Cổ phiếu cần quan tâm ngày 21/8

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 21/8 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 21/8

PET: Chuyển sang cổ phiếu giá trị

CTCK Rồng Việt (VDSC)

CTCP Dịch vụ Tổng hợp dầu khí (PET – sàn HOSE) có hoạt động kinh doanh ổn định và tỏ ra khá thận trọng trong các kế hoạch đầu tư cũng như mở rộng kinh doanh. Trong giai đoạn 2012-2014, lợi nhuận sau thuế được duy trì ổn định (mức tăng trưởng kép (CAGR) về lợi nhuận sau thuế khoảng 1%), với điểm mạnh tập trung vào mảng phân phối thiết bị điện tử, đặc biệt là sản phẩm điện thoại. Tuy nhiên, sự sụt giảm của khách hàng lớn nhất là Samsung đã khiến triển vọng tăng trưởng mảng kinh doanh phân phối điện thoại trong ngắn hạn tương đối kém lạc quan. Để giảm bớt sự phụ thuộc vào Samsung, Ban lãnh đạo DN cũng đã nỗ lực đa dạng hóa nhãn hàng bằng cách hợp tác với các hãng điện thoại mới.

Ngoài ra, nhờ mối quan hệ tốt với các công ty thành viên khác của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nên PET có cơ hội tham gia các dự án đầu tư trong chuỗi giá trị của Tập đoàn Dầu khí.Nổi bật như Dự án xây dựng khu nhà ở và dịch vụ đời sống tại khu lọc hóa dầu Nghi Sơn, dự kiến hoàn thành trong tháng 04/2016, sẽ mang lại nguồn lợi nhuận ổn định hàng năm hơn 12 tỷ đồng/năm cho PET kể từ năm 2016.

Doanh thu và lợi nhuận trước thuế của PET trong năm 2015 được dự phóng đạt khoảng 11.850 tỷ đồng và 329 tỷ đồng, tương đương với mức EPS khoảng 2.442 đồng. Theo đó, PET hiện đang giao dịch với mức PE forward là 6,6x, thấp hơn mức trung bình ngành (với giá trị PE trung bình tham chiếu đã chiết khấu tỷ lệ rủi ro quốc gia khoảng10,5x). Ngoài ra, nếu dự án bất động sản Thanh Đa được chuyển nhượng dự kiến giá trị mỗi cổ phiếu của PET sẽ tăng thêm giá trị khoảng 1.125 đồng.

Trên góc nhìn đầu tư, chúng tôi nhận thấy cổ phiếu PET đang chuyển dần từ đặc tính của cổ phiếu tăng trưởng sang cổ phiếu giá trị. Mặc dù, doanh thu không còn nhiều tiềm năng tăng trưởng hai chữ số nhưng lợi nhuận của PET được chúng tôi đánh giá sẽ duy trì ổn định. Đồngthời, DN cũng có lịch sử chi trả cổ tức ổn định và cao, với mức tỷ suất cổ tức (dividend yield) trung bình ba năm (2012-2014) khoảng 7%. Tháng 5 năm 2015, PET đã trả cổ tức năm 2014 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 19% và DN tạm ứng cổ tức năm 2015 bằng tiền với tỷ lệ 10% sau khi KQKD 6 tháng đầu năm được kiểm toán.

FPT: Khuyến nghị mua dài hạn

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

Trong bảy tháng đầu năm 2015, doanh thu hợp nhất của CTCP FPT (FPT – sàn HOSE) đạt mức tăng trương 26% so với cùng kỳ và hoàn thành 57% kế hoạch cả năm của Ban Điều hành (58% so với dự phóng cả năm của chúng tôi). Lợi nhuận trước thuế tăng 10% so với cùng kỳ và hoàn thành 54% so dự phóng cả năm của cả Ban Điều hành và VPBS. EPS trong 7T2015 đạt 2.498 đồng.

Giữ khuyến nghị MUA dài hạn: Chúng tôi giữ khuyến nghị MUA dài hạn đối với cổ phiếu FPT với mức giá mục tiêu 12 tháng là 55.500 đồng. Giá cổ phiếu FPT hôm nay giảm 0,4% và đóng cửa tại mức 45.500 đồng/cổ phiếu, đang giao dịch ở mức P/E trượt là 10,4 lần và P,B là 1,8 lần.

VHC: Khuyến nghị mua trong trung hạn

CTCK FPT (FPTS)

Trong 6 tháng đầu năm 2015, sản lượng bán của VHC tăng 40% yoy. Kim ngạch xuất khẩu đến 2 thị trường chính là Mỹ và Châu Âu đều tăng. Cụ thể, Mỹ: Kim ngạch xuất khẩu đạt 71.9 triệu USD, tăng 71.86% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 63% tổng kim ngạch xuất khẩu. Châu Âu: kim ngạch đạt 21.4 triệu USD, tăng 2.1% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu (giảm so với 25% trong 6 tháng đầu năm 2014). Trung Quốc: mặc dù chỉ chiếm tỷ trọng 2% nhưng cũng tăng trưởng khi công ty đang có ý định gia tăng tỷ trọng tại khu vực này (giá trị xuất khẩu đạt 2.67 triệu USD, tăng 107.8% so với cùng kỳ năm ngoái).

Biên lợi nhuận gộp: được cải thiện, tăng từ 11,6% trong 6 tháng đầu năm 2014 lên 13,06% nhờ vào việc giảm giá cá nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi.

Về sản phẩm Collagen và Galetin: trong năm 2015, công ty dự tính sẽ không thu được lợi nhuận từ mảng kinh doanh này nhưng dự kiến sản lượng bán sẽ gia tăng vào năm 2016. Hiện công ty cũng thực hiện nâng cấp nhà máy sản xuất gelatin và xin giấy phép chứng nhận từ Bộ Y Tế để bán sản phẩm này cho các công ty dược làm nguyên liệu đầu vào.

Nhà máy Vạn Đức Tiền Giang: với giá trị đầu tư ước tính 20 triệu USD và sẽ hoàn thành vào cuối năm 2015 có công suất là 120 tấn/ ngày.

Nhận định:

Chúng tôi dự báo kết quả kinh doanh 2015 của VHC sẽ vượt xa so với kế hoạch đặt ra thận trọng của công ty, với doanh thu ước thực hiện được khoảng 7.350 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt của công ty mẹ đạt khoảng 480 tỷ đồng, tương ứng EPS 2015 đạt 5.199 đồng. Với một doanh nghiệp đầu ngành và đang duy trì tăng trưởng ổn định, chúng tôi ước mức P/E hợp lý cho VHC trong năm 2015 là khoảng 9 lần, tương ứng giá mục tiêu của cổ phiếu VHC trong năm 2015 sẽ đạt khoảng 46.700 đồng. Khuyến nghị: MUA đầu tư trung hạn VHC trong năm 2015.

FCN: PE khá hấp dẫn, dự phóng 6,3x

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

CTCP Kỹ thuật nền móng và Công trình ngầm (FCN) ghi nhận KQKD quý II/2015 thấp hơn ước tính của chúng tôi. Công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm 9,2% xuống 25,6 tỷ đồng mặc dù doanh thu hợp nhất đạt 293,1 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính luỹ kế 6 tháng đầu năm 2015, FCN ghi nhận doanh thu hợp nhất 543,3 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi lợi nhuận ròng tăng thấp hơn ở mức 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 52,2 tỷ đồng. Tăng trưởng doanh thu trong 6 tháng đầu năm 2015 đến từ mảng xây dựng với doanh thu tăng trưởng 30,5% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 354,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu bán hàng (cung cấp cọc bê tông) lại giảm 12,8% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 154,2 tỷ đồng. Đáng lưu ý là biên lợi nhuận gộp của hoạt động bán hàng đã giảm khá nhiều trong 6 tháng đầu năm 2015, chỉ đạt 3,2% so với 12,2% trong cùng kỳ năm trước. Do đó, biên lợi nhuận gộp trong 6 tháng đầu năm 2015 đã giảm xuống 18,4% so với 21% trong cùng kỳ. Lợi nhuận gộp do đó chỉ tăng nhẹ 1,3%. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng tăng 16,9% so với cùng kỳ năm ngoái, kéo lợi nhuận từ hoạt động SXKD giảm 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ ghi nhận lãi 9,8 tỷ đồng từ công ty liên doanh liên kết, tăng 76,4% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận ròng tăng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chúng tôi giữ nguyên dự báo 2015 với doanh thu đạt 1.650 tỷ đồng, tăng 22% so với năm ngoái và lợi nhuận ròng đạt 157,8 tỷ đồng, tăng 21% so với năm ngoái. Dự báo của chúng tôi thấp hơn so với mục tiêu của công ty với doanh thu 1.800 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 168 tỷ đồng. Cổ phiếu FCN giao dịch với P/E trailing 4 quý gần nhất 6,8x và P/E dự phóng 6,3x, khá hấp dẫn so với các công ty cùng ngành.

HAH: PE kỳ vọng ở mức 8 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Doanh thu 6 tháng đầu năm 2015 tăng trưởng mạnh 54,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 246,8 tỷ đồng. Cả hai mảng kinh doanh chính của công ty đều tăng trưởng tốt. Doanh thu mảng cảng biển tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái chủ yếu nhờ sản lượng hàng thông qua cảng của khu vực Hải Phòng tăng trưởng khá tốt trong 6 tháng đầu năm 2015 (khoảng 13,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 34 triệu tấn). Mảng kinh doanh mới là vận tải nội địa tăng mạnh 252,4% so với cùng kỳ năm ngoái trong 6 tháng đầu năm 2015. Hiện HAH có 2 tàu chạy tuyến Hải Phòng-Hồ Chí Minh, 2 tàu này chỉ mới bắt đầu đi vào hoạt động lần lượt trong tháng 5 và tháng 10/2014.

Biên lợi nhuận gộp 6 tháng đầu năm 2015 thu hẹp do thay đổi cơ cấu doanh thu. Do doanh thu từ mảng vận tải tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2015, tỷ lệ đóng góp doanh thu của mảng này đã tăng từ mức 15% của 6 tháng đầu năm 2014 lên 33% trong 6 tháng đầu năm 2015. Nhìn chung, biên lợi nhuận gộp của từng mảng hoạt động đều cải thiện khá tốt trong 6 tháng đầu năm 2015. Tuy nhiên, do cơ cấu doanh thu thay đổi theo hướng gia tăng tỷ trọng của mảng vận tải với biên lợi nhuận gộp khoảng 16%, thấp hơn mức 50% của mảng cảng biển, nên biên lợi nhuận gộp chung của cả công ty đã thu hẹp từ 40% của 6 tháng đầu năm 2014, xuống còn 38% trong 6 tháng đầu năm 2015. Theo đó, lãi gộp 6 tháng đầu năm 2015 của HAH chỉ còn tăng khoảng 47,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 94,1 tỷ đồng.

Tỷ lệ chi phí quản lý doanh nghiệp/doanh thu tăng từ 6,1% trong 6 tháng đầu năm 2014 lên 6,7% trong 6 tháng đầu năm 2015, chủ yếu do chi phí nhân viên tăng. Công ty không có chi phí bán hàng. Ngoài ra, trong kỳ, HAH còn có khoản lỗ từ thanh lý tài sản hơn 3,5 tỷ đồng. Thu nhập từ liên doanh liên kết trong 6 tháng đầu năm 2015 cũng chỉ đạt 1,2 tỷ đồng, so với mức 6 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Do vậy, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2015 chỉ còn 71,3 tỷ đồng, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kế hoạch lợi nhuận sau thuế có vẻ khả thi hơn. Năm 2015, HAH đặt kế hoạch 600 tỷ đồng doanh thu (+39,3% so với năm ngoái) và 123,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (-6% so với năm ngoái). Với kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2015, HAH đã hoàn thành được 41,1% và 57,6% kế hoạch doanh thu và lãi ròng 2015.

So với mức giá 46.000 đồng/cp của ngày giao dịch đầu tiên (11/03/2015), HAH đã giảm khoảng 17%. HAH hiện đang giao dịch ở mức PE kỳ vọng khoảng 8 lần, so với mức 10 lần của bình quân ngành. Các chỉ số về hiệu quả hoạt động khác như ROA, ROE, biên lợi nhuận ròng của HAH tốt hơn bình quân ngành. Tuy nhiên, do nhu cầu đầu tư cảng và 2 tàu mới trong thời gian qua, tỷ lệ nợ/VCSH hiện tại của HAH (33%) là tương đối cao hơn so với mức 24% bình quân ngành. HAH dự kiến trả cổ tức tiền mặt khoảng 3.000 đồng/cp cho năm 2015, tương đương với mức tỷ suất cổ tức khá cao là 7,9%.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục