Dịch bệnh Covid-19 mặc dù đã được kiểm soát tại Trung Quốc, nhưng lại lan rộng ra nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đặc biệt là Mỹ và châu Âu - thị trường xuất khẩu hạt điều truyền thống của Việt Nam.
Tại Mỹ và EU, việc hạn chế đi lại của người dân khiến nhu cầu dự trữ thực phẩm thiết yếu tăng. Trong khi, hạt điều lại là thực phẩm phụ, người tiêu dùng sẽ ưu tiên cho các thực phẩm quan trọng khác.
Bên cạnh đó, tại EU, các nhà nhập khẩu đang có nhu cầu cao mua hàng để dự trữ vì lo lắng đại dịch Covid-19 lan rộng ở châu Phi sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung điều thô cho Việt Nam và Ấn Độ.
Trong khi Ấn Độ đang bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh, Liên đoàn Công nghiệp điều Ấn Độ cho biết, khoảng 15.000 tấn hạt điều thô đang tồn đọng tại các nhà máy chế biến trên khắp cả nước do lệnh phong tỏa.
Do vậy, hiện một số khách hàng trên thế giới yêu cầu các nhà máy giao hàng sớm nhất có thể do lo ngại việc vận chuyển hàng hóa trên toàn cầu có thể gặp khó khăn, cước tàu vận tải tăng cao.
Tuy nhiên, Vinacas khuyến cáo các nhà máy chế biến nên bình tĩnh, không nên bán tháo. Đồng thời, các nhà máy chế biến nên nhập khẩu hạt điều thô từ từ khi thấy giá phù hợp.
Vinacas cũng khuyến cáo các doanh nghiệp chế biến điều không nên ký các hợp đồng xa khi chưa mua được điều thô, vì sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, giá có thể tăng trở lại.
Cùng với đó rủi ro sẽ rất cao nếu các nhà chế biến cố gắng mua điều thô từ châu Phi trong khi không có hợp đồng điều nhân hoặc phương án tính toán để bán lại, khuyến nghị chỉ mua điều thô khi có thể bán điều nhân ngang giá.
Trong bối cảnh khó khăn chung, các doanh nghiệp chế biến nên thu mua hạt điều thô trong nước nhằm góp phần giữ vững và phát triển vùng nguyên liệu tại chỗ.
Các nhà máy chế biến hạt điều Việt Nam cần theo dõi sát diễn biến thị trường, đồng thời cũng nên có kế hoạch chuẩn bị cho năm 2021.
Năm 2020, ngành điều Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 4 tỷ USD, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến giá xuất khẩu hạt điều giảm, ngành điều Việt Nam có thể sẽ phải điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu xuống còn 3 tỷ USD.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo giá xuất khẩu điều nhân của Việt Nam trong ngắn hạn sẽ tăng nhẹ, do các nước phương Tây tăng nhu cầu dự trữ điều, bên cạnh đó Trung Quốc đang dần phục hồi nền kinh tế khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát tốt.
Theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, trong tháng 4, khối lượng điều nhân Việt Nam xuất khẩu ước đạt 43 nghìn tấn với giá trị 281 triệu USD.
Kết quả này đã đưa khối lượng xuất khẩu hạt điều 4 tháng đầu năm 2020 đạt 137 nghìn tấn và 948 triệu USD, tăng 19,4% về khối lượng và tăng 4,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Mỹ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 36,8%, 11,9% và 6,9% tổng giá trị xuất khẩu hạt điều.