Kỳ vọng sóng ngành

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm sẽ có những con sóng ngành, tập trung vào các nhóm ngành đi theo đà tăng trưởng kinh tế.
Các nhóm ngành như dầu khí, cảng biển, đầu tư công dễ có sóng trong giai đoạn cuối năm Các nhóm ngành như dầu khí, cảng biển, đầu tư công dễ có sóng trong giai đoạn cuối năm

Đó là nhận định của bà Trần Thị Lan Anh, Trưởng phòng Tư vấn, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam.

Sau giai đoạn được hưởng lợi từ lãi suất thấp, bà có dự báo gì về diễn biến thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2024?

Sau hơn nửa năm được hưởng lợi từ lãi suất giảm mạnh, thị trường chứng khoán đã có mức tăng giá tốt, VN-Index từ đầu năm 2024 đến nay tăng hơn 100 điểm, tương đương tăng 11%, có thời điểm tăng 15% (giữa tháng 6). Tôi cho rằng, Chính phủ đã rất nỗ lực và sáng suốt trong việc điều tiết nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất toàn cầu đang ở mức cao dẫn đến nền kinh tế gặp không ít khó khăn.

Trong nửa cuối năm, tình hình vĩ mô toàn cầu cũng như Việt Nam sẽ khó có biến chuyển lớn.

Bà Trần Thị Lan Anh, Trưởng phòng Tư vấn, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam

Bà Trần Thị Lan Anh, Trưởng phòng Tư vấn, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam

Về tình hình lạm phát thì sao?

Tôi đánh giá, lạm phát từ nay đến cuối năm khó có khả năng giảm mạnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới biến động khó lường và nhiều thách thức như hiện nay, việc giữ được lạm phát ở ngưỡng thấp hơn mức mục tiêu mà Quốc hội đã thông qua cho năm 2024 là 4 - 4,5% là một thành công lớn của Chính phủ.

Bà dự báo dòng tiền lớn sẽ chảy vào hay chảy ra khỏi thị trường chứng khoán?

Về dòng tiền, tôi cho rằng, với sự quan tâm sát sao của Chính phủ và quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán, dòng tiền sẽ không rời khỏi thị trường.

Tuy nhiên, chính sách vĩ mô của Chính phủ trong nửa cuối năm sẽ ưu tiên việc kiểm soát lạm phát và tỷ giá, trong bối cảnh lãi suất trên thế giới vẫn đang neo cao.

Nhiều nhà đầu tư đang quan tâm là thị trường liệu có sóng ngành?

Tôi nhận định, thị trường chứng khoán vẫn sẽ có những con sóng, nhưng không mạnh mẽ như nửa đầu năm nay, mà chỉ là những con sóng ngành.

Các nhóm ngành như dầu khí, cảng biển, đầu tư công sẽ dễ có sóng trong giai đoạn cuối năm.

Ngoài kỳ vọng sóng ở một số nhóm ngành, theo bà, đâu sẽ là động lực cho thị trường?

Nửa cuối năm 2024, chúng ta còn nguyên kỳ vọng là thị trường chứng khoán sẽ sớm được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi vào năm 2025. Bởi lẽ, khi mục tiêu nâng hạng được hiện thực hóa, thị trường có thể thu hút nhiều tỷ USD đổ vào đầu tư.

Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam hồi phục từ cuối quý II/2024 và đà hồi phục này đang tiếp diễn, mở ra cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm, nhất là các nhóm ngành “đi theo” sự hồi phục của nền kinh tế như dệt may, bán lẻ, cảng biển, vận tải biển, dầu khí, vận tải dầu khí.

Để hạn chế rủi ro, nhà đầu tư nên chú ý đến điều gì?

Thị trường chứng khoán luôn tồn tại yếu tố rủi ro đi kèm ngay cả khi thuận lợi, đến từ cả trong nước và quốc tế. Các rủi ro hiện nay có thể kể đến như biến động tỷ giá, căng thẳng địa chính trị. Vì thế, nhà đầu tư cần quản trị danh mục ở mức cao nhất, hạn chế dùng đòn bẩy tài chính, chỉ nắm giữ cổ phiếu của các doanh nghiệp đầu ngành, kết quả kinh doanh tăng trưởng nhiều năm qua, có câu chuyện để kỳ vọng ở tương lai…

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang được kỳ vọng sẽ sớm giảm lãi suất. Bà có nhìn nhận gì về việc này?

Mức 1.280 +/-20 điểm của chỉ số VN-Index tương đối hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Trong nửa cuối năm 2024, thị trường khó có sóng trên diện rộng, nhưng kỳ vọng sẽ có sóng ngành.

Gần đây, Fed thể hiện khả năng trong năm 2024 sẽ chỉ có một đợt giảm lãi suất, thay vì 3 - 4 đợt như dự báo hồi đầu năm.

Tôi cho rằng, nhiều người đã quá hào hứng với việc Fed sẽ giảm lãi suất. Khi Fed giảm lãi suất thì chưa chắc thị trường chứng khoán sẽ tăng điểm, vì bản chất của việc này là Fed nhìn thấy kinh tế Mỹ yếu đi, mà kinh tế có dấu hiệu suy yếu thì thị trường chứng khoán khó tăng điểm. Trong khi đó, thị trường Mỹ hiện tại đang tăng điểm với kỳ vọng lãi suất hạ trong tương lai. Vậy câu hỏi đặt ra là khi Fed hạ lãi suất, tức là kỳ vọng trở thành hiện thực, thì thị trường chứng khoán sẽ còn kỳ vọng gì nữa để tăng điểm?

Chúng ta đã được chứng kiến khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hạ lãi suất vào tuần đầu tháng 6/2024 thì ngay lập tức thị trường chứng khoán châu Âu đi xuống, đặc biệt là thị trường Đức. Do vậy, việc Fed giảm lãi suất như mong đợi chưa chắc sẽ mang đến sự tích cực cho thị trường chứng khoán Mỹ và rộng hơn là thị trường chứng khoán quốc tế.

Dù lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp cao, nhưng các số liệu mới nhất cho thấy, kinh tế Mỹ vẫn tích cực. Lạm phát chưa có dấu hiệu hạ nhiệt nhanh nên các quan chức Fed tiếp tục thận trọng khi đưa ra quyết định giảm lãi suất.

Với câu chuyện vĩ mô trong nước và quốc tế hiện tại, bà đánh giá điểm số của VN-Index đang cao hay thấp?

Fed được kỳ vọng sẽ hạ lãi suất sớm là trong tháng 7 này, muộn là tháng 9 tới, khi đó sẽ có tác động tích cực tới chính sách điều hành tiền tệ của Việt Nam.

Hiện tại, Việt Nam vừa phải đối phó với câu chuyện tỷ giá, giữ lãi suất huy động và cho vay ở mức thấp, trong khi Mỹ duy trì lãi suất ở mức 5,25 - 5,5%/năm. Vì có sự chênh lệch về lãi suất điều hành giữa hai thị trường và câu chuyện tỷ giá còn căng thẳng nên chúng ta thấy dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam rút ra liên tục. Chúng ta phải chấp nhận tình trạng chênh lệch lãi suất vì cần ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát. May mắn là dòng tiền nội trên thị trường chứng khoán tương đối “khỏe”, giúp VN-Index ổn định quanh ngưỡng 1.280 điểm. Tôi cho rằng, mức điểm số hiện tại +/-20 điểm tương đối hợp lý trong bối cảnh hiện nay.

Thành Nguyễn thực hiện

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục