VMG Media: Bài toán sau 400 tỷ đồng trả cổ tức

(ĐTCK) CTCP Truyền thông VMG (VMG Media) vừa bất ngờ công bố sẽ trả cổ tức ở mức 195% cho năm 2016. Để trả cổ tức ở mức 195%, VMG cần có Quỹ lợi nhuận chưa phân phối vào khoảng 400 tỷ đồng. Vậy khoản tiền khổng lồ này VMG Media lấy từ đâu?
VMG Media: Bài toán sau 400 tỷ đồng trả cổ tức

Kết thúc quý I/2017, tổng tài sản của CTCP Truyền thông VMG (VMG Media) là 1.094,2 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 695,7 tỷ đồng, trong đó có 140,6 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối.

Công ty chưa công bố kết quả quý II/2017, nhưng điểm bất ngờ là VMG Media công bố sẽ trả cổ tức ở mức 195% cho năm 2016. Để trả cổ tức ở mức 195%, VMG cần có Quỹ lợi nhuận chưa phân phối vào khoảng 400 tỷ đồng.

400 tỷ đồng trả cổ tức ở đâu?

Hoạt động trong ngành công nghệ nội dung số, VMG Media hiện cung cấp các sản phẩm như dịch vụ SMS cho điện thoại di dộng, game online, truyền hình trực tuyến, nhạc số, quảng cáo…

Về cơ bản, nguồn thu VMG Media đến  từ các dịch vụ giá trị gia tăng trên điện thoại, nhạc bản quyền và thanh toán điện tử.

Các hoạt động kinh doanh VMG Media được phân bổ một phần tại các công ty con và liên kết. Tính đến cuối quý I/2017, VMG Media có 3 công ty con được hợp nhất trên báo cáo tài chính là CTCP Thanh toán điện tử VNPT (VNPT Epay), CTCP Công nghệ OCG và CTCP Công nghệ và dịch vụ Imedia; 2 công ty liên kết là Truyền thông VNNPlus và Thương mại điện tử Lingo.

Theo thông tin từ Công ty, quý II/2017, VMG Media đã bán toàn bộ 62,25% cổ phần tại VNPT Epay, nhưng giá trị thương vụ chưa được công bố.

Khoản lợi nhuận từ hoạt động giao dịch này phải lớn hơn 260 tỷ đồng mới đủ sức giúp Quỹ lợi nhuận chưa phân phối của Công ty chạm ngưỡng 400 tỷ để đủ chia cho cổ đông mức cổ tức 195%.

Gặp khó với mảng kinh doanh chính

Theo kết quả quý I được công bố, Công ty mẹ lỗ ròng gần 1,4 tỷ đồng, trong khi đó lợi nhuận hợp nhất giảm 10 tỷ đồng so với cùng kỳ (đạt hơn 6 tỷ đồng).

Chưa hết, trong 6 tháng cuối năm khi không còn VNPT Epay (nếu bán xong), VMG Media sẽ trống mảng thu từ hoạt động này, trong khi đây là mảng mang lại đa số doanh thu cho Công ty.

Một diễn biến khác đáng quan tâm tại VMG Media là tháng 12/2016, đối tác sở hữu đầu số 997 là Báo VietNamnet đã đơn phương chấm dứt hợp đồng trước hạn (thời hạn đến năm 2023) với Công ty này. Hiện tại, hai bên đang trong quá trình tiếp tục đàm phán, song thiệt hại của VMG Media đã thấy rõ khi hiệu quả kinh doanh suy giảm trong quý I/2017.

Năm 2017, VMG Media  đặt kế hoạch kinh doanh (Công ty mẹ) theo 2 phương án. Thứ nhất, phấn đấu doanh thu đạt 2.830,8 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 423,8 tỷ đồng (gấp 6 lần năm 2016) trong trường hợp không đàm phán thành công với Báo VietNamnet trong việc tiếp tục hợp tác kinh doanh đầu số 997.

Nếu không đàm phán thành công, VMG Media dự kiến tăng đầu tư cho các dịch vụ mới, nhưng nhiều khả năng doanh thu chưa thể bù đắp được chi phí đầu tư, do đó dự kiến chịu lỗ 5,2 tỷ đồng từ hoạt động này.

Ở trường hợp lạc quan hơn là đàm phán thành công và tiếp tục sử dụng đầu số 997, với tỷ lệ phân chia doanh thu VMG Media là 60% và VietNamnet là 40%, Công ty  đặt mục tiêu đạt doanh thu 2.874,9 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 468 tỷ đồng.

Nhìn vào kế hoạch kinh doanh của VMG Media có thể thấy, các con số doanh thu và lợi nhuận trông chờ đến từ hoạt động tài chính, cụ thể là thương vụ chuyển nhượng cổ phần VNPT Epay. Chủ trương bán VNPT Epay đã được thông qua từ năm 2016. Tháng 11/2016, HĐQT Công ty đã phê chuẩn hợp đồng mua bán cổ phần của VNPT Epay giữa VMG và đối tác UTC Investment (quỹ đầu tư của Hàn Quốc).

So sánh với một doanh nghiệp cùng mảng “nội dung số, ứng dụng và giải pháp cho mobile”, doanh thu của VMG Media thuộc top đầu, tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận không quá ấn tượng. Chẳng hạn, so với CTCP VNG - đơn vị đang gây chú ý với ý định niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ, năm 2016, doanh thu VMG Media vượt trội (7.306,2 tỷ đồng so với 3.023 tỷ đồng) nhưng lợi nhuận chỉ đạt 91,3 tỷ đồng, không thể so sánh với VNG khi đạt  676 tỷ đồng lợi nhuận.

Năm 2016, VMG gặp phải biến cố lớn khi lỗ 30 tỷ đồng khoản đầu tư vào sàn thương mại điện tử Lingo sau khi công ty này buộc phải giải thể vì kinh doanh không hiệu quả (hiện quá trình giải thể chưa hoàn tất). Dù vậy, VMG Media vẫn có kết quả hợp nhất tăng trưởng so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng tốt của công ty con là VNPT Epay.

VNPT Epay là đơn vị đóng góp lớn vào việc doanh thu VMG Media năm 2016 tăng trưởng 70%, còn mảng hoạt động mang lại lợi nhuận cao nhất của VMG Media là kinh doanh dịch vụ từ đầu số 997 (hơn 78 tỷ đồng doanh thu và 42 tỷ đồng lợi nhuận gộp trong năm 2016). Sau khi bán VNPT Epay để trả cổ tức khủng, với giả thiết không đàm phán thành công trong việc kinh doanh đầu số 997, vậy VMG Media sẽ còn gì cho câu chuyện kinh doanh 2017 và xa hơn?

Trên sàn, cổ phiếu ABC của Công ty đang giao dịch quanh mức 47.000 đồng/CP, nhà đầu tư dường như chưa có niềm tin và sự háo hức chờ đón dòng cổ tức khủng…  

Anh Quốc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục