mô vốn hóa.
Tất cả các nỗ lực cải tiến trên đều nhằm mục đích đảm bảo đem lại niềm tự hào chính đáng cho các công ty xứng đáng được vinh danh trong bảng chỉ số VN30, đồng thời tiếp tục nâng cao tính chính xác và giá trị của nguồn thông tin mà HOSE đem đến cho thị trường thông qua chỉ số VN30. Tuy nhiên, một số ý kiến vẫn băn khoăn khi các mã cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn trên thị trường như GAS (niêm yết vào tháng 5/2012) với mức vốn hóa kỷ lục gần 80.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 19% toàn thị trường, tiếp đến là mã cổ phiếu BID của ngân hàng BIDV với mức vốn hóa thuộc Top 10 toàn thị trường đến nay vẫn nằm ngoài rổ VN30 do chưa thỏa mãn điều kiện về tỷ lệ free-float. Điều này đã khiến cho tỷ trọng về giá trị vốn hóa của VN30 so với toàn thị trường có sự giảm sút từ mức 80%, đến 60% và đến kỳ 1/2015 khoảng 54%. Với tỷ lệ nắm giữ trên 95% của cổ đông Nhà nước, tỷ lệ freefloat thực của GAS và BID chỉ còn khoảng trên dưới 4%, một con số quá thấp để được tham gia vào rổ chỉ số.
Mặc dù, HOSE cùng các thành viên Hội đồng Chỉ số đã dành nhiều thời gian tham khảo các thông lệ tại các thị trường khác đối với các cổ phiếu đặc biệt này, nhưng quyết định cuối cùng của Hội đồng vẫn là chấp nhận loại GAS và BID để các chỉ số của HOSE, đặc biệt là VN30 đảm bảo tuân thủ theo chuẩn mực quốc tế, đồng thời khuyến khích các công ty tăng tỷ lệ freefloat nếu muốn tham gia vào bộ chỉ số của HOSE, mà cụ thể là VN30. Thị trường vẫn mong chờ những bước đột phá của công tác cổ phần hóa để GAS, BID và sắp tới là Vietnam Airlines… sẽ là những công ty dẫn đầu đóng góp thực sự vào quy mô giá trị thị trường và sự tăng trưởng của VN30.