Nhiều tác động
Với nhiều thông tin đáng chú ý được công bố, thị trường đã trải qua nhiều biến động. Ngay từ đầu tuần, trước thông tin Ngân hàng Đông Á bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà Nước (NHNN), tin đồn về việc Ngân hàng Eximbank (EIB) rơi vào trường hợp tương tự đã tác động tiêu cực không chỉ đến riêng cổ phiếu EIB, mà cả các cổ phiếu ngành tài chính - ngân hàng nói chung. Trong phiên giao dịch 17/8, chỉ số VN-Index mất gần 16 điểm, về sát ngưỡng 570 điểm.
Mặc dù sau đó thị trường đã cho thấy những dấu hiệu hồi phục khi tin đồn về EIB được NHNN lên tiếng bác bỏ, giúp VN-Index đóng cửa phía trên đường trung bình động MA200 ngày (580 điểm), nhưng nỗ lực này ngay lập tức bị thử thách bởi câu chuyện tỷ giá - đề tài “nóng”, liên tục được nhắc đến trong thời gian gần đây.
Ngày 19/8, NHNN chính thức phát đi thông báo điều chỉnh tỷ giá VND/USD tăng thêm 1%, đồng thời nới rộng biên độ từ +/-2% lên +/-3%. Sự điều chỉnh này trên thực tế sẽ cho phép tỷ giá tăng tổng cộng 5% so với đầu năm.
Theo chúng tôi, việc điều chỉnh tỷ giá lần này là cần thiết trước áp lực Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ và ở một góc độ nào đó có lợi cho TTCK khi tạo động lực thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài mới vào thị trường.
Bên cạnh đó, cổ phiếu của những công ty xuất khẩu như dệt may, thủy sản... được hưởng lợi từ việc hạ giá đồng nội tệ. Tuy vậy, thị trường phản ứng tiêu cực trước sự điều chỉnh tỷ giá này, VN-Index một lần nữa quay đầu về ngưỡng 570 điểm trước khi có sự xuất hiện của Thông tư 123/2015/TT-BTC quy định chi tiết trình tự thủ tục, hồ sơ hướng dẫn để các công ty đại chúng nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại Nghị định 60/2015/NĐ-CP được công bố chiều 19/8.
Cổ phiếu các công ty chứng khoán và các doanh nghiệp đã kín room nước ngoài như HCM, SSI, VND, REE, GMD… được tiếp thêm động lực hồi phục, thậm chí tăng giá mạnh.
Tuy nhiên, hy vọng vừa được nhen nhóm đã sớm bị dập tắt khi giá dầu thô thế giới bất ngờ giảm mạnh trong đêm 19/8 (theo giờ Việt Nam) về sát ngưỡng 40 USD/thùng, khiến cổ phiếu nhóm dầu khí như GAS, PVD, PVS, PVC, PXS… hứng chịu lực bán mạnh, đặc biệt bên bán có sự tham gia tích cực của khối ngoại trong vài phiên trở lại đây.
Cổ phiếu GAS, PVD đóng cửa tại mức giá sàn trong phiên giao dịch 20/8 và với tỷ trọng lớn trong rổ chỉ số VN-Index, hai cổ phiếu này đã gây áp lực mạnh cho việc giảm điểm của thị trường. Kết quả, VN-Index đóng cửa dưới ngưỡng 570 điểm sau 3 phiên giằng co mạnh quanh đường hỗ trợ quan trọng MA200 ngày, qua đó phát ra một tín hiệu khá tiêu cực về mặt kỹ thuật.
VN-Index bước vào thị trường giá xuống
Giảm rất mạnh từ vùng đỉnh 641,06 điểm trong phiên ngày 15/7 xuống 566,69 điểm khi đóng cửa phiên giao dịch hôm qua (20/8), chỉ số VN-Index đã đánh mất 11,6% giá trị. Đồ thị chỉ số sau 3 phiên giằng co đã chính thức rơi xuống phía dưới ngưỡng hỗ trợ then chốt 580 điểm của đường trung bình động MA200 ngày.
Theo lý thuyết phân tích kỹ thuật, chỉ số sàn HOSE đã bước vào thị trường giá xuống. Xét trong xu hướng dài hạn, VN-Index đang dao động đi ngang với vùng kháng cự quanh 640 điểm và hỗ trợ quanh 520 điểm. Điều này có vẻ sẽ thử thách sự kiên nhẫn của các nhà đầu tư dài hạn đang nắm giữ cổ phiếu.
Trong ngắn hạn, đồ thị kỹ thuật của VN-Index và nhiều cổ phiếu khác đều cho tín hiệu quá bán, tuy vậy, khối lượng giao dịch thường gia tăng trong những phiên giảm điểm của thị trường, cho thấy bên bán vẫn đang chiếm ưu thế và rủi ro giảm điểm ngắn hạn vẫn tồn tại.
Chúng tôi thấy vùng 550 - 560 điểm có thể sẽ là vùng hỗ trợ ngắn hạn cho thị trường, giúp VN-Index phục hồi sau khi bị bán quá mức. Trong khi đó, kháng cự của chỉ số sẽ là vùng 575 - 580 điểm, tạo bởi đường MA200 ngày. Nhà đầu tư ngắn hạn có thể xây dựng chiến lược giao dịch dựa trên các ngưỡng hỗ trợ và kháng cự nói trên của chỉ số VN-Index.