VIS Rating: 113.000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn trong 3 quý cuối năm 2023 có nguy cơ thanh toán không đúng hạn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo cáo Góc nhìn Thị trường Trái phiếu Doanh nghiệp (Việt Nam) do VIS Rating công bố ngày 6/4/2023 cho biết, khoảng 113 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong quý II tới quý IV/2023 có nguy cơ mất khả năng thanh toán.
VIS Rating: 113.000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn trong 3 quý cuối năm 2023 có nguy cơ thanh toán không đúng hạn

Theo VIS Rating, tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp không đáp ứng được các nghĩa vụ thanh toán đã tăng lên 10% vào cuối tháng 3/2023, chủ yếu do các công ty bất động sản không niêm yết có tỷ lệ vay nợ cao, dòng tiền hạn chế và không đủ nguồn tiền mặt để thanh toán cho các nghĩa vụ.

Nhiều tổ chức phát hành đã không đáp ứng được nghĩa vụ do sự không phù hợp về thời gian giữa dòng tiền và nghĩa vụ thanh toán của các trái phiếu, đồng thời gặp khó khăn trong việc tái cấp vốn khi tâm lý trên thị trường trái phiếu xấu đi vào cuối năm 2022.

“Chúng tôi cho rằng, những thách thức về thanh khoản mà các tổ chức phát hành trái phiếu phải đối mặt sẽ tiếp tục gia tăng khi trái phiếu đáo hạn đạt đỉnh trong các tháng còn lại của năm 2023. Nghị định 08 sẽ hỗ trợ thị trường thông qua việc cho phép các phương thức thanh toán nghĩa vụ nợ khác ngoài sử dụng tiền. Đàm phán chủ động và hiệu quả giữa tổ chức phát hành và nhà đầu tư sẽ là chìa khóa để tránh việc mất khả năng thanh toán đối với các nghĩa vụ liên quan trái phiếu”, VIS Rating cho biết.

Đáng chú ý, ước tính khoảng 113 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong quý II đến quý IV/2023 có nguy cơ mất khả năng thanh toán. Các công ty liên quan đến bất động sản với dòng tiền và nguồn tiền mặt yếu sẽ gặp rủi ro cao nhất.

Với điều kiện thị trường không thuận lợi – tâm lý người mua nhà yếu, tâm lý e ngại rủi ro của các ngân hàng, các công ty này sẽ gặp khó khăn trong việc huy động vốn mới để trả nợ trái phiếu đáo hạn khi không có dòng tiền. Nhiều tập đoàn quy mô lớn có lượng trái phiếu đáo hạn lớn vào năm 2023, do đó khả năng hỗ trợ trả nợ trái phiếu từ tập đoàn cho các công ty liên quan bị hạn chế.

Nghị định 08 được chính phủ ban hành trong tháng 3/2023 sẽ hỗ trợ các tổ chức phát hành trái phiếu giải quyết các vấn đề về trả nợ. Một số tổ chức phát hành không đáp ứng được các nghĩa vụ thanh toán trái phiếu đã nhận được sự chấp thuận từ các trái chủ để hoãn việc trả nợ hoặc nhận thanh toán bằng các tài sản khác.

Tuy nhiên, việc đàm phán sẽ là một thách thức, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư để đánh giá giá trị hợp lý của tài sản được sử dụng thanh toán nợ.

Theo VIS Rating, còn một chặng đường dài phía trước trước khi nhu cầu về trái phiếu phát hành riêng lẻ và nhận thức về rủi ro của các nhà đầu tư nhỏ lẻ được cải thiện rõ rệt. Nghị định số 8 cho phép lùi thời hạn thực hiện các điều kiện chặt chẽ hơn đối với nhà đầu tư trái phiếu cá nhân và xếp hạng tín nhiệm bắt buộc đến tháng 1/2024. Nếu không có những yêu cầu nghiêm ngặt này, tổ chức phát hành trái phiếu cần cung cấp thông tin kịp thời và toàn diện để nhà đầu tư hiểu và đánh giá được rủi ro đầu tư, và từ đó hỗ trợ phục hồi niềm tin của thị trường.

“Chúng tôi cho rằng, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ giảm xuống tương đương 11% GDP vào cuối năm 2023 chủ yếu do nhu cầu của người đầu tư suy giảm”, báo cáo đánh giá.

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục