Theo quyết định của ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, Vissan đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 4.100 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 182 tỷ đồng, lần lượt tăng 6% và 5% so với thực hiện năm 2022. Tuy nhiên, theo kế hoạch mới, Công ty điều chỉnh giảm 16% chỉ tiêu tổng doanh thu, xuống còn 3.430 tỷ đồng và giảm 24% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế, xuống còn 138 tỷ đồng.
Trong 10 tháng đầu năm 2023, Vissan ghi nhận tổng doanh thu đạt gần 2.827 tỷ đồng, giảm gần 10% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế đạt xấp xỉ 120 tỷ đồng, giảm 18%. So với kế hoạch mới, Vissan đã hoàn thành lần lượt 82% và 87% kế hoạch năm.
Vissan cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2023, hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty chịu nhiều tác động bất lợi của nhiều yếu tố khách quan ngoài dự báo. Trong đó, kinh tế vĩ mô không phục hồi sau đại dịch như dự báo và tiếp tục gặp nhiều khó khăn dưới tác động tiêu cực từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, lạm phát, lãi suất, tỷ giá duy trì ở mức cao,…
Bên cạnh đó, với làn sóng cắt giảm lao động diễn ra mạnh mẽ, tỷ lệ thất nghiệp tăng từ cuối năm 2022 khiến thu nhập người lao động bị ảnh hưởng, người dân phải thắt chặt chi tiêu. Những khó khăn này nằm ngoài dự báo và lập kế hoạch của các doanh nghiệp nên Công ty gần như không thể hoàn thành kế hoạch năm 2023 đã được ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 thông qua và điều chỉnh kế hoạch mới.
Trong khi đó, theo ghi nhận trên thị trường, tình hình giá thịt lợn hơi dù vào mùa tiêu thụ cuối năm 2023 - đầu năm 2024 cũng không tăng như kỳ vọng, chỉ dao động từ 48.000 – 52.000 đồng/kg. Nguyên nhân chủ yếu do sức tiêu thụ của thị trường yếu, nguồn cung trong nước tăng. Cùng với diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, tình trạng bán tháo đàn xảy ra và khiến giá thịt giảm so với dự báo.