Vinfast, Huyndai Thành Công tăng tốc, doanh nghiệp ô tô ngoại "lặng thinh"

Nhiều động thái liên quan đến đầu tư mở rộng sản xuất đang được triển khai tại các doanh nghiệp ô tô trong nước trong khi các chính sách cụ thể với ngành này vẫn dừng lại ở đề xuất.
Vinfast, Huyndai Thành Công tăng tốc, doanh nghiệp ô tô ngoại "lặng thinh"

Nội công, ngoại thủ

Tuần qua, liên doanh sản xuất và phân phối xe thương mại giữa tập đoàn Thành Công và Hyundai Motor với tên gọi Hyundai Thành Công xe thương mại (HTCV) đã chính thức ra mắt. HTCV là đơn vị sản xuất, lắp ráp và phân phối độc quyền xe thương mại thương hiệu Hyundai với quy mô sản xuất 12.000 xe khách, xe bus và 30.000 xe tải các loại mỗi năm.

Không chỉ đáp ứng thị trường trong nước, mục tiêu tới cuối năm 2018, những lô xe đầu tiên của HTCV sẽ được xuất khẩu sang các nước trong khu vực lân cận, tiếp sau là các khu vực khác trên toàn thế giới.

Nhà máy sản xuất và lắp ráp của HTCV nằm trong tổ hợp sản xuất ô tô quy mô lớn tại Ninh Bình với quy hoạch giai đoạn 1 trên diện tích 25 ha sẽ có dây chuyền máy móc, thiết bị đồng bộ và hiện đại bậc nhất trong khu vực và tuân thủ quy trình quản lý nghiêm ngặt theo chuẩn quốc tế của Tập đoàn ô tô Hyundai, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu toàn cầu.

Trước đó, Tập đoàn Hyundai Motor cũng đã chọn Thành Công là đối tác duy nhất trong khu vực để hợp tác liên doanh sản xuất lắp ráp các dòng xe du lịch từ tháng 3/2017.

Cũng không chỉ có Tập đoàn Thành Công mở rộng hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô, Công ty ô tô Trường Hải, doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam hiện đang khẩn trương để hoàn thành Nhà máy sản xuất xe Mazda công suất 100.000 xe/năm vào tháng 3/2018.

Hay mới đây nhất, Tập đoàn VinGroup đã khởi công Nhà máy ô tô tại Cát Hải, Hải Phòng để sản xuất dòng xe mang thương hiệu Vinfast với công suất 500.000 xe/năm.

Giá xe sản xuất tại Việt Nam có sự tham gia không nhỏ của các chính sách thuế, phí và các hàng rào phi thuế quan.

Ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Công ty Hyundai Thành Công khi ra mắt liên doanh sản xuất xe Hyundai du lịch hồi giữa năm nay cũng cho hay, là người Việt Nam chúng tôi luôn khát vọng có ngành công nghiệp ô tô trong nước, dù không dễ.

Điều đáng nói là trong khi các doanh nghiệp trong nước đang triển khai mạnh mẽ hoạt động đầu tư vào sản xuất, lắp ráp ô tô thì các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này đa phần lại giữ thế thủ.

Không có những kế hoạch đầu tư mới mạnh mẽ như các doanh nghiệp nội xuất hiện tại các doanh nghiệp ô tô có vốn nước ngoài trong khoảng 2 năm trở lại đây.

Thậm chí, ở thời điểm này, người lao động làm việc trong các dây chuyền sản xuất, lắp ráp ô tô tại một số liên doanh còn đang nín thở bởi không biết từ năm 2018, nhà máy còn tiếp tục hoạt động lắp ráp không khi mà ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN có thuế nhập khẩu chỉ là 0%.

Chờ chính sách

Theo Báo cáo Đánh giá ngành sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam và các giải pháp phát triển của Bộ Công thương, tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến chín chỗ ngồi mới đạt bình quân khoảng 7-10%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 65-70% của các nước trong khu vực, và thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 80% ở Thái Lan. Có tới 80-90% nguyên liệu chính cho sản xuất linh kiện như thép hợp kim, hợp kim nhôm, hạt nhựa, cao su kỹ thuật cao hiện phải nhập khẩu.

“Nếu các nhà sản xuất ô tô trong nước không sớm có giải pháp hữu hiệu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, chắc chắn sẽ khó lòng cạnh tranh với thị trường khu vực”, Bộ Công thương nhận xét.

Dẫu vậy, ông Phạm Văn Tài, Phó tổng giám đốc Công ty Ô tô Trường Hải cũng cho hay, muốn nội địa hóa thành công thì sản lượng phải đủ lớn. Để đủ sản lượng thì phải giảm giá mới bán được. Muốn giá giảm thì nội địa hóa phải tăng. Muốn nội địa hóa tăng thì phải có sản lượng.

Đó cũng là một vòng tròn luẩn quẩn mà bất kỳ doanh nghiệp ô tô nào ở Việt Nam cũng đã phải trải qua trong vòng 20 năm qua.  Tuy nhiên, câu chuyện giá xe sản xuất tại Việt Nam cạnh tranh không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của doanh nghiệp mà có sự tham gia không nhỏ từ Nhà nước, thông qua thuế và phí cùng các hàng rào phi thuế quan.

Cũng bởi vậy, Bộ Công thương đang có kế hoạch kết nối doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng với doanh nghiệp ô tô theo chương trình 05 năm, từ năm 2018 đến năm 2022 về sản lượng và tỷ lệ nội địa hóa thông qua Hội thảo “Công nghiệp ô tô và cơ hội phát triển mạng lưới sản xuất Việt Nam” sẽ diễn ra trong nửa đầu tháng 10/2017.

Trước đó trong cuối tháng 9, tại một cuộc hội thảo khác với sự tham dự của khoảng 60 doanh nghiệp phụ trợ, đại diện Công ty Vinfast đã cung cấp những thông tin về kế hoạch sản xuất của dự án, cũng như định hướng và kế hoạch hợp tác với các nhà cung cấp tại Việt Nam.

Cạnh đó, những tín hiệu về sự thay đổi trong chính sách thuế nhằm khuyến khích sản xuất tại Việt Nam cũng đã được đặt lên bàn các cơ quan hữu trách.

Dẫu vậy, vẫn chưa có chính sách nào mới với ngành ô tô từ ngày 1/10/2017, thời điểm mà chỉ còn vỏn vẹn 3 tháng để mở tung cánh cửa hội nhập với thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN về 0%.

Cũng liên quan đến ô tô, Nghị định quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô vẫn chưa được ban hành, trong khi nhẽ ra phải có hiệu lực từ tháng 7/2017.

Thực tế này cũng khiến các doanh nghiệp ô tô nội đang hăng hái đầu tư phát triển sản xuất tại Việt Nam có ít nhiều tâm tư bởi đã ở vào thế “cưỡi trên lưng cọp”.

Thanh Hương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục