Báo cáo tài chính bán niên công ty mẹ của Vinaconex cho biết, nửa đầu năm Công ty mẹ Vinaconex đạt 1.212 tỷ đồng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, bằng xấp xỉ cùng kỳ năm trước. Nhờ chi phí tài chính giảm mạnh so với cùng kỳ nên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Công ty mẹ đạt 926 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ đạt 758 tỷ đồng, tăng 66% so với nửa đầu năm 2020.
Báo cáo tài chính hợp nhất của Tổng công ty cho thấy, doanh thu bán niên đạt 2.360 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đạt 279 tỷ đồng.
Điểm sáng trong báo cáo bán niên là dòng tiền của Vinaconex vẫn rất mạnh. Tính đến 30/6/2021, Vinaconex có số dư tiền và các khoản tương đương tiền là 2.827 tỷ đồng, tăng gần 1.000 tỷ đồng so với đầu năm. Các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng giảm từ 3.204 tỷ đồng xuống 2.529 tỷ đồng, cho thấy công tác quản trị tài chính, thu hồi nợ vay tiếp tục có tiến triển.
Nếu tính riêng quý II/2021, lợi nhuận từ các lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty mẹ và các đơn vị thành viên vẫn Tổng công ty vẫn đảm bảo theo kế hoạch. Trong quý I/2021, Tổng công ty đã chuyển nhượng một phần cổ phần tại Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển điện Miền Bắc 2 (mã chứng khoán ND2), giảm tỷ lệ sở hữu từ 73% xuống 38% và ghi nhận khoản lợi nhuận 436 tỷ đồng vào lợi nhuận sau thuế hợp nhất.
Trong quý II/2021, Tổng công ty lại nhận chuyển nhượng một phần cổ phần tại Công ty này để nâng tỷ lệ sở hữu từ 38% lên 51%. Theo hướng dẫn tại Thông tư số 202/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất, Tổng công ty phải giảm trừ khoản lợi nhuận từ giao dịch chuyển nhượng số cổ phần tương ứng với 35% vốn điều lệ tại ND2 đã ghi nhận trong lợi nhuận hợp nhất quý 1 năm 2021, khiến lợi nhuận hợp nhất quý II âm 65,8 tỷ đồng. Mặc dù vậy, lũy kế nửa đầu năm, lợi nhuận hợp nhất sau thuế của Tổng công ty vẫn đạt 279 tỷ đồng.
Những con số tài chính trên được xem là kết quả khả quan khi đặt trong bối cảnh năm 2021 có quá nhiều thách thức khó khăn với các doanh nghiệp ngành xây lắp, bất động sản. Một mặt, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều thành phố, địa phương phải giãn cách xã hội, một mặt thị trường bất động sản gặp khó khăn về nguồn vốn và chậm trễ trong việc phê duyệt thủ tục pháp lý, khiến cho nguồn việc mới của các doanh nghiệp xây dựng bị hạn chế.
Bước sang nửa cuối năm 2021, dù dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, khó lường, ban lãnh đạo Vinconex cho biết, Công ty tiếp tục quyết tâm triển khai nhiều kế hoạch sản xuất kinh doanh, như tập trung thi công các dự án hạ tầng lớn, hoàn tất thủ tục để khởi công một số dự án bất động sản, mở bán các dự án bất động sản đủ điều kiện kinh doanh…
Về lĩnh vực xây lắp, nửa đầu năm nay, Vinaconex vẫn trúng thầu nhiều dự án trọng điểm quy mô lớn như Gói thầu XL03, đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và gói XL-03 đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu, đều thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông; Gói thầu xây cầu chính dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; gói thầu số 37 XL-05 thi công xây lắp công trình thuộc dự án Nhà máy thủy điện Ialy mở rộng……..Các dự án, công trình của Vinaconex trên toàn quốc đều đang được triển khai đúng tiến độ dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh và thời tiết như dự án thủy điện Đăkba - Quảng Ngãi, dự án Mikazuki – Đà Nẵng, dự án Long Sơn – Vũng Tàu…
Về lĩnh vực bất động sản, Vinaconex vẫn liên tục tích lũy quỹ đất để sớm đạt 5.000 ha đến năm 2025 như mục tiêu đặt ra. Mới đây nhất, Vinaconex đã được phê duyệt kết quả đấu giá quyền sử dụng đất xây dựng công trình thương mại, dịch vụ, văn phòng, khách sạn cao cấp thuộc dự án Khu đô thị mới Kim Văn - Kim Lũ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội; quyền sử dụng đất dự án Khu dân cư đô thị tại Km3, Km4 phường Hải Yên, thành phố Móng Cái...Các dự án trọng điểm như Khu đô thị du lịch Cát Bà- Amatina hay Chung cư cao cấp 93 Láng Hạ cũng đang được đẩy nhanh tiến độ
Trên thị trường, cổ phiếu VCG được nhiều nhà đầu tư quan tâm và có thời điểm đạt thị giá trên 5x. VCG mới đây đã lọt vào danh mục cổ phiếu dự phòng cho VN30, bên cạnh các mã ngân hàng như MSB, LPB, EIB và VIB .
Với sự chuẩn bị tốt, nhân lực chuyên nghiệp và tập trung, năng lực quản trị không ngừng được cải thiện theo các chuẩn mực quốc tế, Vinaconex được đánh giá có nhiều lợi thế để vững vàng vượt qua những khó khăn, thử thách hiện nay và gặt hái được những kết quả khả quan hơn trong thời gian tới.