5 năm, quy mô kinh tế gấp 1,56 lần
Với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc vừa tổ chức thành công Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025).
Theo ông Nguyễn Văn Trì, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã phấn đấu cơ bản đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh đề ra.
Nổi bật là kinh tế phát triển và duy trì mức tăng trưởng khá, bình quân tăng 7,1%/năm, cao hơn bình quân chung cả nước.
Quy mô nền kinh tế tăng gấp 1,56 lần so với năm 2015. Bình quân thu nhập đầu người đạt 104,68 triệu đồng/người/năm. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng đẩy mạnh, hoàn thành vượt các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVI đề ra.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường, nhiều công trình, dự án lớn được đầu tư và đưa vào khai thác, sử dụng.
Công tác bảo vệ môi trường được quan tâm chú trọng, phong trào xây dựng cống rãnh thoát nước trong khu dân cư diễn ra mạnh mẽ, sôi nổi, đem lại nhiều kết quả, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Diện mạo đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc, đến năm 2019 toàn tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 4/9 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội của tỉnh trong nhiệm kỳ qua tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo. Giáo dục - đào tạo tiếp tục phát triển, Vĩnh Phúc đứng thứ nhất cả nước về chất lượng giáo dục mũi nhọn và đứng thứ 5 cả nước về chất lượng giáo dục toàn diện; cơ sở vật chất trường học được tăng cường đầu tư.
Khoa học và công nghệ từng bước được tăng cường. Chất lượng nguồn nhân lực không ngừng được nâng lên. Công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo và an sinh xã hội đạt được những kết quả tích cực.
Bình quân hàng năm giải quyết việc làm cho khoảng 20 nghìn lao động, trong đó đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài khoảng 2 nghìn lao động.
Chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh đang từng bước được cải thiện ở cả ba tuyến; cơ sở vật chất, trang thiết bị ngành y tế tiếp tục được tỉnh quan tâm đầu tư, nâng cấp đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Đặc biệt, năm 2020 Vĩnh Phúc đã thành công trong việc khống chế, kiểm soát và ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh, hạn chế tối đa những thiệt hại, tổn thất do dịch bệnh gây ra, được Trung ương và cả nước ghi nhận và đánh giá cao.
Xây dựng Vĩnh Phúc hiện đại, giàu mạnh, văn minh
Mục tiêu được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Phúc đặt ra cho nhiệm kỳ mới là: dự kiến đến năm 2025, Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước; thu nhập bình quân đầu người cao hơn cả nước, đạt mức 80-85 triệu đồng; kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I, làm tiền đề để tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; trong đó, kết cấu hạ tầng đô thị Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Tam Đảo cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại IV, làm tiền đề để thành lập các thị xã.
Vính Yên - Thành phố trẻ năng động. Ảnh: KL. |
Đến năm 2030: Xây dựng Vĩnh Phúc thành tỉnh phát triển, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; kinh tế, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; chất lượng cuộc sống của nhân dân tốt, môi trường sống xanh, sạch, an toàn. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đạt 130 - 135 triệu đồng.
Tầm nhìn đến năm 2045: Vĩnh Phúc là thành phố phát triển toàn diện trên tất cả các mặt về kinh tế, xã hội, môi trường; là nền kinh tế có thu nhập cao, người dân có chất lượng cuộc sống cao, nền văn hóa tiến bộ, giàu bản sắc, xã hội phát triển hài hòa, môi trường tự nhiên trong lành, đáng sống.