Vinasun kiện đòi Grab bồi thường thiệt hại hơn 41 tỷ đồng

(ĐTCK) Sáng nay 17/10, Toà án nhân dân TP HCM mở phiên toà xét xử sơ thẩm vụ “Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa nguyên đơn là CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (GrabTaxi).
Vinasun kiện đòi Grab bồi thường thiệt hại hơn 41 tỷ đồng

Theo cáo buộc từ phía nguyên đơn Vinasun, lợi dụng việc Bộ Giao thông Vận tải ban hành Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 07/01/2016 về “Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý kết nối hoạt động vận tải theo hợp đồng” (gọi tắt là Đề án 24), GrabTaxi đã thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi, gây náo loạn thị trường vận tải hành khách bằng taxi. 

Đồng thời, GrabTaxi đã thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật cụ thể gây thiệt hại nghiêm trọng về doanh thu, lợi nhuận cho Vinasun.

Vì vậy, Vinasun yêu cầu buộc GrabTaxi bồi thường hơn 41 tỷ đồng thiệt hại ngoài hợp đồng vì GrabTaxi có hành vi trái pháp luật và gây thiệt hại cho Vinasun là thấy rõ.

Vinasun cung cấp các chứng cứ để khẳng định GrabTaxi là doanh nghiệp kinh doanh taxi gồm: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cấp cho Grab đăng ký ngành nghề kinh doanh vận tải hành khách đường bộ; Thực tế hành vi thương mại, hoạt động điều hành của Grabtaxi có đầy đủ dấu hiệu của hoạt động vận tải taxi; Phán quyết của Toà Công lý châu Âu về trường hợp của Uber – một doanh nghiệp kinh doanh tương tự như GrabTaxi.

Bên cạnh đó, Vinasun cung cấp các chứng cứ để khẳng định dịch vụ GrabTaxi cung cấp cho khách hàng không phải là “dịch vụ vận tải hành khách theo hợp đồng”.

Cụ thể, thực tế không có hợp đồng vận tải nào được đàm phán, ký kết giữa hành khách và người vận chuyển trong các chuyến xe Grabcar, Grabtaxi. Lệnh vận chuyển hành khách của các chuyến đi Grab được thực hiện căn cứ vào việc hành khách đặt xe qua ứng dụng di động, giống như các công đoạn đặt xe taxi bằng phần mềm.

Căn cứ thực tế là các hợp tác xã, doanh nghiệp vận tải – chủ thể hợp đồng vận tải theo quy định của đề án 24 – không hiện diện trong quá trình Grabtaxi cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

Qua đó, khẳng định việc GrabTaxi không tuân thủ quy định pháp luật về “kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng” tại điều 7 Nghị định 86/2014/NĐ-CP và điều 44, 45 Thông tư 63/2014/TT-BGTVT.

Ngoài ra, Vinasun cũng đã cung cấp chứng cứ để khẳng định GrabTaxi vi phạm các quy định khác của Đề án 24, vi phạm pháp luật về khuyến mại, thuế như tăng giảm giá cước nhiều lần trong ngày, khuyến mại, vi phạm pháp luật về thuế.

Lệnh vận chuyển hành khách của các chuyến đi Grab được thực hiện căn cứ vào việc hành khách đặt xe qua ứng dụng di động, giống như các công đoạn đặt xe taxi bằng phần mềm.   

Trong văn bản trình bày ý kiến tại tòa, ông Trương Đình Quý - Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam nêu rõ, Công ty TNHH Grabtaxi nay đổi tên thành Grab đăng ký thành lập theo pháp luật Việt Nam, có trụ sở chính tại Việt Nam, có số vốn góp của tổ chức nước ngoài dưới 49%.

Ngay từ tên gọi, “GrabTaxi” đã định danh lĩnh vực kinh doanh của mình là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực taxi. Điều này hoàn toàn phù hợp với lĩnh vực kinh doanh mà “GrabTaxi” đăng ký và được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cấp phép.

Mặc dù Grab gửi văn bản cho TAND các cấp cùng các cơ quan chức năng của Việt Nam, cho rằng việc đặt tên “GrabTaxi” là theo tên gọi chung của tập đoàn Grab tại Đông Nam Á, nhưng ông Quý cho rằng, việc đưa ra lập luận này là một sự bao biện vụng về, nhằm che đậy bản chất thật về hoạt động taxi của Grab.

Bằng chứng là sau khi vụ án được đưa ra xét xử vào các ngày 6-7/2/2018, GrabTaxi đã vội vàng đổi tên sang Grab. Trong lần thay đổi lần thứ 6, ngày 23/5/2018, Grab chỉ đổi tên gọi doanh nghiệp, còn ngành nghề kinh doanh vẫn không thay đổi.

Ninh Cơ

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục