Thua lỗ nhiều năm
Tổng công ty cổ phần Xây dựng công nghiệp Việt Nam (Vinaincon, mã VVN - giao dịch UPCoM) được thành lập năm 1998, vốn điều lệ 550 tỷ đồng, vốn nhà nước do Bộ Công thương đại diện nắm giữ 82,75%. Công ty chuyên ngành nghề xây lắp, xây dựng cơ bản.
Báo cáo tài chính công ty mẹ năm 2020 đã kiểm toán vừa được VVN công bố thể hiện, tổng tài sản Công ty là 987 tỷ đồng. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2020 đạt 313 tỷ đồng nhưng giá vốn hàng bán là 314 tỷ đồng, do đó, lợi nhuận gộp âm 724 triệu đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính là 48,4 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp là 30 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần đạt 9,3 tỷ đồng. Qua đó, lợi nhuận sau thuế đạt 13,2 tỷ đồng.
Theo thuyết minh, phần doanh thu từ hoạt động tài chính chủ yếu đến từ lãi tiền gửi, lãi cho vay 18,4 tỷ đồng và cổ tức được chia 29,9 tỷ đồng.
Được biết, VVN đầu tư góp vốn vào nhiều công ty con, công ty liên kết. Các công ty này phần lớn đều có lãi, khoản lợi nhuận được chia cao nhất từ CTCP Bê tông Ly tâm Thủ Đức (13 tỷ đồng) và Công ty cổ phần Ly tâm An Giang (6,1 tỷ đồng).
Đến thời điểm này, VVN vẫn chưa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020. Đầu tháng 4/2021, VVN cũng có đơn đề nghị gia hạn thời gian tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 với lý do việc tổng hợp kết quả sản xuất kinh doanh của tổng công ty chưa hoàn thành bởi việc xác định giá trị dở dang và đối chiếu công nợ với các chủ đầu tư gặp khó khăn, kéo dài.
Theo báo cáo thường niên năm 2019, mặc dù tổng doanh thu và thu nhập khác năm 2019 tăng 126,7% so với năm 2018, đạt hơn 4.443 tỷ đồng, nhưng giá vốn hàng bán cao. Cộng vào đó khoản đầu tư từ Công ty TNHH MTV Xi măng Quang Sơn thua lỗ (âm 126 tỷ đồng) khiến lợi nhuận Công ty trong các năm 2018 và 2019 đều là con số âm.
Năm 2020, công ty có quyết định miễn nhiệm ông Hoàng Chí Cường - Tổng giám đốc, thay vào đó bổ nhiệm ông Đỗ Chí Nguyễn.
Đề nghị làm rõ vai trò của Vinaincon
Từ ngày 12/4, TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử với 19 bị cáo nguyên là lãnh đạo Tổng công ty Thép Việt Nam - VNS, CTCP Gang thép Thái Nguyên - TISCO về sai phạm tại dự án này với hành vi như điều chỉnh cơ cấu đầu tư, ký phụ lục hợp đồng, tách phần c ra khởi hợp đồng EPC, ký hợp đồng thầu phụ với Vinaincon theo đơn giá dẫn đến phá vỡ nguyên tắc hợp đồng EPC...
Vinaincon là nhà thầu phụ tham gia vào dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2. Năm 2009, hợp đồng EPC giữa chủ đầu tư là CTCP Gang thép Thái Nguyên - TISCO và nhà thầu Trung Quốc MCC gặp vấn đề do MCC liên tiếp vi phạm hợp đồng.
Ngày 29/4/2009, Vinaincon có văn bản gửi Bộ Công thương, Tổng công ty Thép Việt Nam - VNS (cấp quyết định đầu tư) và TISCO để đăng ký làm nhà thầu phụ.
Vào ngày 14/5/2009, trên cơ sở đề nghị của Vinaincon, Bộ Công thương có văn bản 4320 gửi VNS, TISCO với nội dung Bộ Công thương nhận xét “Vinaincon là đơn vị có năng lực và bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực thi công xây lắp các công trình xây dựng công nghiệp. Đề nghị VNS, TISCO xem xét và chấp thuận Vinaincon làm nhà thầu phụ thục hiện phần C”.
Ngày 26/6/2009, ông Mai Văn Tinh - cựu Chủ tịch HĐQT VNS đã ký văn bản đồng ý chủ trương cho phép Vinaincon làm nhà thầu phụ. Sau đó, TISCO, Vinaincon và MCC ký hợp đồng.
Tuy nhiên năm 2010, Vinaincon trả lại công việc cho TISCO do không đủ năng lực. TISCO phải ký thầu phụ với 13 công ty khác nhưng dự án vẫn không hoàn thành, bị đội vốn và gây thất thoát cho nhà nước hơn 830 tỷ đồng.
Một số bị cáo thừa nhận họ chấp nhận Vinaincon vì có văn bản trên của Bộ Công thương.
Bào chữa cho bị cáo Trần Trọng Mừng (cựu Tổng giám đốc TISCO), luật sư Trương Anh Tú cho rằng trong kết luận về dự án, Thanh tra Chính phủ đã xác định việc Bộ Công Thương giới thiệu và đề nghị VNS, TISCO chấp thuận cho Vinaincon làm nhà thầu phụ là không đúng thẩm quyền.
Luật sư Nguyễn Thị Minh Yến, bào chữa cho bị cáo Đồng Quang Dương (cựu Phó giám đốc TISCO) đưa ra quan điểm: Việc TISCO chấp thuận Vinainco làm nhà thầu phụ cho MCC trước tiên phải nói đến trách nhiệm của Bộ Công Thương trong vấn đề giới thiệu Vinainco và xác nhận năng lực của Vinainco để dẫn đến có hợp đồng 3 bên giữa TISCO - MCC và Vinaincon. Tiếp theo, việc Vinainco tự ý ngừng không thực hiện phần c là do chủ quan từ phía Vinaincon.
Do đó, luật sư đề nghị trả hồ sơ để điều tra, xem xét trách nhiệm của Bộ Công thương; thu thập tài liệu chứng cứ việc Vinaincon thực hiện hợp đồng, làm rõ vấn đề Vinaincon chỉ định 13 nhà thầu phụ như thế nào?...