Tăng đầu tư ngắn hạn
Tại thời điểm ngày 31/12/2018, đầu tư tài chính ngắn hạn của Vinaconex là 1.561 tỷ đồng, tăng gần 30% so với hồi đầu năm. Toàn bộ số tiền này là tiền gửi có kỳ hạn của doanh nghiệp vì gần như toàn bộ số tiền đầu tư vào chứng khoán kinh doanh của Vinaconex đều phải đưa vào trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh.
Tổng giá trị tiền gửi có kỳ hạn và tiền cùng các khoản tương đương tiền vào cuối năm 2018 lên gần 3.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 24% tổng số tài sản ngắn hạn của Tổng công ty. Tỷ lệ này đã giảm nhẹ so với mức 26,6% vào đầu năm 2018.
Trong năm 2018, Vinaconex đã có động thái chuyển một phần tiền (và các khoản tương đương tiền) sang tiền gửi có kỳ hạn. Đây là một nghiệp vụ tài chính hợp lý, bởi khi doanh nghiệp có lượng tiền mặt quá cao chưa sử dụng hết, thì việc chuyển một phần tiền sang tiền gửi có kỳ hạn sẽ giúp tối ưu hóa thu nhập.
Nhìn lại qua các năm, giá trị đầu tư tài chính ngắn hạn của Vinaconex có xu hướng tăng dần, từ mức 522 tỷ đồng năm 2015, sau đó đã tăng vọt 166% trong năm 2016. Năm 2017, đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 13%, nhưng tính cả giai đoạn 2015 - 2018, đầu tư tài chính ngắn hạn của Vinaconex vẫn tăng 200%.
Trở lại bức tranh của năm 2018, tổng giá trị cả các khoản tiền (cùng các khoản tương đương tiền) và đầu tư tài chính ngắn hạn đã giảm 11,8%. Điều này cho thấy, Công ty đang có dấu hiệu suy giảm khả năng thanh toán nhanh.
Khả năng thanh toán nhanh là một chỉ số tài chính quan trọng của doanh nghiệp, đo lường khả năng phản ứng của doanh nghiệp đối với các khoản nợ đến hạn. Chỉ số thanh toán nhanh yêu cầu mức thanh khoản cao hơn so với các chỉ số khả năng thanh toán khác, nên chỉ những tài sản có tính thanh khoản cao mới được đưa vào để tính toán. Một số tài sản ngắn hạn như hàng tồn kho, các khoản phải thu ngắn hạn hay các tài sản ngắn hạn khác… được bỏ ra khi tính chỉ số về khả năng thanh toán nhanh do thanh khoản không đủ cao.
Như vậy, trường hợp doanh nghiệp cần tiền để trả nợ đến hạn, thì chỉ những tài sản có tính thanh khoản rất cao như tiền (và các khoản tương đương tiền) hoặc đầu tư tài chính ngắn hạn mới đủ khả năng đáp ứng yêu cầu.
Giảm đầu tư dài hạn
Theo báo cáo tài chính quý IV/2018, doanh thu bán hàng cung cấp dịch vụ đạt 3.341 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2017; lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp là 267,8 tỷ đồng, giảm 26,6% so với quý IV/2017.
Trong nội dung giải trình về lý do sụt giảm, ông Nguyễn Xuân Đông, Tổng giám đốc Vinaconex cho biết, sụt giảm chủ yếu do trong quý IV/2017, Tổng công ty ghi nhận kết quả hoạt động thoái vốn đầu tư tại một số công ty con, công ty liên kết.
Trong các khoản thoái vốn cuối năm 2017, thương vụ đáng chú ý nhất là khoản bán vốn tại Công ty cổ phần Nước sạch Vinaconex (Viwasupco). Viwasupco là chủ đầu tư của Nhà máy Nước Sông Đà, đồng thời là một trong những đơn vị thành viên kinh doanh có hiệu quả cao nhất của Vinaconex.
Số tiền Vinaconex thu về từ đợt thoái vốn này là 1.017 tỷ đồng và ghi nhận khoản lợi nhuận trước thuế 714 tỷ đồng trên báo cáo tài chính của công ty mẹ.
Việc bán và sắp xếp lại các công ty thành viên cũng có thể coi là một trong những động thái đáng chú ý nhất trong hoạt động tái cơ cấu và sắp xếp lại hoạt động đầu tư tài chính dài hạn của Vinaconex. Với động thái này, đầu tư tài chính dài hạn của Vinaconex đã giảm 33% trong năm 2018.
Nhìn ở một chu kỳ dài hơn, đầu tư tài chính dài hạn (chủ yếu là các khoản góp vốn tại các công ty con, công ty liên kết) đều giảm qua các năm từ 2015 đến nay, với mức giảm 9% trong năm 2016, giảm tiếp 13% trong năm 2017. Tính chung trong giai đoạn từ cuối năm 2015 đến cuối năm 2018, đầu tư tài chính dài hạn của Vinaconex đã giảm 47%.
Giá trị đầu tư tài chính dài hạn giảm dần qua các năm, nhưng số công ty thành viên của Vinaconex giảm không đáng kể trong những năm qua. Cụ thể, năm 2015, số lượng công ty con giảm từ 30 xuống 26 công ty, sau đó tăng lên 27 công ty vào cuối năm 2016 và duy trì số lượng này trong năm 2017 và 2018. Sở dĩ Vinaconex vẫn có các hoạt động thoái vốn, thậm chí bán hết vốn tại một số khoản đầu tư tài chính dài hạn (công ty con, liên kết), nhưng tổng số công ty con ít thay đổi do doanh nghiệp này vẫn có hoạt động thành lập các công ty con hoặc mua thêm cổ phần công ty khác.
Chẳng hạn, trong năm 2018, Vinaconex đã thành lập mới 2 công ty 100% của Vinaconex để quản lý 2 trường nghề, mua 50% cổ phần tại Công ty cổ phần Bất động sản Việt Phương để thực hiện đầu tư Dự án Tòa nhà hỗn hợp 209 - Ngô Gia Tự (Bắc Ninh). Trước đó, năm 2017, Vinaconex cũng đã thành lập một số công ty có tính chất nòng cốt là Vinaconex Invest và Vinaconex CM. Mục tiêu của Vinaconex thậm chí sẽ còn tăng vốn thêm tại 2 công ty này trong thời gian tới. Cụ thể, Vinaconex CM có thể đạt quy mô vốn 500 tỷ đồng vào năm 2021.
Trong lộ trình tái cấu trúc các công ty con của doanh nghiệp ngành xây dựng này, trong số các công ty thành viên mà Vinaconex đang nắm giữ cổ phần, Vinaconex sẽ phân ra 3 nhóm để có 3 cách hành xử khác nhau.
Nhóm thứ nhất là các đơn vị đầu tư linh hoạt, gồm những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chính của Vinaconex và có hoạt động ổn định. Theo đó, Vinaconex sẽ phân rõ các đơn vị trong lĩnh vực xây dựng và nhóm trong lĩnh vực đầu tư (bất động sản, năng lượng, giáo dục…). Với nhóm này, Vinaconex sẽ giữ mức vốn góp hiện tại hoặc thoái vốn, nhưng vẫn giữ tỷ lệ phù hợp để duy trì sự liên kết giữa công ty mẹ và công ty thành viên.
Nhóm thứ hai là các đơn vị mà Vinaconex sẽ thoái vốn toàn bộ.
Nhóm thứ ba gồm các công ty yếu kém có thể cho giải thể, phá sản.
Tuy nhiên, trong định hướng tái cấu trúc, Vinaconex vẫn có các hoạt động thành lập mới để thực hiện các nguồn lực hiện có, cũng như tìm kiếm thêm cơ hội tại các dự án bất động sản, hạ tầng…
Khó đánh giá hiệu quả
Với nhà đầu tư, việc doanh nghiệp luôn vận động để thay đổi được coi là thái độ tích cực trong khát vọng tìm kiếm cơ hội mới và tối ưu hóa nguồn lực, nhưng hiệu quả từ những thay đổi này ra sao cũng đang rất khó đánh giá.
Thực tế, không ít doanh nghiệp đã nhận kết quả cay đắng do “lợn lành chữa thành lợn què” sau những động thái cải tổ. Nhìn một cách sơ lược trong vài năm qua, dự phòng đầu tư tài chính dài hạn của Vinaconex chỉ giảm trong năm 2016, sau đó tăng 10% trong năm 2017 và “tăng tốc” thêm 14,5% trong năm 2018.
Tuy nhiên, nhìn cụ thể, các hoạt động đầu tư tài chính tại các công ty thành viên của Vinaconex không phải là không có điểm sáng. Đưa ra một số đánh giá với phóng viên Báo Đầu tư, ông Chu Đức Vĩnh, chuyên gia phân tích tài chính thuộc Công ty cổ phần Chứng khoán KIS cho biết, các trường hợp đáng chú ý là khoản góp vốn của Vinaconex vào công ty liên doanh, liên kết như Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển năng lượng Vinaconex, Công ty cổ phần Xi măng Cẩm Phả và Công ty cổ phần Đầu tư BOT Hà Nội - Bắc Giang.
Trong đó, Công ty cổ phần Xi măng Cẩm Phả sau khi có Viettel góp vốn (cuối năm 2013) đã bắt đầu kinh doanh hiệu quả và kết quả năm 2018 tiếp tục khả quan nhờ Chính phủ nới lỏng quy định về xuất khẩu xi măng. Nhờ vậy, nhiều khả năng, Vinaconex sẽ sớm hoàn nhập khoản dự phòng trước đó.
Trong đầu tư tài chính ngắn hạn, mặc dù Công ty có động thái giảm tiền mặt và tăng tiền gửi có kỳ hạn, nhưng lãi tiền gửi, tiền cho vay trong năm 2018 thậm chí vẫn giảm nhẹ so với năm 2017. Trong khi đó, khoản tăng mạnh nhất trong doanh thu hoạt động tài chính năm 2018 chỉ là sự hưởng lợi từ biến động tỷ giá, nhờ đó, riêng doanh thu từ chênh lệch tỷ giá đạt tới gần 33 tỷ đồng, tăng tới 63,2 lần so với năm trước.
Khoản mạnh thứ hai là “doanh thu hoạt động tài chính khác” và khoản này không được Vinaconex thể hiện rõ ràng nguồn gốc đến từ đâu.
Đề xuất loại bỏ những ngành nghề kinh doanh bị hạn chế “room”
Vừa qua, Hội đồng Quản trị Vinaconex đã có chủ trương trình Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 về việc thay đổi ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh của Tổng công ty theo hướng loại bỏ các ngành nghề kinh doanh quy định bị hạn chế tỷ lệ sở hữu (room) của nhà đầu tư nước ngoài ở mức 0%.
Hội đồng Quản trị đề nghị Đại hội đồng cổ đông ủy quyền thực hiện các thủ tục có liên quan để thay đổi nội dung ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh để đảm bảo tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 49% vốn điều lệ.