Từ khi thành lập năm 2012 đến nay, VinaWealth đã luôn hành động vì lợi ích của nhà đầu tư và đã đạt thành tích đầu tư nổi bật. “Chúng tôi xin gửi lời cảm ơn đến các đối tác và nhà đầu tư đã lựa chọn các sản phẩm của VinaWealth và tin tưởng vào tính minh bạch trong mọi hoạt động của chúng tôi”, bà Thuận nói.
VinaWealth đã bị xử phạt 140 triệu đồng do công bố thông tin không đúng thời hạn, báo cáo không đúng thời hạn. Vì sao Công ty vi phạm quy định này, thưa bà?
VinaWealth đã có các sơ sót trong thao tác chuẩn bị, làm chậm trễ tiến độ của một số báo cáo và công bố thông tin. Chúng tôi nghiêm túc nhận khuyết điểm và đang tích cực rà soát quy trình nội bộ để đảm bảo tránh xảy ra chậm trễ trong tương lai.
Vậy còn khoản xử phạt 175 triệu đồng do vi phạm trong sử dụng vốn của khách hàng ủy thác để để đầu tư trái quy định pháp luật, thưa bà?
Do hiểu biết chưa đúng với các văn bản pháp luật liên quan đến việc giải ngân vốn ủy thác cá nhân vào chứng chỉ tiền gửi, được phát hành bởi các công ty tài chính tiêu dùng, VinaWealth đã có một số hoạt động đầu tư không phù hợp.
Tại thời điểm 30/6/2017, số lượng tài khoản bị ảnh hưởng là 47, với giá trị tài sản quản lý là 62,7 tỷ đồng.
Ngay sau khi được nhắc nhở, VinaWealth đã ngay lập tức dừng các nghiệp vụ này. Với tinh thần khẩn trương khắc phục sự cố, VinaWealth đang tích cực tiến hành việc thương lượng với đối tác tổ chức để mua lại các chứng chỉ tiền gửi mà một số ít nhà đầu tư cá nhân còn nắm giữ trong vòng 6 tháng tới, qua đó, VinaWealth sẽ hoàn trả vốn gốc cộng thêm khoản lãi tích lũy cho mỗi tài khoản. Sự cố nói trên không gây tổn thất nào cho vốn ủy thác của các tài khoản liên quan.
Nhóm tài khoản này không liên quan đến các tài khoản ủy thác khác và hoàn toàn tách bạch với hơn 4.700 tài khoản quỹ mở, với tổng giá trị tài sản quản lý hơn 740 tỷ đồng của Quỹ VFF (Quỹ Đầu tư trái phiếu Bảo Thịnh) và Quỹ VEOF (Quỹ Đầu tư cổ phiếu Hưng Thịnh). Giá trị của các quỹ mở và các nhà đầu tư quỹ mở do VinaWealth quản lý hoàn toàn không liên quan và do đó không bị ảnh hưởng.
Quy trình giám sát trong nghiệp vụ quản lý quỹ mở tại VinaWealth như thế nào, thưa bà?
Mỗi quỹ mở của VinaWealth có chiến lược đầu tư riêng và giới hạn đầu tư được quy định cụ thể mà VinaWealth phải tuân thủ. Ngân hàng giám sát độc lập sẽ kiểm tra trên từng giao dịch, nhằm đảm bảo tuân thủ đối với Điều lệ Quỹ, Bản cáo bạch của Quỹ và các quy định của pháp luật. Tất cả giao dịch sai phạm sẽ bị ngăn chặn và không thể thực hiện.
Ngân hàng giám sát phải báo cáo hoạt động và kết quả giám sát đến UBCK hàng tháng, quý, bán niên, và cuối năm. Ngân hàng giám sát cũng tổng hợp và tóm tắt tình hình giám sát trên báo cáo tài chính bán niên và cuối năm của Quỹ và các thông tin này được công bố rộng rãi trên trang điện tử của VinaWealth.
Tài sản của Quỹ và tài sản của khách hàng ủy thác được theo dõi riêng biệt và lưu ký ở các ngân hàng khác nhau, không thể trộn lẫn và đầu tư vào các tài sản khác nhau.
Với chế độ giám sát chặt chẽ như trên, nhà đầu tư quỹ mở có thể hoàn toàn yên tâm về việc tính minh bạch và tuân thủ của hoạt động quản lý đầu tư quỹ mở của VinaWealth. Sự cố liên quan đến chứng chỉ tiền gửi nói trên không gây ra bất kỳ ảnh hưởng nào đến quyền lợi của nhà đầu tư quỹ mở.
Nhìn lại hành trình từ năm 2012 đến nay, VinaWealth đạt được những thành quả gì, thưa bà?
Hoạt động chính của VinaWealth là quản lý và tư vấn đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chúng tôi đang quản lý hơn 3.000 tỷ đồng trong các quỹ và tài khoản ủy thác đầu tư.
Hiện tại, VinaWealth đang cung cấp quỹ mở và sản phẩm ủy thác đầu tư cho nhà đầu tư Việt Nam với tổng số vốn hiện đang quản lý cho các sản phẩm này là 1.017 tỷ đồng (tại ngày 26/6/2017). Trong đó, Quỹ VEOF đang quản lý 442,5 tỷ đồng, với 2.918 tài khoản. Quỹ VFF quản lý 300,6 tỷ đồng, với 1.821 tài khoản; ủy thác đầu tư cổ phiếu 177 tỷ đồng, có 44 tài khoản; ủy thác đầu tư chứng chỉ tiền gửi 97,2 tỷ đồng, trong đó 62,7 tỷ đồng thuộc 47 tài khoản của nhà đầu tư cá nhân và 34,5 tỷ đồng thuộc 2 tài khoản của nhà đầu tư tổ chức.