Ai sẽ thâu tóm Vinaconex?

(ĐTCK) Thông tin SCIC chào bán cả lô xấp xỉ  255 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ 57,71% vốn của Vinaconex được thị trường chú ý bởi nhà đầu tư nào tham gia thương vụ này sẽ có quyền chi phối hoạt động của một tổng công ty có vị thế đầu ngành xây dựng, với danh mục dự án và lĩnh vực hoạt động phong phú.
Ai sẽ thâu tóm Vinaconex?

Cuối năm ngoái, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng đã triển khai một đợt thoái vốn tại Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã VCG), nhưng  đợt chào bán không thành công. Năm nay, với phương thức hoàn toàn mới so với trước, giới phân tích nhìn nhận rằng, đợt chào bán có nhiều yếu tố hấp dẫn hơn.

Trước hết nhìn vào yếu tố cơ bản của doanh nghiệp, Vinaconex là doanh nghiệp có vị thế đầu ngành xây dựng với thế mạnh nổi trội trong lĩnh vực xây lắp.

Mỗi năm, Vinaconex thực hiện các gói thầu xây lắp có giá trị khoảng 2.500-3.000 tỷ đồng. Các công trình có độ phức tạp cao như các dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tòa nhà trụ sở Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, Bảo tàng Hà Nội, trụ sở tòa án cấp cao tại TP. HCM…, cầu Quý Cao, cầu Bãi Cháy, Đại lộ Thăng Long, Nhà ga T2 - Sân bay Quốc tế Nội Bài - Hà Nội; cầu Nhật Tân, các khu chung cư… 

Biên lợi nhuận trong mảng xây lắp của Vinaconex hiện mới chỉ ở mức trung bình 7-8%, song đây chính là mảng còn dư địa để cải tiến.

Nếu được đầu tư thêm các công nghệ mới, tổ chức cải tiến lại cách thức sản xuất, Vinaconex hoàn toàn có thể tăng biên lợi nhuận trong mảng này lên trên 10%, có thể đạt tới 12-15% như các nhà thầu hàng đầu khác đang đạt được.

Nhưng xây lắp không phải là át chủ bài tạo nên sự hấp dẫn của Vinaconex. Mảng đầu tư bất động sản mới là dư địa còn tiềm năng của Tổng công ty.

Hiện doanh nghiệp đang triển khai các dự án như dự án chung cư cũ 93 Láng Hạ,  Vinata Tower 25 Nguyễn Huy Tưởng, Kim Văn - Kim Lũ, Bắc An Khánh, đồng thời đang theo đuổi các dự án như cải tạo chung cư cũ tại quận 1, TP. HCM, chung cư 184 Lê Hồng Phong, cải tạo khu tập thể cũ phường Láng Hạ, dự án chung cư cũ Vạn Bảo, Thượng Đình (khu tập thể thuốc lá Thăng Long), dự án cải tạo khu chung cư cũ Thanh Xuân Bắc, khu nhà ở thu nhập thấp 18,5 ha tại Bắc An Khánh, dự án Đại Áng…

Ngoài ra, Vinaconex còn đang góp vốn đầu tư có hiệu quả tại hàng loạt các dự án phát triển hạ tầng và dân sinh như các nhà máy thủy điện Cửa Đạt (97 MW), Ngòi Phát (72 MW), đang lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cấp nước tại TP. Lào Cai…

SCIC bán đấu giá cả lô gồm 254.901.153 cổ phần với giá khởi điểm được xác định là 21.300 đ/cổ phần. Nhà đầu tư muốn tham gia thương vụ này phải giắt tay tối thiểu 5.430 tỷ đồng.

Nhà đầu tư cá mập nào có thể trở thành bên mua tiềm năng của lô cổ phần lớn như vậy?

Nhìn trên bình diện một bức tranh lớn, giới phân tích đang bỏ điểm cao nhất cho một số nhà đầu tư lớn có tiềm năng và có khả năng quan tâm như Tập đoàn Sovico, Vingroup, Sun Group, FLC...

Trả lời câu hỏi của Báo Đầu tư Chứng khoán rằng, cho đến thời điểm này, đã có những bên mua tiềm năng nào với lô cổ phần rất lớn trên, lãnh đạo CTCK khoán Bảo Việt (đơn vị tư vấn bán) chưa tiết lộ thông tin.

Tuy nhiên, vị này tin tưởng, đây sẽ là một thương vụ có những yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư. Còn giám đốc một quỹ đầu tư lớn tại Việt Nam thì nhận xét, yếu tố quyết định sẽ nằm ở giá bán mà SCIC muốn đạt được.

Giá tốt không hẳn là mức giá cách xa định giá doanh nghiệp, mà là giá nhà đầu tư chấp nhận được và đảm bảo cho doanh nghiệp tiếp tục khả năng phát triển bền vững trong tương lai.

Kể từ khi SCIC công bố thông tin bán vốn Vinaconex, cổ phiếu VCG đã có các phiên tăng giá liên tiếp, sau đó giảm theo đà giảm chung của thị trường, song mức giảm không quá lớn. Thị trường đang chờ xem liệu sóng thoái vốn có vỗ quanh thương vụ được coi là lớn nhất của SCIC trong năm nay?

Thủy Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục