Trước đó, đại hội đồng cổ đông bất thường được tổ chức vào tháng 9/2024 của Vinaship đã chấp thuận cho Viconship nhận chuyển nhượng cổ phiếu từ các cổ đông hiện hữu để đạt tỷ lệ sở hữu trên 25% mà không cần phải chào mua công khai. Căn cứ theo tỷ lệ thông qua phương án này là 62,47% số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự đại hội, có thể thấy 3 cổ đông đại diện 51% phần vốn góp của Vinalines (mã MVN) đều biểu quyết thông qua.
Vậy tại sao Vinalines lại đồng ý để Viconship nâng sở hữu tại Vinaship lên đến 40,01% mà không cần chào mua công khai? Bởi đối chiếu với quy định hiện hành, việc một cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 35% vốn điều lệ (tổng số phiếu biểu quyết) sẽ có quyền phủ quyết những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của đại hội đồng cổ đông quy định tại khoản 1, Điều 148, Luật Doanh nghiệp năm 2020.
Về vấn đề này, lãnh đạo Vinalines chia sẻ, nếu hiểu theo nghĩa Vinalines cho phép Viconship mua trên 25% cổ phần của Vinaship là không đúng. Vinalines vẫn đang là công ty mẹ, nắm giữ 51% vốn của Vinaship. Việc các cổ đông đại diện cho phần vốn góp của Vinalines thông qua kế hoạch để Viconship tăng sở hữu tại Vinaship là theo đúng quy trình đại hội để xác nhận nguyện vọng/nhu cầu nhận chuyển nhượng khối lượng lớn cổ phiếu tại Vinaship, chứ không thể hiện việc Vinalines cho phép thoái vốn tại Vinaship.
“Thực tế, việc gom mua cổ phiếu VNA của Viconship đã được đại hội đồng cổ đông nhất trí thông qua. Việc họ làm là chính thống, công khai, còn số lượng cổ đông chuyển nhượng cổ phiếu, tỷ lệ sở hữu bao nhiêu thì do thị trường quyết định”, đại diện Vinalines nói.
Nhìn lại đại hội đồng cổ đông bất thường của Vinaship, có 15 cổ đông (gồm 1 cổ đông tổ chức) được xác định tham gia chuyển nhượng gần 12,8 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 37,55% vốn cho Viconship, giúp Viconship nhanh chóng hoàn tất thương vụ M&A doanh nghiệp vận tải biển này.
Sự tham gia của Viconship có làm giảm sức ảnh hưởng của Vinalines tại Vinaship? Lãnh đạo Vinalines nêu quan điểm, Vinaship hoạt động theo nguyên tắc công khai, minh bạch, đúng luật, đảm bảo quyền lợi của tất cả các cổ đông.
“Quan điểm của tôi về việc phủ quyết hay không phủ quyết sẽ liên quan đến quyền lợi chung cao nhất của Vinaship. Chúng tôi hướng đến một nền kinh tế mở, minh bạch, thậm chí sẽ có sự phản biện vì mục đích chung, nhưng nếu đúng luật, tạo động lực cho Công ty phát triển thì những điều này sẽ không có ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, tôi phản đối những vấn đề mang tính lợi ích nhóm, sự thiếu minh bạch ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông”, đại diện Vinalines nhấn mạnh.
Bản thân Vinalines cũng kỳ vọng, Viconship khi tham gia vào Vinaship sẽ mang lại những giá trị cộng hưởng, giúp Vinaship tận dụng được những lợi thế có sẵn để phát triển.
Trước mắt, Vinaship đang chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư thêm tàu chở hàng khô có trọng tải từ 28.000 - 32.000 DWT, độ tuổi dưới 15, với giá 12 triệu USD, tương đương gần 306 tỷ đồng. Qua đó, đội tàu của Vinaship dự kiến sẽ tăng lên 6 chiếc, tổng trọng tải trên 120.000 DWT.
Theo báo cáo tài chính mới công bố, quý III/2024, công ty mẹ Vinaship báo lỗ hơn 4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 2,5 tỷ đồng.
Vinaship cho biết, trong quý III/2024, hoạt động khai thác chịu ảnh hưởng bởi thời tiết xấu, bão Yagi làm tê liệt nhiều hoạt động của cảng và chuỗi logistic hàng hoá, khiến các tàu xếp hàng xi măng của Công ty bị thiệt hại hàng chục ngày do không điều động được hàng hoá từ máy ra cảng xếp. Ngoài ra, doanh nghiệp phát sinh khoản lỗ tài chính 8,9 tỷ đồng từ đánh giá lại khoản tiền USD dự trữ cho hoạt động đầu tư tàu biển.
Mặc dù vậy, luỹ kế 9 tháng đầu năm 2024, Vinaship ghi nhận lãi 23,5 tỷ đồng, gấp 6,7 lần cùng kỳ năm ngoái nhờ khoản lợi nhuận khác đột biến sau khi bán thanh lý tàu Vinaship Star trong quý II.