Các gương mặt tham gia cuộc đua
Theo thông báo của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, nhà đầu tư cá nhân Nguyễn Văn Đông và 3 nhà đầu tư tổ chức gồm Công ty TNHH An Quý Hưng, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng Thăng Long JTC, Công ty TNHH Đầu tư Star Invest đều đăng ký mua trọn lô gần 255 triệu cổ phần VCG (tương đương 57,71% vốn điều lệ) mà SCIC thoái vốn ngày 22/11/2018 với giá khởi điểm 21.300 đồng/cổ phần.
Ông Nguyễn Văn Đông thường trú tại Thừa Thiên Huế, trước khi đăng ký mua cổ phần, ông Đông không nắm giữ cổ phần VCG nào. Theo bản đăng ký của ông Đông, nguồn vốn để mua cổ phần là vốn tự có và các nguồn vốn hợp pháp khác, đảm bảo việc tham gia đấu giá và thanh toán tiền trúng đấu giá đúng thời gian quy định.
Công ty TNHH An Quý Hưng đăng ký kinh doanh tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội, vốn điều lệ 360 tỷ đồng, do ông Nguyễn Xuân Đông và bà Đỗ Thị Thanh góp vốn. Thông tin được gửi kèm trong bản công bố cho thấy, kết thúc năm 2017, An Quý Hưng có tài sản ngắn hạn gần 550 tỷ đồng, dài hạn 450 tỷ đồng và tổng cộng nguồn vốn gần 1.000 tỷ đồng. Năm 2017, Công ty đạt 956 tỷ đồng doanh thu và 62,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng Thăng Long JTC có vốn điều lệ 250 tỷ đồng, đăng ký kinh doanh tại toà nhà 57 Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân, Hà Nội, do ông Nguyễn Duy Dũng, ông Trần Đức Thọ và ông Nguyễn Việt Hưng góp vốn.
Tại thời điểm cuối năm 2017, Công ty có tài sản ngắn hạn hơn 55 tỷ đồng, tài sản dài hạn 202 tỷ đồng, tổng cộng nguồn vốn 257 tỷ đồng. Trong năm 2017, Công ty đạt doanh thu gần 2 tỷ đồng và lỗ 2,8 tỷ đồng. Thông báo của doanh nghiệp này cho biết, nguồn vốn thực hiện mua cổ phần VCG là vốn chủ sở hữu và nguồn vốn huy động hợp lệ khác.
Công ty TNHH Đầu tư Star Invest có đăng ký kinh doanh tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, vốn điều lệ 200 tỷ đồng, do ông Đặng Thế Anh Đức làm Giám đốc. Đáng chú ý, Công ty được thành lập ngày 9/11/2018, tức ngay trước thềm đăng ký mua đấu giá cổ phần VCG. Công ty đang thu xếp nguồn tài chính phục vụ kế hoạch tham gia đấu giá cổ phần.
Với lô hơn 94 triệu cổ phần, tương đương 21,28% vốn điều lệ Vinaconex mà Viettel thoái vốn, hai nhà đầu tư tổ chức tranh mua đã đặt cọc là Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Thăng Long Việt Nam, vốn điều lệ 380 tỷ đồng và Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ, vốn điều lệ 20 tỷ đồng.
Đâu là sức hấp dẫn của Vinaconex?
Trong bản đăng ký tham gia đấu giá, Công ty Đầu tư Star Invest đánh giá cao vai trò, vị thế của Vinaconex trên thị trường và tin tưởng đây sẽ là một kênh đầu tư hấp dẫn của các nhà đầu tư, đem lại lợi nhuận ổn định cho cổ đông. Do vậy, Công ty có định hướng đầu tư, gắn bó lợi ích lâu dài với Vinaconex.
Để thực hiện hoá mục tiêu đó, Đầu tư Star Invest sẽ tận dụng mọi nguồn lực để hỗ trợ Vinaconex trong việc mở rộng thị trường, nâng cao năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh và sức cạnh tranh của Vinaconex sau khi đấu giá cổ phần thành công.
Theo bản công bố thông tin của Vinaconex, Tổng công ty hiện quản lý và sở hữu 3,2 triệu m2 đất, bao gồm 131.786 m2 được giao tại 9 công trình và 3 triệu m2 đất thuê đang thực hiện đầu tư tại 7 dự án khác.
Được đánh giá “nạc” nhất là Khu đô thị mới Bắc An Khánh (Splendora, Vinaconex có quyền sở hữu 50%). Ở dự án này, theo ông Đỗ Trọng Quỳnh, Tổng giám đốc Vinaconex, hiện diện tích đất sạch còn tới hơn 200 ha. Đây là dự án có diện tích lớn nhất ở phía Tây Hà Nội đang triển khai.
Một số lô đất hiện là trường học và chi nhánh của Tổng công ty như: Tòa nhà văn phòng tại Đà Nẵng, hơn 380 m2; Trường trung học - tiểu học - mầm non Lý Thái Tổ tại Hà Nội, 24.000 m2; Khu công nghệ cao Hòa Lạc, hơn 2,7 triệu ha; trạm bơm tăng áp 33.000 m2; trụ sở làm việc tại khu đất E10 quận Thanh Xuân gần 500 m2, Trường đào tạo công nhân xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, Hà Nội gần 8.500 m2…
Vinaconex còn có một loạt dự án đang triển khai như chung cư cũ 93 Láng Hạ, Vinata Tower 25 Nguyễn Huy Tưởng, Kim Văn - Kim Lũ, cải tạo chung cư cũ tại Quận 1, TP. HCM, chung cư 184 Lê Hồng Phong, cải tạo khu tập thể cũ phường Láng Hạ, dự án chung cư cũ Vạn Bảo, Thượng Đình (khu tập thể Nhà máy thuốc lá Thăng Long), cải tạo khu chung cư cũ Thanh Xuân Bắc…
Những tài sản có giá trị và hiệu quả kinh tế cao của Vinaconex được giới đầu tư quan tâm còn có các dự án phát triển hạ tầng và dân sinh như các nhà máy thủy điện Cửa Đạt (97 MW), Ngòi Phát (72 MW), dự án cấp nước tại TP. Lào Cai.
Năng lực trong lĩnh vực xây lắp với nhiều công trình tầm cỡ quốc gia bao gồm cả các dự án hạ tầng lớn như đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tòa nhà trụ sở Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, Bảo tàng Hà Nội, trụ sở Tòa án cấp cao tại TP.HCM, cầu Quý Cao, cầu Bãi Cháy, Đại lộ Thăng Long, Nhà ga T2 - Sân bay Quốc tế Nội Bài - Hà Nội, cầu Nhật Tân… cũng là một lợi thế của Vinaconex.
Hiện nay, biên lợi nhuận trong mảng xây lắp của Vinaconex ở mức trung bình 7 - 8%, nếu được đầu tư thêm các công nghệ mới, tổ chức cải tiến lại cách thức sản xuất, Tổng công ty có thể tăng biên lợi nhuận trong mảng này lên trên 10%, đạt 12 - 15% như các nhà thầu hàng đầu khác đang đạt được.
Theo quy chế đấu giá của SCIC, nhà đầu tư phải đặt cọc bằng 10% giá trị cổ phần cả lô tính theo giá khởi điểm đấu giá. Với số tiền lớn như trên, nhiều khả năng tiền cọc sẽ là phiếu bảo lãnh thanh toán của các ngân hàng. Cuộc đua đấu giá cổ phần VCG vẫn đang ở giai đoạn gay cấn khi thời gian để xem xét, cân nhắc vẫn còn, do thời hạn đặt cọc được quy định đến 16h ngày 21/11/2018.
Đã khá lâu, thị trường mới lại chứng kiến một đợt đấu giá lô lớn cổ phần có sức nóng như vậy, kể từ phiên đấu giá trọn lô cổ phần Khách sạn Kim Liên vài năm trước. Thông thường, trước những thương vụ lớn, các nhà đầu tư tham gia mua cổ phần thường chủ động nhóm họp với nhau để “biết người, biết ta” và có thêm dữ liệu quyết định giá đấu.
Dù diễn ra theo hướng nào, thì với những diễn biến như hiện nay, phiên đấu giá để xác định nhà đầu tư chi phối tại Vinaconex tới đây cũng hứa hẹn có nhiều kịch tính hấp dẫn.