Thực trạng trên khiến dư luận phải đặt câu hỏi: Được giao thực hiện dự án liên quan đến cuộc sống thường nhật của hàng vạn hộ dân, nhưng
Vinaconex - một trong những tổng công ty đầu đàn - đã làm gì để đáp lại sự tin tưởng đó?
Nhận định của ông Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng đường ống cấp nước đã chỉ rõ, chất lượng đường ống nước “không đồng đều, bám dính của các lớp cấu tạo ống chưa tốt, về lâu dài dễ gây bong rộp, tách lớp ống”. Chính nhà đầu tư cũng thừa nhận rằng, “Vinaconex còn thiếu kinh nghiệm khi lựa chọn công nghệ, vật liệu đầu vào và các tiêu chuẩn áp dụng trong quá trình sản xuất, vận chuyển, thi công, lắp đặt hệ thống tuyến ống truyền tải nước”.
Dù nhận khuyết điểm, nhưng lãnh đạo Vinaconex vẫn không thể ngăn được đường ống tiếp tục vỡ. Và sau lần thứ 9 vừa qua, nhà đầu tư không thể khẳng định, đó là lần vỡ cuối cùng, mặc dù khi triển khai Dự án, Vinaconex đã cho rằng, việc áp dụng công nghệ ống dẫn bằng composite cốt sợi thủy tinh là một thành tựu lớn, tiết kiệm chi phí và rút ngắn thời gian thi công.
Việc dự án có số vốn đầu tư ngàn tỷ, nhưng chất lượng lại như hàng mã và sự bừng tỉnh muộn màng của cơ quan chức năng cũng đã làm đậm thêm dấu ấn về sự tắc trách trong công tác quản lý liên quan tới sự ổn định cuộc sống sinh hoạt của hàng ngàn hộ dân.
Không chỉ có vậy, thực tế cho thấy, sau khi đường ống vỡ đến lần... thứ 7, cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này mới vào cuộc.
Vào cuộc muộn và chỉ ra được nguyên nhân chính của sự cố, nhưng đại diện cơ quan quản lý nhà nước (là Bộ Xây dựng) vẫn kịp “rào đón” trách nhiệm của mình. Điều này được thể hiện qua phát biểu của Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, rằng tại thời điểm đó, Vinaconex không còn là đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng. Vinaconex đã được cổ phần hóa, được chuyển về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thuộc Bộ Tài chính quản lý phần vốn nhà nước.
Vẫn theo vị này, tại thời điểm đó, công tác quản lý chất lượng chịu sự điều chỉnh của quy định mới, theo đó, toàn bộ công đoạn, từ khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu do chủ đầu tư tổ chức quản lý chất lượng. Điều đó có nghĩa, Bộ Xây dựng vô can trước sự cố mất nước sinh hoạt của 70.000 hộ dân Thủ đô Hà Nội.
Vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về công trình xây dựng đến đâu, chắc chắn cũng sẽ được phân xử. Song điều quan trọng hơn với người dân Thủ đô là làm gì và làm thế nào để đường ống này không còn bị vỡ. Ai sẽ trả lời câu hỏi đó?