Nhiều cổ phiếu về vùng thấp nhất nhiều năm
14,5 lần là mức P/E trượt 12 tháng của VN-Index ngày 3/2/2020, theo dữ liệu thống kê của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), giảm mạnh từ mức 16,2 lần khi thị trường chứng khoán kết thúc phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Canh Tý.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có 3 phiên giao dịch đầu Xuân tràn ngập màu đỏ (30-31/1 và 3/2), trước mối lo ngại ảnh hưởng của dịch cúm Corona tại Trung Quốc và có diễn biến lây lan sang nhiều nước.
Chỉ trong 3 phiên, vốn hóa trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã bay hơi 7,9 tỷ USD. Trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và UPCoM, con số này lần lượt là giảm 200 triệu USD và 1,4 tỷ USD.
Trong 3 phiên giao dịch này, thị giá một loạt cổ phiếu ghi nhận mức giảm trên 10% và về vùng giá thấp nhất hơn 1 năm.
Trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đầu ngành, HVN giảm 17,7%, VNM giảm 10,7%, GAS giảm 12,3%, VJC giảm 14,3%, SAB giảm 10,2%, PNJ giảm 9,3%, MWG giảm 8,7%.
Trong nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, không ít cổ phiếu liên tiếp giảm giá sàn như D2D, DPG, HVH, FIT…
Tâm lý nhà đầu tư lo ngại ảnh hưởng dịch bệnh được đánh giá là nguyên nhân chính, nhưng chưa đủ. Mức giảm giá mạnh nhiều khả năng đã kích hoạt lệnh bán giải chấp trên diện rộng, tạo nên áp lực mất cân đối cung - cầu.
Thêm vào đó, hoạt động cơ cấu của Quỹ E1VFVN30 với quy mô hơn 6.600 tỷ đồng sau khi HOSE công bố danh mục VN30 mới vào ngày 20/1 tạo áp lực không nhỏ lên thị trường.
Thị giá nhiều cổ phiếu giảm về vùng thấp nhất 1 năm, nhưng tính về các chỉ số định giá so sánh (như hệ số giá trên thu nhập - P/E), mức giảm còn lớn hơn.
Nguyên nhân là bởi giai đoạn cuối tháng 1/2019 là mùa cao điểm công bố kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2019, nhất là của những doanh nghiệp có cơ cấu tổ chức gồm nhiều công ty con, liên doanh, liên kết và phải hợp nhất báo cáo, không ít doanh nghiệp trong số này báo lãi tăng trưởng tích cực trong quý vừa qua.
Trong nhóm VN30, Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) và Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (MWG) công bố lãi sau thuế quý IV/2019 tăng lần lượt 45% và 24,2% so với cùng kỳ năm 2018; lũy kế cả năm 2019, lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt 24% và 33,2%.
Lãi tăng, nhưng giá cổ phiếu giảm, khiến mức định giá cả 2 cổ phiếu này thấp hơn rất nhiều so với 2 tuần trước đó.
Trong nhóm ngân hàng, trong khi Vietcombank báo lãi tăng 26,6% trong năm 2019, Techcombank báo lãi tăng 20%, thì VietinBank báo lãi tăng gần 80%, còn BIDV ghi nhận mức lãi tăng 15,8%.
Trong nhóm bất động sản, Vinhomes, Vincom Retail, Novaland báo lãi tăng trưởng, nhưng giá cổ phiếu lại giảm. Đây là tình trạng chung của hàng loạt cổ phiếu khác trên thị trường.
Cơ hội mua lớn dần
Một loạt báo cáo tác động của dịch cúm Corona với các ngành trên thị trường chứng khoán được các công ty chứng khoán đưa ra nhìn nhận, có ngành thiệt hại, nhưng có ngành hưởng lợi.
Các đánh giá dừng lại ở mức độ định tính, chưa có đánh giá nào lượng hóa tác động cụ thể đến từng ngành, từng doanh nghiệp.
SSI nhận định, trong khi các ngành bán lẻ, dệt may, thủy sản, bia, dầu khí, hàng không, dịch vụ sân bay, cảng biển, vận chuyển bị ảnh hưởng tiêu cực, thì nhóm dược phẩm, điện, nước, công nghệ thông tin sẽ có tác động tích cực.
Công ty này đánh giá trung lập tác động với nhóm phân bón, xi măng, thép, xây dựng, ngân hàng, bất động sản nhà ở và khu công nghiệp.
Trên thị trường, sau 3 phiên đầu năm Canh Tý giảm sâu, tâm lý nhà đầu tư đã bình tĩnh hơn. Trong đó, phiên giao dịch thứ ba (3/2), VN-Index đầu phiên mất 43,77 điểm, giảm xuống 892,84 điểm, ghi nhận lần đầu tiên “thủng” mốc 900 điểm kể từ tháng 1/2019.
Ngay lập tức, dòng tiền bắt đáy nhập cuộc tại nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn, giúp chỉ số hồi phục hơn 36 điểm đến cuối phiên và đóng cửa sát mức 930 điểm.
Trong phiên giao dịch tiếp theo (4/2), biên độ biến động được thu hẹp đáng kể, chỉ số đóng cửa tăng 0,95 điểm.
Độ rộng thị trường cân bằng hơn với 148 mã tăng, 187 mã giảm giá, so với tình trạng số mã giảm giá gấp nhiều lần số mã tăng những phiên trước.
Một loạt cổ phiếu ngân hàng tăng giá, CTG đóng cửa tại mức giá trần, BID tăng 1,68%, MBB tăng 3,93%, VPB tăng 3,76%, HDB tăng 2,04%…, lấy lại phần lớn những gì đã mất trong 3 phiên trước đó.
Những biến động giao dịch này cho thấy tín hiệu về việc thị trường bước đầu tìm được vùng cân bằng trong vùng 920 - 930 điểm, khi tâm lý nhà đầu tư bình tĩnh hơn, áp lực cung giảm bớt từ cả lực bán chốt lời và giải chấp.
Trong khi đó, lực cầu bắt đáy tăng lên khi nhà đầu tư đánh giá lại triển vọng của các doanh nghiệp và nhận ra cơ hội mua vào với những cổ phiếu được nhận định ít chịu ảnh hưởng, thậm chí hưởng lợi từ dịch bệnh.
Ví dụ, với cổ phiếu AAA của Công ty cổ phần Nhựa An Phát xanh, trong khi thị giá cổ phiếu giảm 14,3% sau 3 phiên giao dịch đầu năm thì Công ty công bố báo cáo tài chính với lợi nhuận sau thuế năm 2019 của công ty mẹ đạt 468,3 tỷ đồng, tăng 160% so với năm 2018.
Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) đạt 2.735 đồng. Lợi nhuận tăng mạnh trong khi thị giá cổ phiếu giảm, hệ số P/E của AAA giảm xuống dưới 4.
Với 92% doanh thu từ xuất khẩu, chủ yếu từ thị trường châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Úc…, AAA có thể hưởng lợi từ dịch bệnh tại Trung Quốc khi giá hạt nhựa là chi phí nguyên liệu chính có thể giảm theo giá dầu và hoạt động sản xuất của các đối thủ cạnh tranh từ Trung Quốc bị ảnh hưởng.
Ngay cả với những mã cổ phiếu bị đánh giá là chịu tác động tiêu cực trong ngắn hạn, cơ hội sinh lời vẫn hiện hữu khi thị trường phản ứng quá mức với tác động mà doanh nghiệp gánh chịu và kích hoạt lực mua bắt đáy.
Trong phiên giao dịch ngày 4/2, thị giá cổ phiếu ngành dịch vụ hàng không như VJC của Công ty cổ phần Hàng không Vietjet và SAS của Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không Tân Sơn Nhất tăng lần lượt 2,8% và 5,3% sau nhiều phiên giảm mạnh.
Thị trường có tín hiệu cân bằng hơn, nhưng trong bối cảnh nguyên nhân gây bất ổn cho thị trường chưa được kiểm soát, nhà đầu tư vẫn nên thận trọng, cần thêm thời gian theo dõi.
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, nhà đầu tư có thể giải ngân với tỷ trọng thấp ở một số nhóm ngân hàng, thép và một số cổ phiếu bluechips cơ bản tốt có giá giảm mạnh, nhưng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục chỉ nên ở mức 15 - 25%.
Các nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu với tỷ trọng lớn nên tận dụng các nhịp hồi phục của thị trường để giảm tỷ trọng, hạn chế các hoạt động mua đuổi giá cao khi thị trường hồi phục.
Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BSC) công bố thống kê diễn biến của thị trường chứng khoán toàn cầu qua các đợt dịch bệnh từ năm 1980 đến nay cho thấy, trung bình trong khoảng thời gian dịch bắt đầu bị kiềm chế, chứng khoán thế giới thường tăng trung bình 0,4% sau 1 tháng, 3,08% sau 3 tháng, 8,5% sau 6 tháng và nhận định “ngắn hạn là rủi ro, trung dài hạn lại là cơ hội”.
Với những nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt cao trong danh mục, đợt giảm mạnh của thị trường khi xuất hiện khủng hoảng tâm lý chính là cơ hội để mua các cổ phiếu tại vùng giá thấp.
Tuy vậy, thực tế cũng cho thấy, sau mỗi đợt khủng hoảng, không phải thị giá cổ phiếu nào cũng hồi phục.
Để thị giá hồi phục, điều kiện đi kèm là doanh nghiệp giải quyết được khó khăn và đạt hiệu quả hoạt động cao hơn.
Nội lực càng mạnh, giá trị càng lớn, điểm thị giá cân bằng và phục hồi càng đến sớm và mức tăng sau khủng hoảng càng mạnh mẽ.
Ở chiều ngược lại, khó khăn bất thường là thời gian nhiều doanh nghiệp bộc lộ những điểm yếu kém. Nếu không khắc phục được, hoạt động kinh doanh cũng như thị giá cổ phiếu khó có thể trở lại được vùng ban đầu.
Bởi vậy, thị trường rơi sâu là cơ hội để tìm kiếm lợi nhuận, nhưng yếu tố quyết định vẫn là việc lựa chọn cổ phiếu nào để rót vốn.