Thông tin Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) chuẩn bị thoái vốn tại CTCP Xuất nhập khẩu hóa chất miền Nam (Southchimex) vào ngày 12/12 tới đang thu hút sự chú ý trên thị trường.
Cụ thể, tổng số cổ phần Southchimex được Vinachem công bố đưa ra đấu giá đợt này là 461.516 cổ phần, tương đương 49% vốn của doanh nghiệp, mức giá khởi điểm chào bán lên tới 253.300 đồng/cổ phần.
Nếu thoái vốn thành công ở mức giá này, ước tính Vinachem sẽ thu về gần 117 tỷ đồng, gấp gần 29 lần giá trị đầu tư ban đầu là 4,12 tỷ đồng tính tại thời điểm 30/6/2019 trên báo cáo tài chính Công ty mẹ Vinachem.
Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019 của Vinachem, Southchimex xuất hiện dưới danh nghĩa là 1 trong 11 “công ty liên kết quan trọng”.
Khoản đầu tư vào Southchimex được ghi sổ theo phương pháp vốn chủ sở hữu tính đến 30/6/2019 có giá trị 11,3 tỷ đồng, giảm 300 triệu đồng so với đầu năm.
Song, ngoài giá bán cao, điều đáng quan tâm là cho đến thời điểm này, các thông tin liên quan đến việc thoái vốn vẫn rất ít ỏi, khiến thị trường thiếu cơ sở để đánh giá, phân tích giá trị thực tế của doanh nghiệp một cách chính xác.
Cụ thể, đối với Southchimex, ngoài thông tin mới nhất là về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 với doanh thu đạt 348 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 1,38 tỷ đồng, thì những thông tin khác đều là thông tin cũ từ giai đoạn 2015-2016 như báo cáo tài chính năm 2015, phương án phân chia lợi nhuận năm 2015…
Sự hạn chế về mặt thông tin khiến thị trường phân vân, nhất là việc cơ sở nào để Vinachem đưa ra mức giá khởi điểm cao như vậy.
Theo các chuyên gia, để đưa ra được mức giá chào bán cao thu hút được sự quan tâm thực sự của nhà đầu tư trong các thương vụ bán vốn, yếu tố quyết định là doanh nghiệp được đưa ra chào bán phải có những lợi thế đặc biệt có thể mang lại lợi ích lớn cho nhà đầu tư, ví dụ như lợi thế về đất đai, những khoản đầu tư tài chính tiềm năng...
Hoặc nếu không thì phải là những yếu tố giúp mang lại những lợi thế mang tính quyết định trong việc thực hiện mục đích thâu tóm doanh nghiệp, hay làm tăng vai trò và tiếng nói của nhà đầu tư trong cơ cấu quản trị của doanh nghiệp.
Thực tế, trước đó, Vinachem đã không ít lần khiến giới đầu tư ngạc nhiên khi bán đấu giá thành công 900.411 cổ phần của CTCP Hóa chất Đà Nẵng (DCI) với giá khởi điểm đưa 113.700 đồng/cổ phần và giá đấu thành công bình quân là 133.733 đồng/cổ phần, trong khi thị giá cổ phiếu DCI tại thời điểm đó chỉ là 2.800 đồng/cổ phần.
Các thương vụ thoái vốn tại CTCP Bột giặt NET (NET), CTCP Phân bón miền Nam (SFG) cũng được cho là thành công với mức giá cao. Tuy nhiên, các số liệu được công bố cho thấy, đây đều là những doanh nghiệp có tiềm năng phát triển, kết quả sản xuất - kinh doanh tăng trưởng ổn định, riêng DCI còn có lợi thế từ những tài sản là bất động sản công nghiệp có giá trị.
Trong thương vụ bán vốn tại Southchimex, nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp này phải có những lợi thế vượt trội trong lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là xuất nhập khẩu phân bón, thương mại, dịch vụ, hoặc chí ít thì cũng là “hàng độc” với những giá trị đặc biệt hấp dẫn nhà đầu tư thì Vinachem mới có thể tự tin “hét giá” cao ngất như vậy.
Song, với những thông tin rất ít ỏi từ Vinachem và từ chính doanh nghiệp được bán đấu giá đến thời điểm này, thắc mắc trên là chưa có đáp án.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, để đảm bảo việc đấu giá thực sự công bằng đối với các nhà đầu tư, thông tin đưa ra thị trường của những người trong cuộc cần đầy đủ, công khai và minh bạch để nhà đầu tư có thể cân nhắc một cách thấu đáo, tránh để xảy ra tiêu cực hoặc chỉ phục vụ lợi ích nhóm.