Nhà đầu tư cá nhân mua lớn
Khác với những giao dịch mua nhỏ lẻ, một số cuộc đấu giá bán cổ phần nhà nước gần đây có sự tham gia của các nhà đầu tư cá nhân chào mua khối lượng lớn, thậm chí rất lớn cổ phần. Các nhà đầu tư này tham gia đấu giá có thể xuất phát từ thực lực tài chính mạnh, nhưng cũng có thể chỉ là đứng tên giúp cho những người mua đích thực, chưa muốn lộ danh tính vào thời điểm đấu giá.
Quy định hiện hành cho phép tất cả các nhà đầu tư đủ năng lực hành vi dân sự, có tài khoản tiền gửi tại một tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán theo quy định của pháp luật Việt Nam là có thể tham gia đấu giá. Tuy nhiên, phía sau những nhà đầu tư cá nhân mua lớn này là ai, rất khó để nhìn rõ trên bề mặt các cuộc đấu giá cổ phần.
Theo công bố thông tin trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Vinachem muốn thoái 3,359 triệu cổ phần tại Công ty cổ phần Bột giặt NET với giá khởi điểm 30.900 đồng/cổ phần, cao hơn không đáng kể so với thị giá hiện nay là 28.500 đồng/cổ phần. Tuy nhiên, ở mức thị giá hiện nay, cổ phiếu NET đã tăng giá 36% trong 1 năm qua.
Kết quả đăng ký tham gia đấu giá cho thấy, có 5 nhà đầu tư cá nhân đăng ký mua 3.380.000 cổ phần NET, cao hơn số cổ phần mang ra đấu giá. Kết quả đấu giá, cả 5 nhà đầu tư đều trúng đấu giá với giá trúng bình quân là 30.900 đồng/cổ phần, bằng đúng giá khởi điểm. Đặc biệt, trong phiên đấu giá, 30.900 đồng/cổ phần là mức giá duy nhất được cả 5 nhà đầu tư cá nhân này đưa ra.
Diễn biến tại NET có phần tương tự với diễn biến tại phiên đấu giá cổ phiếu Cao su Sao Vàng (SRC) khi cuộc chào bán của SRC có 2 nhà đầu tư cá nhân và 1 nhà đầu tư tổ chức đăng ký mua hết lượng cổ phần bán ra. Kết quả là cả 3 nhà đầu tư đều trúng đấu giá với giá đấu không xê dịch với giá chào bán.
Tại thời điểm 8/4/2019, NET có 3 cổ đông lớn gồm Vinachem nắm 51% vốn; 2 cổ đông ngoại là America LLC và Jom Silkkitie Asia Equity Investments Fund sở hữu lần lượt 8,9% và 5,3% vốn. Tình hình hoạt động kinh doanh của Công ty trong 4 năm trở lại đây không tích cực, khi lợi nhuận sụt giảm đáng kể, dù doanh thu có sự tăng trưởng.
Theo giới phân tích, một lợi thế lớn của NET là việc Công ty được giao quản lý quỹ đất với vị thế đắc địa như 60.000 m2 đất công nghiệp, thuê 50 năm, trả tiền hàng năm tại Khu công nghiệp Lộc An, Bình Dương, Đồng Nai; 2.045,5 m2 đất thương mại dịch vụ, thuê trả tiền hàng năm; 1.549 m2 đất thương mại dịch vụ tại số 617 - 629 Bến Bình Bông, quận 8, TP.HCM; 4.699 m2 đất thương mại dịch vụ tại km số 1, đường Phan Trọng Tuệ, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội…
Trái ngược với kết quả đấu giá cổ phần NET, đợt thoái vốn của Vinachem tại Công ty cổ phần Phân bón miền Nam (SFG) không thành công khi không có nhà đầu tư nào đăng ký. Theo phương án thoái vốn, Vinachem sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại SFG từ 65% (tương ứng nắm hơn 31 triệu cổ phần) về 36%. Theo đó, Tập đoàn sẽ bán ra gần 14 triệu cổ phiếu SFG, giá khởi điểm 31.072 đồng/cổ phiếu, cao gấp 3 lần thị giá.
Hoạt động kinh doanh chính của Phân bón miền Nam là sản xuất - kinh doanh phân bón NPK và phân Lân, đóng góp trên 90% doanh thu và lợi nhuận gộp mỗi năm (trong đó kinh doanh phân NPK chiếm khoảng 80% doanh thu và 75% lợi nhuận gộp). Tuy nhiên, năm 2018, SFG sụt giảm lợi nhuận đáng kể, mà nguyên nhân chính là lợi nhuận tài chính giảm mạnh so với các năm trước. Điểm nổi bật tại SFG là Công ty chia cổ tức bằng tiền mặt khá đều đặn qua các năm, với tỷ suất cổ tức ở mức 11 - 12%. Đây là điểm tương đồng ở các doanh nghiệp mà Vinachem góp vốn.
Thị giá “chết” trên sàn, giá đấu gấp nhiều lần thị giá
Một hiện tượng lạ khác là cuộc chào bán tại Công ty cổ phần Công nghiệp Hóa chất Đà Nẵng (DCI). Vinachem công bố thoái toàn bộ 900.411 cổ phần (tương ứng 37,32% vốn DCI), giá khởi điểm 113.700 đồng/cổ phần. Trong khi đó, thị giá trên thị trường của DCI chỉ là 2.800 đồng/cổ phiếu.
Sau thông tin đấu giá này, thị giá DCI gần như không có biến động, mà nguyên nhân đến từ cơ cấu cổ đông rất cô đặc của Công ty. Cụ thể, ngoài Vinachem sở hữu hơn 37% vốn, thì hơn 54% còn lại do Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Đình Huỳnh và gia đình nắm giữ. Cổ phiếu DCI gần như chết thanh khoản vài năm qua.
Dù giá cao ngất ngưởng, vẫn có 2 nhà đầu tư cá nhân đăng ký mua tổng cộng hơn 1,2 triệu cổ phần DCI. Cùng ngày đấu giá với NET ngày 10/7/2019, kết quả đấu giá tại DCI cũng rất tích cực khi cả 2 nhà đầu tư đều trúng đấu giá với giá bình quân 113.700 đồng/cổ phần, bằng giá khởi điểm. Giá đặt mua cao nhất là 113.800 đồng/cổ phần, nhỉnh hơn giá khởi điểm 100 đồng/cổ phần.
Theo bản cáo bạch, hoạt động kinh doanh chính của DCI là sản xuất phân bón và hợp chất nitơ; kho bãi và lưu giữ hàng hóa; kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê; sản xuất thuốc trừ sâu và sản phẩm hóa chất khác dùng trong nông nghiệp… Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 của DCI, Công ty ghi nhận doanh thu hơn 363 tỷ đồng và lãi ròng hơn 7 tỷ đồng. Cuối năm 2018, tổng tài sản đạt 214 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu hơn 50 tỷ đồng.
Năm 2019, DCI đặt kế hoạch doanh thu 300 tỷ đồng, giảm 17%; lãi ròng chỉ còn 5 tỷ đồng, giảm 30% so với năm trước đó. Nguyên nhân, theo Ban lãnh đạo doanh nghiệp là bởi tình hình ngành sản xuất nông nghiệp và các sản phẩm phân bón tiếp tục khó khăn. Công ty chỉ duy trì hoạt động này theo quy mô hợp lý.
Đáng lưu ý, DCI đang quản lý sử dụng 4 khu đất trung tâm tại TP. Đà Nẵng với diện tích hơn 16 ha, bao gồm quyền sử dụng đất lâu dài với diện tích 1.362 m2 tại 53 Lê Hồng Phong, quận Hải Châu; đất sản xuất - kinh doanh 3.805 m2 tại Đường Yết Kiêu, quận Sơn Trà; phần diện tích 81.788 m2 tại Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu và 75.272 m2 ở đường số 3 Khu công nghiệp Hòa Khánh.
Danh tính của 2 nhà đầu tư đăng ký mua DCI chưa rõ, nhưng dựa vào cơ cấu cổ đông như trên, nhiều phân tích trên thị trường đang nghiêng về khả năng, người có liên quan của Chủ tịch DCI tham gia đấu giá. Bởi lẽ, khó có khả năng nhà đầu tư bên ngoài tham gia đấu giá khi không nắm được quyền chi phối doanh nghiệp.
Theo Quy chế đấu giá, việc bán cổ phần lần đầu, thoái vốn nhà nước được thực hiện thông qua hình thức bán đấu giá ra công chúng mà không có sự phân biệt nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài. Thực hiện bán đấu giá công khai trên thị trường chứng khoán (tại Sở giao dịch chứng khoán nếu khối lượng cổ phần bán ra có mệnh giá từ 10 tỷ đồng trở lên) hoặc đấu giá tại các tổ chức tài chính trung gian (nếu khối lượng cổ phần bán ra có mệnh giá dưới 10 tỷ đồng).
Theo hướng dẫn của Sở giao dịch chứng khoán, đối với nhà đầu tư cá nhân tham gia đấu giá, điều kiện cần là có đầy đủ năng lực hành vi dân sự (từ 18 tuổi trở lên, không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự); có chứng minh nhân dân/hộ chiếu/giấy tờ tùy thân hợp lệ khác; có tài khoản tiền gửi tại một tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán theo quy định của pháp luật Việt Nam về ngoại hối. Mọi hoạt động liên quan đến mua cổ phần đều phải thông qua tài khoản này.
Bên cạnh đó, trong trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định riêng thì thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành đó. Nhà đầu tư cần xem quy chế đấu giá của từng cuộc đấu giá để biết thông tin cụ thể.