VN-Index vượt mốc 1.200 điểm, chọn nhóm nào để giải ngân?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index duy trì xu hướng tăng, nhưng việc chỉ số vượt qua ngưỡng 1.200 điểm khiến không ít nhà đầu tư phân vân giữa việc nắm giữ cổ phiếu hay thực hiện chốt lãi.
VN-Index vượt mốc 1.200 điểm, chọn nhóm nào để giải ngân?

Vượt qua vùng cản tâm lý

Giữa tuần qua, VN-Index hồi phục lên mức điểm cao hơn khi vượt qua ngưỡng 1.200 điểm. Tuy nhiên, như thường lệ, khi thị trường chạm vào ngưỡng kháng cự tâm lý sẽ có những rung lắc nhất định, nhất là khi tâm lý nhà đầu tư dần trở nên thận trọng nhằm bảo toàn thành quả.

Thực tế, phiên điều chỉnh ngày 27/7 ngoài áp lực từ vùng cản tâm lý 1.200 điểm còn do quyết định tăng lãi suất thêm 0,25%/năm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đưa chi phí đi vay tại Mỹ lên mức cao nhất trong 22 năm là 5,25 - 5,5%/năm.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, đây có thể là đợt tăng lãi suất cuối cùng, ít nhất là đến hết năm 2023, trước khi Fed tạm dừng để xem xét những đợt thắt chặt chính sách tiền tệ trước đó có tác động như thế nào đến các điều kiện kinh tế.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, chỉ số VN-Index vẫn đang trong xu hướng tăng trung hạn, hướng lên vùng 1.260 - 1.265 điểm, nhiều cổ phiếu đã có chuỗi tăng giá mạnh, rơi vào vùng quá mua, có thể dẫn tới các nhịp điều chỉnh. Lãi suất huy động giảm là động lực chính thúc đẩy thị trường chứng khoán trong giai đoạn hiện tại.

Bên cạnh đó, kinh tế có khả năng đã tạo đáy và lợi nhuận của các doanh nghiệp dự kiến sẽ hồi phục trong thời gian tới. Thị trường chứng khoán thường có xu hướng phản ánh trước sự hồi phục của nền kinh tế nên dòng tiền nhiều khả năng tiếp tục chuyển dịch sang kênh đầu tư chứng khoán khi kênh gửi tiết kiệm giảm sức hấp dẫn.

Đồng quan điểm, ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng bộ phận Phân tích thị trường, Công ty Chứng khoán BIDV dự báo, VN-Index có thể đạt 1.210 - 1.230 điểm trong tháng 8 và đà phục hồi có khả năng kéo dài đến cuối năm 2023, chỉ số tiến lên ngưỡng 1.300 điểm.

Dòng tiền vào thị trường vẫn đang ổn định và chưa xuất hiện tín hiệu đột biến, nên chưa đến thời điểm cần cảnh báo. Các yếu tố vĩ mô và doanh nghiệp có dấu hiệu cải thiện sẽ hỗ trợ thị trường trong ngắn hạn. Kết quả kinh doanh bán niên 2023 sẽ định hướng xu hướng tiếp theo của dòng tiền.

Đầu tư theo dòng tiền

Ông Nguyễn Anh Quân, một nhà đầu tư tại Hà Nội chia sẻ, tùy vào từng giai đoạn của thị trường mà nhà đầu tư có cách hành động phù hợp.

Ví dụ, với danh mục cổ phiếu HPG, DIG, DBC…, ở giai đoạn 4 tháng đầu năm 2023, nếu nhà đầu tư nhanh chóng “vào - ra” theo nhịp mua đỏ, bán xanh sẽ gia tăng được giá trị cho tài khoản, còn “nằm yên” thì giá gần như quay về mức cũ.

Nhưng trong 2 - 3 tháng qua, phần lớn những người bán ra rồi “vợt lại” hàng đều phải mua lại ở mức giá cao hơn. Theo đó, giá cổ phiếu trong nhịp tăng gần nhất đạt 10 - 25%, nhưng vì “vào - ra” liên tục nên tỷ lệ lợi nhuận chỉ còn 5 - 15%. Thậm chí, một số mã căn thời điểm mua bán không hợp lý dẫn đến lợi nhuận âm, trong khi giữ nguyên thì có thể không lãi nhiều, nhưng sẽ không lỗ.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam cho biết, thị trường sau khi đã có một nhịp tăng dài thì tâm lý nhà đầu tư thường thận trọng hơn và dễ dao động khi chỉ số xuất hiện các phiên rung lắc.

Ngoài ra, các nhóm ngành biến động liên tục và mỗi nhóm chỉ tạo các nhịp sóng ngắn trong vài phiên, sau đó luân phiên đến các nhóm khác. Các nhà đầu tư theo dõi bảng điện hàng ngày dễ bị cuốn theo thị trường và rơi vào vòng xoáy bán thấp, mua cao.

Do vậy, nhà đầu tư nên chọn một số ngành chủ lực và phân nhỏ danh mục từ 2 - 3 cổ phiếu trọng tâm của mỗi ngành. Khi một nhóm ngành có dấu hiệu suy yếu thì chọn cổ phiếu nhóm ngành khác thay thế.

Hiện tại, nhóm ngành đầu tư công, khu công nghiệp, bất động sản, xây dựng, chứng khoán, bán lẻ, ngân hàng vẫn đang thu hút dòng tiền mạnh mẽ, nhà đầu tư có thể tập trung vào các nhóm này, tùy thuộc vào từng đợt sóng của thị trường.

Ông Bùi Nguyên Khoa cho rằng, nhiều nhà đầu tư chờ VN-Index giảm mạnh mới giải ngân, song điều này rất khó xảy ra, vì bản chất dòng tiền trên thị trường trong giai đoạn hiện nay đang ở trạng thái tích cực, các nhóm cổ phiếu xoay vòng tăng giá, giữ nhịp cho chỉ số.

“Trong giai đoạn thị trường đi lên trong nghi ngờ, điều quan trọng là nhà đầu tư phải chọn lọc được nhóm ngành và cổ phiếu cụ thể để tìm điểm giải ngân hợp lý. Nếu tập trung quá nhiều vào câu chuyện chỉ số, nhà đầu tư sẽ bị cuốn vào vòng xoáy đầu cơ theo xu hướng thị trường”, ông Khoa nói và khuyến nghị, nhà đầu tư nên định giá lại cổ phiếu sau mùa công bố báo cáo tài chính quý II/2023 và cân nhắc chốt lời những mã đã tăng giá nhiều so với kết quả kinh doanh thực tế, đồng thời tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu có triển vọng tốt trong những quý tiếp theo.

Theo ông Khoa, mức định giá thị trường hiện nay không đắt khi thấp hơn trung bình 5 năm qua. Trong giai đoạn tiền rẻ đang quay trở lại thì những cổ phiếu bluechip, có thương hiệu và thanh khoản tốt sẽ hưởng lợi đầu tiên, ví dụ nhóm VN30, ngân hàng. Nhóm đầu tư công như đá, thép và một số doanh nghiệp thi công trúng các gói thầu cũng có thể tiếp tục thu hút dòng tiền.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Minh nêu quan điểm, ở giai đoạn các chỉ số chính đang rơi vào vùng quá mua và dòng tiền liên tục luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu, nhà đầu tư rất dễ rơi vào trạng thái bán mất hàng mỗi khi thị trường rung lắc mạnh. Nhà đầu tư nên ưu tiên chiến lược nắm giữ trong ngắn hạn và hạn chế lướt sóng liên tục để tránh rủi ro T+, bởi xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn là tăng.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục