Ông Nguyễn Tuấn Long, Giám đốc Tư vấn đầu tư cao cấp, CTCK Tiên Phong chi nhánh Hà Nội (TPS, mã chứng khoán ORS) đánh giá, phiên thứ Hai (ngày 24/1), do ảnh hưởng tâm lý thị trường Mỹ nên thị trường chứng khoán Việt Nam có phiên điều chỉnh khá sâu, song song với đó là test đáy ngắn hạn cùng với tâm lý nhà đầu tư bắt đáy hàng về không lãi nên tạo tâm lý bán.
Cả phiên giao dịch, cổ phiếu dòng Banks đỡ chỉ số cũng như tâm lý thị trường. Một điều rất tích cực lực bắt đáy giá rẻ rất tốt với tâm lý ôm hàng chờ qua Tết âm.
Còn theo quan điểm ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích CTCK Yuanta Việt Nam, tâm lý nhà đầu tư cho rằng đà giảm đã dừng trong tuần cộng thêm 2 phiên tăng điểm cuối tuần thì thị trường đã thấy đáy, và tâm lý mua để T+3, nhưng hiện việc “rũ margin” vẫn chưa xong. Khi CTCK đồng loạt force sell thì đó mới là đáy!
Đợt vừa qua, khi một số CTCK, một số “kho” force sell khiến hàng loạt cổ phiếu dư mua sàn hàng chục triệu đơn vị, không thoát được hàng, nên các phiên tăng trần của vài cổ phiếu bất động sản cuối tuần như DIG, CEO, LDG, CII, và FLC, ROS có lại lực mua….
Ông Minh cho rằng, chính nhờ phiên này rũ ra được lượng hàng vốn treo bán force sell sẵn của các kho, diễn biến phiên T1 (thứ Sáu tuần trước) vẫn tiếp tục được hấp thụ, giúp các kho, CTCK đưa được tỷ lệ vay về mức an toàn hơn, bản thân nhiều nhà đầu tư cũng nộp tiền vào. Tuy nhiên, những phiên hồi phục vừa qua với thanh khoản không cao, nên không thể khẳng định dòng tiền quay lại chắc chắn.
Và phiên hôm qua (thứ Hai ngày 24/1) có thể xem là cú giảm cực mạnh, theo góc nhìn của ông Minh, không đến từ các kho bán ra, mà là nhà đầu tư tự cắt lỗ - chiếm tỷ lệ cao. Do giảm mạnh nên phiên hôm nay (thứ Ba ngày 25/1) khả năng tiếp diễn force sell tiếp.
Như đã nói ở trên, dòng tiền chưa vào mạnh mẽ vì cận Tết, một phần vẫn còn hoang mang thị trường chỉnh tuần trước và còn có tác động từ thị trường thế giới khiến tâm lý cũng chưa sẵn sàng.
"Phiên hôm nay sẽ test lại đáy cũ tuần trước, gần 1.439 điểm, khả năng sẽ là cú rũ margin mạnh, VN-Index có thể nhún xuống sâu về mốc 1.400 hoặc thậm chí dưới mốc 1.400 điểm một chút. Đây là cú giảm sâu nhất, là cú rũ margin cuối cùng”, ông Minh nhận định.
Điểm tích cực là các phiên qua có sự phân hoá dòng tiền, tập trung nhóm bank, vốn hoá lớn, dù chưa đủ mạnh hẳn để kéo thị trường bật tăng nhưng đang là trụ đỡ thị trường tốt. Vì sao tiền chưa vào mạnh dù nhóm cổ phiếu bank có dấu hiệu phục hồi? Ông Minh lý giải, bởi vì dòng tiền bị kẹp ở các nhóm đầu cơ khác, tiền chưa được giải phóng toàn bộ thì chưa đủ mạnh để chảy vào.
Phiên thứ Hai (ngày 24/1) đã khiến nhiều nhà đầu tư nản, không còn trông chờ vào cú hồi hay là chờ sóng mới của dòng cổ phiếu đầu cơ, tâm lý muốn cắt lỗ và khi nhìn thấy sắc xanh ở dòng bank thì họ sẽ luân chuyển dòng tiền sang.
Ông Minh cho rằng, dòng bất động sản vẫn có cửa đi lên, nhưng tập trung ở cổ phiếu đầu ngành như họ cổ phiếu Vingroup, và các cổ phiếu đang bị định giá thấp và có nền tảng cơ bản tốt, còn cổ phiếu tăng nóng sẽ giảm mạnh và tìm điểm cân bằng.
Còn theo quan điểm của ông Long, phiên hôm nay (25/1) lực bán giá thấp sẽ ít hơn, nhà đầu tư nào cần cơ cấu tài chính mới bán giá thấp.
Phiên sáng vẫn là phiên giảm điểm của dòng bất động sản do tâm lý không tốt và có thể Index về 1.420 tạo tâm lý bi quan hơn. Phiên chiều sẽ là phiên bùng nổ hơn với thanh khoản vẫn khoảng 20-25.000 tỷ đồng/phiên.
Ông Long khuyến nghị, không bán bằng mọi giá mà tập trung cơ cấu mua mã tốt với giá đã điều chỉnh về mức hấp dẫn rồi. Và cổ phiếu bank vẫn đỡ chỉ số cũng như tâm lý nhà đầu tư phiên nay.