Dòng tiền vào cổ phiếu dầu khí dịch chuyển

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Dòng tiền đầu tư vào nhóm cổ phiếu dầu khí đã vơi bớt ở nhóm thượng nguồn, dịch chuyển sang nhóm trung nguồn, phân phối nhờ những câu chuyện riêng.
 Giá dầu đã vượt xa điểm hòa vốn khai thác giúp hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trên toàn cầu sôi động trở lại Giá dầu đã vượt xa điểm hòa vốn khai thác giúp hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trên toàn cầu sôi động trở lại

Dòng tiền phân hóa

Tháng 5/2024, nhóm cổ phiếu thượng nguồn dầu khí được giao dịch sôi động nhờ hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí trên toàn cầu sục sôi trở lại sau thời gian dài trầm lắng. Hai cổ phiếu đầu ngành là PVS, PVD thể hiện “sức mạnh” vượt trội cả về giá và thanh khoản.

Sang tháng 6, câu chuyện kỳ vọng đã phản ánh vào giá cổ phiếu, dòng tiền vơi bớt ở nhóm thượng nguồn, nhưng ở nhóm trung nguồn và hạ nguồn như BSR, OIL, PLX hay GAS, dòng tiền vẫn còn nhộn nhịp nhờ một số câu chuyện riêng.

Trong chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Việt Nam từ ngày 19 - 20/6, hai nước đã tuyên bố hợp tác tại các dự án dầu khí hiện có và mới, gồm cung cấp, chế biến dầu thô, khí hóa lỏng cho Việt Nam. Cổ phiếu BSR của Công ty cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn nhanh chóng thu hút dòng tiền từ câu chuyện này, đẩy giá tăng nhiều phiên liên tiếp.

Ngay sau đó, Lọc hóa dầu Bình Sơn cùng với Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro) và Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil, mã chứng khoán OIL) ký kết hợp đồng nguyên tắc cung cấp dài hạn dầu thô Bạch Hổ cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất giai đoạn 2024 - 2027. Hiện tại, sản lượng dầu thô Bạch Hổ chiếm tỷ trọng lớn nhất đối với nguyên liệu đầu vào của Nhà máy.

Ngoài ra, Công ty ký không ít hợp đồng dài hạn mua dầu thô với các chủ dầu, đối tác trong nước, bao gồm các hợp đồng dài hạn giai đoạn 2021 - 2024 và 2024 - 2026 mua toàn bộ sản lượng dầu thô Bạch Hổ, mỏ Rồng, Đại Hùng và Tê Giác Trắng. Điều này giúp doanh nghiệp đảm bảo tính chủ động, tự chủ trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Trong khi đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã chứng khoán PLX) và PV Oil có cơ hội giành thêm thị phần nhờ việc cơ quan quản lý kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động của các nhà phân phối xăng dầu bị thu hồi giấy phép hoạt động kinh doanh, trong đó có Hải Hà Petro.

Ông Trần Ngọc Năm, thành viên Hội đồng quản trị Petrolimex cho rằng, trong hệ thống phân phối xăng dầu của Hải Hà Petro có những thương nhân nhượng quyền, phân phối, đại lý sẽ lựa chọn thương nhân đầu mối khác, bao gồm Petrolimex.

Trong khi đó, PV Oil còn được kỳ vọng từ mảng kinh doanh nhiên liệu máy bay. Doanh nghiệp dự kiến triển khai xây dựng hạ tầng kho chứa ở cạnh Sân bay Cam Ranh, trong đó có kho chứa để kinh doanh nhiên liệu máy bay vào cuối năm 2024.

Đặc biệt, PV Oil đặt mục tiêu sẽ xoá lỗ luỹ kế vào cuối năm nay, giúp cải thiện đáng kể “sức khỏe” tài chính. Ngoài ra, doanh nghiệp quyết tâm khắc phục các vấn đề tồn tại để sớm chuyển cổ phiếu OIL từ thị trường UPCoM sang niêm yết trên HOSE.

Với Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV Gas, mã chứng khoán GAS), kỳ vọng từ khoản cổ tức 60% bằng tiền mặt năm 2023 và câu chuyện tăng vốn trong năm nay đã giúp giao dịch cổ phiếu sôi động hơn. Riêng lợi suất cổ tức khoảng 7,8% cũng đã hấp dẫn khi so sánh với lãi suất ngân hàng. Về dài hạn, khí hóa lỏng (LNG) sẽ là động lực thúc đẩy doanh thu cho PV Gas, nhất là khi nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 dự kiến đi vào hoạt động ổn định trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thượng nguồn vẫn là tâm điểm trong dài hạn

Xét dài hạn, nhóm thượng nguồn dầu khí có triển vọng sáng hơn nhóm trung và hạ nguồn.

Kết quả kinh doanh quý II/2024 của nhóm dầu khí được dự báo tiếp tục tăng trưởng ở các doanh nghiệp thượng nguồn, trong khi doanh nghiệp trung và hạ nguồn nhiều khả năng đi ngang, thậm chí giảm.

Ở nhóm trung và hạ nguồn dầu khí, PV Gas cho biết, tính đến hết tháng 5/2024, doanh nghiệp ước đạt doanh thu hơn 51.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 5.100 tỷ đồng.

Riêng quý II/2024, Công ty Chứng khoán MB ước tính, lợi nhuận của PV Gas cao hơn quý I nhờ điện khí được huy động nhiều hơn trong mùa nắng nóng, nhưng tương đương cùng kỳ năm 2023 (xấp xỉ 3.200 tỷ đồng) vì sản lượng các mỏ khí đang khai thác suy giảm, dù được bù đắp bởi việc kinh doanh LNG.

Tại Lọc hoá dầu Bình Sơn, lợi nhuận quý II năm nay được dự báo giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái, do Nhà máy Lọc dầu Dung Quất bảo dưỡng lần 5, thời gian bảo dưỡng chủ yếu trong quý II, làm giảm sản lượng. Bên cạnh đó, mức chênh lệch giá các sản phẩm xăng dầu và dầu thô (crack spread) tham chiếu tại châu Á đang thấp hơn so với cùng kỳ, có thể ảnh hưởng tới biên lợi nhuận lọc dầu của Công ty.

Với Petrolimex, trong tháng 5/2024, giá bán xăng dầu giảm so với 2 tháng trước đó, do giá dầu giảm cùng với việc trở lại hoạt động của một số nhà máy lọc dầu ở châu Âu làm gia tăng nguồn cung. Diễn biến này có thể khiến doanh nghiệp chịu bất lợi về tồn kho giá cao khi quy định là phải duy trì hàng tồn kho cho 20 ngày, trong khi giá bán lẻ xăng dầu được điều chỉnh 7 ngày/lần.

Ở nhóm thượng nguồn, trong 5 tháng đầu năm 2024, Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC, mã chứng khoán PVS) mang về doanh thu hợp nhất 6.800 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất 573 tỷ đồng (trong đó quý I đạt 368 tỷ đồng), lần lượt tăng 10% và 50% so với cùng kỳ năm 2023, nhờ hoàn thành 3 móng của trang trại điện gió ngoài khơi cho Orsted.

Riêng quý II/2024, MBS ước tính, lợi nhuận của PTSC sẽ cao hơn khoảng 23% so với cùng kỳ năm ngoái (hơn 292 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế).

Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling, mã chứng khoán PVD) dự kiến ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan khi trong quý II/2024, giàn PV Drilling III đã khoan thành công giếng khoan Bunga - Aster 1, với phát hiện dầu khí tích cực. Ngoài ra, Công ty đã ký kết hợp đồng các dịch vụ đi kèm cho chương trình khoan và hoàn thiện các giếng phát triển mỏ Đại Hùng pha 3, Lô 05-1(a).

Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, lợi nhuận quý II năm nay của PV Drilling sẽ không có nhiều biến động so với quý I, tức dao động từ 150 - 160 tỷ đồng, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái thì mức lãi dự kiến gấp 3 lần.

PTSC và PV Drilling có câu chuyện tăng trưởng trong dài hạn là dự án Lô B - Ô Môn đang có nhiều tiến triển, dù chưa có quyết định đầu tư cuối cùng (FID). Theo các dự báo trước đó, FID sẽ có vào cuối quý II/2024, nhưng đến thời điểm hiện tại, Công ty Chứng khoán An Bình kỳ vọng, Lô B - Ô Môn sẽ có FID trong quý III/2024. Việc chính thức có FID được coi là điều kiện quan trọng để triển khai đồng bộ dự án trên toàn chuỗi, nhằm đảm bảo đưa dòng khí đầu tiên vào khai thác đúng như kế hoạch vào năm 2026. Các doanh nghiệp thượng nguồn sẽ là những đơn vị đầu tiên được hưởng lợi trong chuỗi giá trị siêu dự án.

Hiện tại, PTSC và công ty con là PTSC M&C đã tham gia 3 gói thầu đầu tiên của dự án Lô B - Ô Môn, với giá trị trúng thầu 1,2 tỷ USD. PTSC dự kiến cũng sẽ hưởng lợi ở giai đoạn sau khi dự án tiếp tục mở rộng phát triển. Còn PV Drilling dự kiến sẽ tham gia phần việc khoan các giếng khai thác cho dự án từ năm 2025, với khoảng 750 giếng khoan, một khối lượng công việc lớn cho doanh nghiệp.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục