VN-Index nỗ lực kết thúc nhịp điều chỉnh, dệt may phục hồi từ nền thấp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chỉ số VN-Index trong tuần đầu tháng 7/2024 (1 - 5/7) có diễn biến tích cực khi liên tiếp tăng điểm, với tổng mức tăng hơn 3%, đóng cửa tại 1.283,04 điểm. Tuy nhiên, thanh khoản lại sụt giảm, giá trị giao dịch bình quân xoay quanh mức 15.000 tỷ đồng/phiên, thấp hơn nhiều so với mức 20.000 tỷ đồng/phiên của tháng 6.
VN-Index nỗ lực kết thúc nhịp điều chỉnh, dệt may phục hồi từ nền thấp

Điều này cho thấy, tâm lý thị trường chung vẫn còn thận trọng trong bối cảnh khối ngoại tiếp tục bán ròng.

Điểm sáng của thị trường là sự luân chuyển của dòng tiền đến các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, có thể dẫn dắt đà tăng chung. Dòng tiền đang hướng đến nhóm ngân hàng, bán lẻ và lan tỏa sang nhóm xuất khẩu như dệt may, thủy sản.

Nhìn chung, bối cảnh vĩ mô trong và ngoài nước đang có sự cải thiện. Tỷ giá ổn định trở lại khi các dữ liệu kinh tế Mỹ ủng hộ Fed giảm lãi suất, dự kiến vào tháng 9 tới. Kinh tế trong nước đang đi qua những khó khăn, hoạt động sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng trở nên vững chãi hơn, qua đó tác động tích cực đến thị trường chứng khoán. Tâm lý thị trường được cải thiện và độ rộng của sắc xanh tăng dần qua từng phiên cho thấy, VN-Index đang nỗ lực kết thúc nhịp điều chỉnh kỹ thuật. Thời điểm hiện tại có thể nhận định, chỉ số sẽ dao động tích lũy trong vùng 1.250 - 1.290 điểm trước khi diễn biến trở nên tích cực hơn.

Với giai đoạn tích lũy hiện tại, chiến lược nắm giữ cổ phiếu đang có lợi nhuận để chờ chỉ số chung vượt ngưỡng cản được ưu tiên. Mặt khác, chúng tôi duy trì quan điểm, đây là thời cơ để cơ cấu danh mục, lựa chọn mã cổ phiếu tốt trong bối cảnh thị trường có sự phân hóa cao. Các nhóm ngành đáng quan tâm bao gồm bán lẻ, ngân hàng, chứng khoán, dệt may, cảng biển.

Dệt may phục hồi từ nền thấp

Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn khi kim ngạch xuất nhập khẩu luôn ở mức cao và có sự tăng trưởng mạnh qua nhiều năm. Trong cơ cấu thương mại của Việt Nam những năm qua, dệt may là một trong những ngành có tỷ trọng lớn. Năm ngoái, do sự suy giảm của kinh tế và sức mua toàn cầu mà ngành may mặc chịu nhiều ảnh hưởng, nhu cầu và số lượng đơn hàng sụt giảm, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.

Tuy nhiên, vài quý gần đây, ngành này đón nhận nhiều thông tin tích cực từ tình hình vĩ mô quốc tế, như lạm phát giảm ở một số nền kinh tế lớn, sức mua tăng giúp các doanh nghiệp bắt đầu có đơn hàng trở lại, thể hiện qua kết quả kinh doanh được cải thiện trong quý I/2024 và được kỳ vọng khởi sắc trong các quý tiếp theo.

Ngoài ra, với đặc thù xuất khẩu, thu ngoại tệ chiếm vai trò chủ đạo trong nguồn thu, việc tỷ giá USD/VND duy trì ở mức cao tạo ra kỳ vọng tích cực đối với lợi nhuận từ chênh lệch tỷ giá của các doanh nghiệp dệt may. Do đó, chúng tôi cho rằng, hai yếu tố bao gồm tỷ giá và phục hồi đơn hàng là động lực chính của ngành dệt may trong giai đoạn hiện tại. Nhà đầu tư có thể kỳ vọng kết quả kinh doanh ngành dệt may được xoay chuyển trong năm 2024.

Bài viết được cung cấp bởi Công ty Cổ phần Chứng Khoán KAFI

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục