VN-Index tiến gần 1.280 điểm với thanh khoản thấp trong phiên chiều 4/7

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Động lực tăng của thị trường đang chậm lại do thanh khoản chưa cho tín hiệu ủng hộ, khi vẫn dừng lại ở mức thấp và thiếu vắng nhóm ngành dẫn dắt trên bảng điện tử.
VN-Index tiến gần 1.280 điểm với thanh khoản thấp trong phiên chiều 4/7

Thêm một phiên giao dịch ảm đạm của thị trường với thanh khoản gần như mất hút ngay từ sớm. Áp lực phân hóa gia tăng trên bảng điện tử, nhưng biên độ giá các cổ phiếu phần lớn chỉ ở mức thấp, khiến VN-Index giằng co, rung lắc nhẹ và đóng cửa ở gần mốc cản 1.280 điểm.

Chốt phiên, sàn HOSE có 179 mã tăng 207 mã giảm, VN-Index tăng 3,04 điểm (+0,24%), lên 1.279,89 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 523,4 triệu đơn vị, giá trị 14.010,9 tỷ đồng, giảm hơn 11% về khối lượng và 10% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 47,7 triệu đơn vị, giá trị 1.058 tỷ đồng.

Nhóm bluechip chia đôi ngả với phần lớn ít thay đổi, ngoài hai cổ phiếu PLX và FPT bất ngờ tăng vọt và đóng góp chính cho VN-Index.

Theo đó, PLX +4,9% lên 43.900 đồng, khớp hơn 6 triệu đơn vị và FPT +3,7% lên 135.800 đồng, khớp 8,1 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu tăng khác phần lớn không mã nào chạm đến 1%, với BID, VPB, VNM, MSN, TPB, VHM, nhích nhẹ 0,2% đến 0,9%. Trong đó, VPB tiếp tục là mã dẫn đầu thanh khoản toàn thị trường với hơn 26,2 triệu đơn vị khớp lệnh.

Ở chiều ngược lại, ngoài POW mất hơn 2% xuống 14.750 đồng, thì các mã giảm khác chỉ giảm không đáng kể. Trong khi đó, VJC, TCB, STB và GAS phiên này dừng chân ở tham chiếu.

Các mã vừa và nhỏ, ngoài CSV giữ vững sắc tím thì SAV, TNH, CIG cũng chạm giá trần khi đóng cửa. Cổ phiếu NTL tăng mạnh 6% lên 23.850 đồng, khớp 2,28 triệu đơn vị.

Một cổ phiếu năng lượng khác ngoài PLX tăng mạnh còn CNG +5% lên 34.550 đồng, khớp 0,6 triệu đơn vị.

Đáng kể khác chỉ còn HHS, SGT, VTP, LIX, TLH khi tăng 3-4%. Đáng kể khác là LPB, khi nối tiếp chuỗi tăng mạnh và thiết lập đỉnh mới, phiên này nhích thêm 3,8% lên 31.350 đồng, khớp 4,6 triệu đơn vị.

Một mã khác VND, khi phiên này khớp lệnh chỉ đứng sau VPB trên sàn với 17,8 triệu đơn vị, giá cổ phiếu dẫn đầu nhóm công ty chứng khoán dù chỉ +2,5% lên 16.600 đồng.

Trái lại, cổ phiếu TV2 vẫn nằm sàn -7% xuống 43.450 đồng, khớp 0,25 triệu đơn vị và dư bán sàn gần 3,9 triệu đơn vị.

Tương tự là QCG khi cũng bị bán mạnh và giảm sàn -6,7% xuống 12.600 đồng, khớp lệnh hơn 2,52 triệu đơn vị - mức cao nhất trong hơn một tháng qua.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index sau khi về gần tham chiếu cuối phiên sáng, đã rung lắc nhẹ quanh ngưỡng này và đóng cửa tăng nhẹ.

Chốt phiên, sàn HNX có 92 mã tăng và 69 mã giảm, HNX-Index tăng 0,45 điểm (+0,19%), lên 241,88 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 45 triệu đơn vị, giá trị 891,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 5,9 triệu đơn vị, giá trị 180,5 tỷ đồng.

Các cổ phiếu lớn ít thay đổi, với SHS, PVS, TNG, THD, NTP tăng điểm nhẹ, trong khi HUT, PVI, VCS cũng chỉ mất điểm nhẹ, còn CEO, MBS, VGS đứng tham chiếu. Trong đó, SHS vẫn hút thanh khoản nhất khi có hơn 8,4 triệu đơn vị khớp lệnh.

Cổ phiếu nổi bật hơn cả là CMS, khi tăng trần +9,6% lên 20.600 đồng, khớp 1,38 triệu đơn vị. Các mã TIG, NRC, TTH, DTD, LHC nhích hơn 2%.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index hạ nhiệt đôi chút khi đóng cửa so với mức cao nhất ngày đạt được vào cuối phiên sáng.

Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,36 điểm (+0,37%), lên 98,26 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 58,5 triệu đơn vị, giá trị 952,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 19,8 triệu đơn vị, giá trị 276 tỷ đồng, trong đó, chủ yếu là hơn 18,8 triệu cổ phiếu LSG, trị giá hơn 246,5 tỷ đồng.

Cổ phiếu TVN giữ vững mức giá trần +14,3% lên 10.400 đồng, khớp 2,82 triệu đơn vị. Một cổ phiếu thép khác là TIS cũng tăng hết biên độ lên 6.700 đồng, khớp 0,44 triệu đơn vị.

Cổ phiếu OIL cũng đã có lúc chạm giá trần, trước khi thu hẹp đôi chút đà tăng +12,7% lên 14.200 đồng khi đóng cửa, khớp 7,5 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng, với VN30F2407 tăng 1,6 điểm, tương đương +0,12% lên 1.308,6 điểm, khớp lệnh gần 170.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 59.800 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm đa số, với CHPG2332 phiên này thanh khoản cao nhất với 1,15 triệu đơn vị và giảm 3,3% xuống 880 đồng/cq.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục