Đúng như dự đoán của thị trường, trong cuộc IPO sáng ngày 7/3 của CTCP Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), những NĐT có liên quan đến 2 công ty đăng ký trở thành nhà đầu tư chiến lược là Tập đoàn CJ Cheil Jedang (Hàn Quốc) và Masan Group đã bỏ mức giá khủng để sở hữu toàn bộ 11,3 triệu cổ phiếu Vissan.
Tuy nhiên, kịch tính hậu IPO sẽ còn tiếp diễn bởi không bên nào trúng đấu giá toàn bộ số cổ phiếu này.
Theo kết quả IPO, có 5 NĐT cá nhân và 1 NĐT tổ chức đã bỏ mức giá khủng để loại 137 NĐT tổ chức và cá nhân còn lại, trúng toàn bộ 11,3 triệu cổ phần Vissan.
Theo thông tin của ĐTCK, NĐT tổ chức duy nhất trúng đấu giá cổ phiếu Vissan hôm 7/3 là Công ty TNHH CJ Vina Agri chuyên sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi gia súc thuộc Tập đoàn CJ Cheil Jedang. Khối lượng cổ phiếu trúng đấu giá là 3,3 triệu cổ phần và cũng chính tổ chức này bỏ mức giá cao nhất là 102.000 đồng/CP.
Tuy nhiên, 5 NĐT cá nhân trúng đấu giá dường như về cùng một phe với NĐT nội. Cả 5 NĐT này đều có lệnh trúng đấu giá giống nhau về khối lượng là hơn 1,6 triệu cổ phần/người, tổng số cổ phiếu nhóm 5 NĐT cá nhân này trúng đấu giá là khoảng 8 triệu cổ phần. Mức giá trúng của nhóm NĐT cá nhân dao động từ thấp nhất 67.000 đồng/CP cho đến khoảng hơn 75.000 đồng/CP.
Như vậy, nếu NĐT nội bày binh bố trận, trải lệnh ở mức giá khác nhau, các lệnh khác nhau và đưa ra mức giá cao hợp lý để trúng cho được phần lớn khối lượng cổ phần IPO thì sẽ tạo ra “trở ngại” đáng kể cho nhà đầu tư ngoại CJ Vina Agri khi muốn thâu tóm Vissan, bất chấp việc CJ đã đưa ra mức giá khủng 102.000 đồng/CP. Trước đó, Tập đoàn CJ trong các cuộc tiếp xúc với Vissan luôn bày tỏ mong muốn trở thành NĐT chiến lược. Mặc dù chỉ trúng 3,3 triệu cổ phần nhưng CJ cũng đã đặt dấu chân đầu tiên vào Vissan, là rào cản không nhỏ cho nhà đầu tư nội như Masan khi muốn thâu tóm Vissan.
Nếu như giả định nhóm 5 NĐT nội trúng IPO có liên quan đến Masan là chính xác thì tập đoàn này đang chiếm lợi thế hơn trong cuộc cạnh tranh “một mất một còn” để tiến tới chi phối Vissan.
Nếu lấy kết quả IPO để tham khảo, có thể thấy để có thể giành chiến thắng trong cuộc đấu giá và trở thành nhà đầu tư chiến lược của Vissan, CJ và Masan (thông qua công ty con là Anco và Proconco) sẽ phải cạnh tranh về giá, mà mức giá sẽ không hề thấp.
CJ liệu có bỏ giá khủng 102.000 đồng/CP cho toàn bộ số cổ phần đăng ký mua, đúng bằng số hơn 11,3 triệu cổ phần chào bán cho nhà đầu tư chiến lược của Vissan? Và trong trường hợp Masan đã có gần 10% cổ phần Vissan sau IPO có tiếp tục hết mình để chiến thắng NĐT ngoại thuộc dạng “bạo vì tiền” như CJ hay không?
Trường hợp khác, lượng cổ phiếu chào bán cho NĐT chiến lược tiếp tục bị chia sẻ cho cả hai bên thì Vissan sẽ có cả 2 NĐT chiến lược. Khả năng hợp tác của 2 NĐT này như thế nào khi họ là đối thủ của nhau trên thị trường thức ăn chăn nuôi và kể cả mảng bán lẻ, phân phối thực phẩm tươi sống? Hậu IPO của Vissan dự kiến sẽ còn nhiều kịch tính khi NĐT chiến lược sẽ đấu giá mua cổ phần vào ngày 24/3 tới đây.
Trong khi đó, lãnh đạo Vissan tỏ ra rất vui mừng trước kết quả thành công IPO.
Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan chia sẻ, Vissan còn nhiều giá trị tiềm ẩn; hệ thống 130 điểm phân phối trên cả nước mới chỉ phản ánh một phần vào giá trị doanh nghiệp. Tháng 4 tới đây, Vissan sẽ công bố 100% sản phẩm đạt tiêu chuẩn Vietgap và quan trọng nhất là thương hiệu Vissan trên thị trường được người tiêu dùng yêu thích và tin tưởng.
“Với mô hình hiện tại, bộ máy, cơ chế quản lý của Vissan không theo kịp với yêu cầu phát triển. Sau cổ phần hóa, tôi tin rằng, với cơ chế hoạt động mới, có sự đóng góp của cổ đông, Vissan sẽ có một sức bật mới”, ông Mười nhấn mạnh.
Dự kiến, ngày ĐHCĐ đầu tiên thành lập CTCP của Vissan sẽ diễn ra vào 29/4 và đầu tháng 6 hoàn thành thủ tục đăng ký đi vào hoạt động.