Doanh nghiệp “cầu cứu”
Mới đây, CTCP Ánh Dương Việt Nam đã có hàng loạt văn bản kiến nghị gửi tới các cơ quan Đảng, Nhà nước và Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề nghị xem xét kiểm tra, đánh giá đề án thí điểm triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng tại Quyết định 24 của Bộ Giao thông - Vận tải và dự thảo Nghị định 86 sửa đổi về xe hợp đồng điện tử trong khuôn khổ đóng góp ý kiến về điều kiện kinh doanh vận tải ô tô tại các văn bản đang được Bộ Giao thông Vận tải hoàn thiện trình Chính phủ.
Tại công văn “khẩn cầu” gửi tới người đứng đầu cơ quan Đảng, CTCP Ánh Dương Việt Nam tố Bộ Giao thông - Vận tải “vẫn giữ những đánh giá, nhận định chủ quan, vo tròn các con số và chung chung các vấn đề, gạt bỏ ý kiến của các hiệp hội, các doanh nghiệp, các bộ ngành và chuyên gia, chưa đánh giá khách quan, đầy đủ chính xác và có cơ sở khoa học thực tiễn, vẫn tập trung vào bảo vệ mô hình xe hợp đồng điện tử trong nội dung văn bản đánh giá Đề án thí điểm xe hợp đồng điện tử Grab”.
Theo doanh nghiệp này, tại dự thảo Nghị định 86 sửa đổi đang được Bộ Giao thông - Vận tải trình Thủ tướng Chính phủ, những quy định về xe hợp đồng điện tử, thời gian áp dụng… gần như không có sự thay đổi so với trước, gây hoang mang, lo lắng cho các doanh nghiệp vận tải taxi vì gần như hợp pháp hóa cho hoạt động của taxi Grab, nhất là trong bối cảnh Grab đã thâu tóm Uber ở Việt Nam, tiến tới tập trung thống lĩnh thị trường và độc quyền trong lĩnh vực này.
Theo số liệu được CTCP Ánh Dương Việt Nam nêu ra tại văn bản kiến nghị, sau khi có đề án thí điểm theo Quyết định 24 của Bộ Giao thông - Vận tải, chỉ riêng số lượng xe của Grab tại TP.HCM đã tăng đột biến từ 177 xe năm 2014 lên hơn 34.562 xe vào cuối năm 2017, trong đó riêng xe Grab tăng tới 18.801 xe và vọt lên 34.880 xe tính đến tháng 3/2018.
Trong khi đó, số liệu thống kê của Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM cho thấy, số lượng xe taxi đã giảm từ 12.654 xe xuống 8.500 xe tính đến tháng 3/2018.
Trong đó, có 5 doanh nghiệp vận tải taxi ngừng hoạt động gồm Savico, Hoàng Long, Tràm Thanh, Minh Đức Tân Phú và CTCP Sài Gòn Sân bay. Tổng doanh thu ngành vận tải đường bộ trên địa bàn TP.HCM năm 2017 giảm 3.600 tỷ đồng với mức tăng trưởng âm 22% so với năm 2016.
“Đây là kết quả kém tích cực đối với cả doanh nghiệp, tài xế taxi chính thống và lái xe Grab, ảnh hưởng tới đời sống, công ăn việc làm của cả trăm ngàn người lao động trên cả nước”, văn bản của CTCPÁnh Dương Việt Nam nhấn mạnh.
Quyết liệt phản đối việc cố tình kéo dài thí điểm mô hình Grab đến giai đoạn 2020-2021 được quy định tại dự thảo Nghị định 86 sửa đổi, CTCP Ánh Dương Việt Nam đề nghị bỏ quy định về xe vận tải hợp đồng điện tử, xác định rõ bản chất dịch vụ Grab là vận tải taxi tại quy định về kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, đồng thời sửa lại thời hạn áp dụng về các hoạt động của mô hình này trước khi Nghị định có hiệu lực thi hành.
Cưỡng ép quản lý sẽ triệt tiêu sáng tạo trong kinh doanh
Từ quan điểm của người trong cuộc, ông Trương Đình Quý, Phó tổng giám đốc CTCP Ánh Dương Việt Nam, đồng thời là Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM khẳng định, về bản chất kinh doanh, taxi truyền thống và Grab đều là taxi.
Thế nhưng điều trớ trêu là Bộ Giao thông - Vận tải lại chia thành dịch vụ taxi và xe hợp đồng điện tử, để từ đó áp đặt các điều kiện kinh doanh khác nhau, tạo ra sự bất công trong kinh doanh.
Theo ông Quý, sự bất công thể hiện ở chỗ, cùng kinh doanh trên một thị trường, phục vụ cùng một đối tượng khách hàng, cung cấp một dịch vụ như nhau, nhưng xe taxi phải chịu 13 điều kiện kinh doanh khắt khe như cấm đường, phù hiệu, quản lý giá cước, kiểm định đồng hồ, bảo hiểm, giờ chạy xe tối đa, niên hạn xe…, trong khi xe hợp đồng điện tử không bị áp dụng những điều kiện này.
Ông Quý cho biết, do không bị cấm đường, nhiều khách đã bỏ xe taxi truyền thống sang xe Grab, cùng với lợi thế về chi phí khiến loại hình xe này phát triển nhanh chóng, trong khi các doanh nghiệp taxi truyền thống rơi vào khủng hoảng.
“Thực tế, bản chất hoạt động của Grab hay Uber là taxi đặt qua ứng dụng công nghệ. Mặc dù vậy, dự thảo Nghị định 86 sửa đổi đến lần thứ 5 vẫn không thay đổi. Việc trình Chính phủ hợp thức hóa 'xe hợp đồng điện tử' và 'hợp đồng vận tải điện tử' gây ra những bất công và khó khăn, khiến doanh nghiệp taxi truyền thống sống dở, chết dở. Nghị định này có liên quan đến sự sống còn của cả ngành vận tải taxi, đến cộng đồng doanh nghiệp, lái xe và hàng trăm ngàn người lao động nên cần hết sức cân nhắc”, ông Quý nhấn mạnh.
Bình luận về câu chuyện này, cũng như việc định danh cho loại hình Grab, Uber, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô cho rằng, trước hết, Grab, Uber vận tải hành khách là một trong những loại hình vận tải taxi.
“Trách nhiệm của nhà quản lý là phải đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật. Với taxi truyền thống, không thể áp đặt quản lý, mà phải gỡ bỏ những rào cản, bất cập để taxi truyền thống có thể vươn lên. Với Grab hay Uber, cần có quy định phù hợp với loại hình vận tải mới này”, ông Thanh nhấn mạnh.
Cũng với góc nhìn từ doanh nghiệp, ông Lê Ngọc Nam, đại diện doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hoá đánh giá, nhu cầu phát sinh là do thị trường, song khi soạn thảo quy định, người soạn thảo chỉ dựa vào cái cũ mà không có sự cải tiến, đột phá. Theo vị này, mấu chốt thành công của nhà quản lý là phải khiến doanh nghiệp chủ động tuân thủ pháp luật, chứ không phải tìm mọi cách để lách luật.
“Chẳng hạn, khi đưa ra điều kiện để kìm hãm xe hợp đồng trá hình (có điều khoản giới hạn hợp đồng, thời gian...), cơ quan chức năng mới chỉ cố gắng bịt kẽ hở, mà chưa có giải pháp. Cần phải có giải pháp tổng thể để thị trường chủ động phân công và tuân theo quy luật thị trường”, ông Nam nói.
Ở một góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đánh giá, việc dự thảo Nghị định 86 sửa đổi quy định doanh nghiệp công nghệ phải đáp ứng điều kiện kinh doanh và điều kiện hoạt động như doanh nghiệp vận tải đã làm biến đổi bản chất hoạt động của doanh nghiệp cung cấp phần mềm và triệt tiêu ưu điểm của dịch vụ kết nối mạng.
“Yêu cầu công ty công nghệ đáp ứng các điều kiện kinh doanh như một doanh nghiệp thuần túy sẽ cản trở sự sáng tạo của ngành kinh tế số, tạo ra gánh nặng thực thi và chi phí vô lý cho các công ty công nghệ, ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Đây là tiền lệ nguy hiểm trong bối cảnh Chính phủ đang thúc đẩy, khuyến khích khởi nghiệp và phát triển nền kinh tế 4.0”, ông Long cảnh báo.
Chuyên gia này kiến nghị, không nên khiên cưỡng, bó hẹp hoạt động của doanh nghiệp công nghệ theo cách quản lý thông thường, mà cần đưa ra giải pháp khuyến khích doanh nghiệp công nghệ ngày càng tham gia sâu vào ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động vận tải, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế xã hội, cho phép người tiêu dùng hưởng thành quả của cách mạng công nghệ 4.0.
Mặt khác, cần tháo gỡ mọi rào cản cản trở hoạt động của doanh nghiệp, để các doanh nghiệp truyền thống cũng như công nghệ cạnh tranh một cách bình đẳng, tự vươn lên và phát triển.
Chúng ta có thể hạn chế Grab, Uber vào thị trường, nhưng không thể triệt tiêu phương thức kinh doanh mới này
Uber, Grab không phải doanh nghiệp, mà là một platform, tức là một nền tảng kết nối. Nền tảng này giúp cho chi phí giao dịch bằng 0, nếu áp đặt quy định nào đó để chi phí giao dịch tăng lên, thì sẽ không phát triển được. Hiện tại, trên thị trường có platform khách sạn, nhà nghỉ, giao dịch điện tử… Đây là xu hướng kinh tế số và kết nối tạo ra xu hướng kinh doanh mới.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ như hiện nay, xu thế này là không thể đảo ngược. Chúng ta có thể hạn chế Uber, Grab vào thị trường bằng các thủ tục, rào cản kỹ thuật, nhưng không thể triệt tiêu phương thức kinh doanh mới này. Nếu nhất quyết ngăn chặn, chỉ người tiêu dùng Việt Nam là thiệt, bởi không phát triển ở Việt Nam, nhưng Grab hay Uber vẫn phát triển ở các thị trường khác. Bởi vậy, cần dựa trên xu hướng công nghệ hiện đại, xu hướng kinh doanh mới hiện tại để thay đổi, không nên áp dụng quy định hiện hành vào những phương thức kinh doanh mới.
Bên cạnh đó, nếu muốn áp dụng thí điểm thì cũng cần dựa trên tư duy mới, nếu lấy chuẩn mực cũ áp dụng cho phương thức kinh doanh mới thì không ổn. Điều này sẽ khiến mối quan hệ trong giao dịch thay đổi lớn. Grab hay Uber tuy cung cấp dịch vụ, nhưng lại không có quan hệ lao động và xu hướng sẽ là mỗi người là một doanh nghiệp, không cần trụ sở, văn phòng..., mà chỉ cần máy tính, điện thoại thông minh là có thể kinh doanh.
Xu hướng kinh doanh “freelance” (tự do) sẽ phát triển và mô hình taxi công nghệ như Grap, Uber là một điển hình. Là mô hình kinh doanh mới nên không khỏi có những lo lắng về tính an toàn, an ninh với hành khách đi xe Grab, Uber…, song trên thực tế, đây là quan hệ dân sự, nếu có tranh chấp thì ra tòa xử lý. Chúng ta phải tập thói quen này. Để tăng tính an toàn, chúng ta có thể đưa ra các thông tin cảnh báo để người đi xe tự kiểm tra thông tin và lựa chọn.
Ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)