Theo đó, Vinaconex dự kiến phát hành gần 48,59 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 10%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu, tương ứng 1 quyền, cứ 100 quyền sẽ được nhận 10 cổ phiếu phát hành thêm. Số cổ phiếu lẻ thập phân (nếu có) sẽ được hủy bỏ.
Nguồn phát hành là từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và sau khi trích lập các quỹ đầy đủ theo quy định của pháp luật theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 và phù hợp quy định của pháp luật.
Mới đây, cổ đông lớn nhất của Vinaconex là CTCP Đầu tư Pacific Holdings đã bán thành công 18,25 triệu cổ phiếu trong tổng số đăng ký bán 19,9 triệu cổ phiếu VCG. Qua đó, tổ chức này đã giảm sở hữu tại VCG xuống còn gần 254,78 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 52,44%.
Như vậy, với việc chia cổ tức trên, công ty mẹ Pacific Holdings sẽ nhận thêm 25,47 triệu cổ phiếu VCG.
Tại ĐHCĐ thường niên năm 2023 diễn ra giữa tháng 4/2023 vừa qua, Vinaconex đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với tổng doanh thu hợp nhất 16.340 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 860 tỷ đồng.
Kế hoạch tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ trong năm 2023 là 10.270 tỷ đồng và 345 tỷ đồng, tăng lần lượt 25% và 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ chia cổ tức được giữ nguyên ở mức 10%.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023, Công ty ghi nhận doanh thu đạt hơn 1.965 tỷ đồng, tăng trưởng 47,41% so với cùng kỳ năm ngoái; tuy nhiên lợi nhuận sau thuế giảm tới 97,59% so với cùng kỳ, chỉ đạt 18,82 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận quý I/2023 sụt giảm mạnh mẽ là do doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ chỉ ghi nhận 92,92 tỷ đồng, trong khi quý I/2022 chỉ tiêu này đạt 736,52 tỷ đồng, chủ yếu là do trong quý I/2023 không có khoản phát sinh lãi do mua rẻ công ty con hơn 597,5 tỷ đồng. Đồng thời, chi phí lãi vay đã tăng từ 192,97 tỷ đồng trong quý I/2022 lên 217,54 tỷ đồng trong quý I/2023.
Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch ngày 31/5, cổ phiếu VCG đứng tại mức giá 20.900 đồng/CP, với khối lượng khớp lệnh sôi động, đạt 11,12 triệu đơn vị.